Những ngày hè này, tiếng hướng dẫn thực hiện các thao tác bơi lội, tiếng nói cười trẻ nhỏ xen lẫn tiếng quẫy nước của lớp dạy bơi miễn phí do Đoàn xã Vĩnh Hà (huyện Vĩnh Linh) tổ chức rộn vang một góc rừng. Đó là một bể bơi dã chiến giữa dòng suối xanh trong. Khu vực dạy bơi được chia thành bốn ô, sâu 60cm - 1m để phù hợp với các em 7 - 14 tuổi.
Khung bể bơi được quây bằng những cây tre dài, bắc ngang mặt nước và giữ cố định bằng dây chằng, cọc và can nhựa. Những cây tre vừa làm ranh giới đảm bảo an toàn, vừa trở thành điểm tựa giúp các em tập luyện các động tác đạp nước, tập nổi...
Các buổi học đều đặn diễn ra từ 16h30 đến 18 giờ. Trước mỗi buổi học, anh chị Đoàn xã luôn đến sớm, kiểm tra từng mối nối giữa các thành bể... đảm bảo an toàn cho trẻ. Đồng thời, đón trẻ và điểm danh theo danh sách đã đăng ký.
Anh Đỗ Văn Chiến - Bí thư Đoàn xã Vĩnh Hà cho biết, đây là năm đầu tiên Đoàn xã triển khai mô hình ngăn suối dạy bơi, nhằm trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước, tạo sân chơi, tăng cường sức khỏe cho trẻ trong những ngày hè. “Vĩnh Hà là xã vùng cao, thuần nông còn nhiều khó khăn của huyện Vĩnh Linh, với hơn 37% dân số là đồng bào dân tộc Vân Kiều. Khắc phục hạn chế thiếu bể bơi theo tiêu chuẩn, chúng tôi đã khảo sát, làm bể bơi từ những vật liệu có sẵn, dễ kiếm như tre nứa, can nhựa, xốp. Thách thức lớn nhất là tìm được đoạn suối ưng ý, có độ sâu vừa đủ và đáy không có đá sắc nhọn", anh Chiến nói.
Đến nay lớp dạy bơi đã có hơn 40 em nhỏ đăng ký. Để đảm bảo việc học an toàn, hiệu quả và phòng chống dịch COVID-19, Đoàn xã đã chia thành hai lớp, mỗi lớp 20 em. Trong các buổi học, các em được học lý thuyết, tập làm quen với động tác khởi động, tập luyện kỹ thuật trên cạn, rồi dưới nước; làm quen với việc sơ cấp cứu đuối nước.
Trong mỗi buổi học, ngoài giáo viên, có bốn, năm tình nguyện viên là thành viên trong Ban chấp hành Đoàn xã xuống nước để hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho trẻ.
Dạy bơi cho trẻ yếu thế
Chị Trần Thị Thu - Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Trị cho biết, việc trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, trong đó có tai nạn đuối nước là nội dung quan trọng, xuyên suốt trong chương trình công tác Đoàn. Các cấp bộ Đoàn đã triển khai nhiều hoạt động như trao tặng áo phao tập bơi, lắp biển cảnh báo đuối nước ở các xã vùng trũng, phối hợp tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí. Đặc biệt, ở các xã vùng trũng như ở huyện Hải Lăng, Đoàn cơ sở đã có nhiều mô hình ngăn sông, ngăn kênh thủy lợi, cải tạo hồ cạn làm hồ bơi dạy kỹ năng phòng chống, xử lý tình huống khi có sự cố đuối nước.
“Các mô hình tận dụng điều kiện tự nhiên tại các đơn vị, huy động sự tham gia của đoàn viên thanh niên trong dạy bơi miễn phí cho thiếu nhi tại các địa bàn vùng trũng, vùng khó đã được các cơ sở Đoàn triển khai nhiều năm nay, được cộng đồng ghi nhận, đánh giá cao. Thực tiễn phong trào đã chứng minh hiệu quả của các mô hình, thể hiện tính sáng tạo, xung kích tình nguyện cũng như vai trò bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu nhi của tổ chức Đoàn”, chị Thu nói.
Theo chị Thu, trong dịp hè năm nay, các cơ sở Đoàn tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động để vừa tập hợp, quản lý thiếu nhi, vừa đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh COVID-19. Mô hình dạy bơi miễn phí cho trẻ tiếp tục được nhân rộng về số lượng, đồng thời đổi mới, bổ sung đối tượng. Từ ngày 20/6 - 5/7 tại xã Hải Hưng (huyện Hải Lăng), lớp dạy bơi miễn phí cho 13 thiếu nhi bị thiểu năng trí tuệ, chậm phát triển được tổ chức .
"Đây là lớp đầu tiên dành cho các thiếu nhi yếu thế. Dạy bơi cho trẻ thường mất nhiều thời gian, với các em thiểu năng trí tuệ lại càng khó hơn. Tuy nhiên, đây là điều rất cần, giúp các em hoà nhập cuộc sống và tự bảo vệ mình. Qua lớp đầu tiên này, chúng tôi sẽ đánh giá, hoàn thiện hơn việc dạy bơi cho trẻ yếu thế, từ đó lên phương án nhân rộng để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả”, chị Thu nói.
Rèn khả năng sinh tồn trước dòng chảy
Thầy giáo Nguyễn Văn Tước (Trường Tiểu học và THCS Hải Vĩnh, xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) đã có gần 10 năm đồng hành với Đoàn Thanh niên, trực tiếp dạy bơi miễn phí ở những hồ bơi dã chiến. Năm nay, lớp học bơi miễn phí đều đặn diễn ra hai buổi sáng - chiều, thu hút gần 100 em trong độ tuổi từ 7 - 14 tham gia.
Thầy Tước cho biết, việc dạy bơi ở nguồn nước mở, có dòng chảy như kênh thủy lợi có độ nguy hiểm cao hơn so với nguồn nước đóng như bể bơi tiêu chuẩn. Việc bơi xuôi dòng sẽ thuận lợi, còn ngược dòng sẽ khó cho những em mới học bơi. Tuy nhiên, tập bơi ở nơi có dòng chảy có ưu điểm trong việc rèn luyện được nhiều kỹ năng sinh tồn, khả năng chống chọi với dòng chảy và rèn luyện thể lực.
Những bài tập gần với môi trường thực tế, như việc lên xuống bể bơi bằng các sợi dây có đầu buộc cố định trên bờ để giúp trẻ rèn luyện khả năng tận dụng vật cản, sợi dây hay sào để thoát khỏi mặt nước. “Việc dạy và học bơi luôn phải đảm bảo an toàn, tránh để các em nhỏ đùa giỡn, lặn xuống mặt nước đùa nghịch. Giáo viên dù ở dưới nước hay trên bờ thì phải luôn đếm được đầu trẻ”, thầy Tước nói. Theo thầy Tước, trước khi tập luyện khả năng bơi lội, cần hướng dẫn để các em nổi được trên mặt nước, ngụp lặn; giữ bình tĩnh khi rơi xuống nước, kỹ năng xử lý tình huống, phương pháp cứu hộ. Bên cạnh đó, lưu ý các em quan sát mặt nước, dòng chảy. Ở môi trường nước tự nhiên như ao, hồ cần quan sát bờ và màu nước. Bờ cao thường đáy sẽ sâu. Màu nước càng tối thẫm màu độ sâu sẽ lớn hơn nhiều so với màu nước sáng, trong. Ở biển hay sông thì cần chú ý tránh vòng nước xoáy, cũng như lưu ý tới những dòng xoáy ngầm.