Anh Nguyễn Ngọc Khánh lắp đặt phao cứu sinh trên cầu Long Biên. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Theo anh Nguyễn Ngọc Khánh, từ ngày 6/5 nhóm đã thực hiện lắp đặt 100 phao cứu sinh qua các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, TP. Hà Nội, đến nay số phao cứu sinh đã bị mất khoảng 50 chiếc.
Còn trên địa bàn TP. Hà Nội, nhóm đã lắp 33 phao cứu sinh nay chỉ còn vài ba chiếc còn sót lại tại cầu Long Biên và Thanh Trì. “Sau 4 ngày lắp đặt tôi nhận được rất nhiều tin nhắn báo phao cứu sinh đã bị mất; đặc biệt là trên cầu Vĩnh Tuy và Chương Dương”, anh Khánh cho biết.
Anh Nguyễn Ngọc Khánh và các thành viên lắp đặt phao cứu sinh trên cầu Long Biên. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Anh Khánh cho hay, việc lắp đặt phao cứu sinh trên các cây cầu nhằm cung cấp công cụ cho những người đuối nước hoặc những người do áp lực cuộc sống phải chọn cách gieo mình xuống sông có cơ hội sống sót. Vì vậy, anh rất mong muốn người dân ủng hộ, chung tay bảo vệ nó và không lấy đi.
"Chúng tôi đã dự đoán trước, nên đã in dòng chữ “phao cứu người, không lấy” nhưng tình trạng này vẫn diễn ra. Thực ra mỗi phao cứu sinh giá chỉ 100 nghìn đồng, giá trị không lớn, nhưng ý nghĩa của nó rất nhân văn trong việc cứu người đuối nước. Những điểm mất chúng tôi tiếp tục bổ sung trong nay mai. Nhưng việc này không thể kéo dài, nhóm cũng chỉ bổ sung được một vài lần, vì nguồn kinh phí của nhóm có hạn”, anh Khánh chia sẻ.
Phao cứu sinh được lắp đặt trên cầu Chương Dương đã bị lấy mất. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Sau gần nửa tháng thực hiện chương trình, nhiều người biết đến qua mạng xã hội đều bình luận ủng hộ, ca ngợi hoạt động của nhóm tình nguyện viên và mong rằng các phao này được bảo vệ, không bị lấy trộm.
Tại hiện trường nhiều người cũng thấy đây là việc làm ý nghĩa. Anh Nguyễn Văn Thông, công nhân sửa chữa cầu Long Biên, thuộc Công ty cổ phần đường sắt Hà Hải nói: “Đây là việc làm rất tốt, mong rằng mọi người có ý thức giữ gìn".