Tập thể 16 nhà khoa học đoạt giải thưởng Kovalevskaia 2014:

Thành công mang tính đột phá

Thành công mang tính đột phá
TP - Những ngày này tại Bộ môn Mô-Phôi (Trường Đại học Y Hà Nội) và Khoa Kết Giác mạc (Bệnh viện Mắt T.Ư) rộn ràng niềm vui bởi 16 nhà khoa học vừa đoạt giải thưởng tập thể Kovalevskaia cho đề tài: Nghiên cứu sử dụng công nghệ tế bào để điều trị tổn thương bề mặt nhãn cầu.

Hơn 10 năm miệt mài nghiên cứu

PGS.TS Nguyễn Thị Bình, Nguyên trưởng bộ môn Mô-Phôi (ĐH Y Hà Nội), trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ: “Trong thời kỳ đầu, việc nghiên cứu gặp rất nhiều khó khăn vì không có kinh phí. Các thành viên trong tập thể  đã cùng nhau đóng góp kinh phí để phục vụ cho sự đam mê nghiên cứu khoa học”. Mục tiêu là nghiên cứu phương pháp điều trị tổn thương bề mặt nhãn cầu bằng cách nuôi tạo các tấm biểu mô từ các nguồn tế bào gốc khác nhau. Nếu bệnh nhân bị tổn thương một bên mắt sẽ lấy tế bào gốc từ vùng rìa giác mạc bên mắt lành, nếu bệnh nhân bị tổn thương cả hai mắt sẽ lấy tế bào gốc từ biểu mô niêm mạc miệng. Sau khi nuôi tạo thành công tấm biểu mô sẽ ghép tự thân vào giác mạc cho bệnh nhân.

Đây là phương pháp mới đang được áp dụng trên thế giới và vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu. Còn ở Việt Nam, đây là đơn vị đầu tiên trong cả nước nghiên cứu và áp dụng. Các phương pháp hiện đang được sử dụng ở Việt Nam để điều trị tổn thương bề mặt nhãn cầu là ghép màng ối (nhưng chỉ mang tính tạm thời) hoặc ghép củng giác mạc tự thân (chỉ áp dụng cho bệnh nhân bị tổn thương một bên mắt và mảnh mô lấy để ghép phải có kích thước lớn nên sẽ ảnh hưởng tới mắt lành), ghép củng giác mạc dị thân (bệnh nhân phải uống thuốc chống loại thải mảnh ghép suốt đời và mảnh ghép hay bị loại thải).

Đến năm 2006, tập thể nghiên cứu được phân công thực hiện 2 đề tài gồm đề tài cấp Bộ: “Nghiên cứu nuôi cấy tế bào rìa giác mạc và ứng dụng trong điều trị một số tổn thương giác mạc” và đề tài nhánh thuộc đề tài cấp Nhà nước: “Nghiên cứu quy trình công nghệ tạo tấm biểu mô giác mạc người để điều trị tổn thương bề mặt giác mạc do bỏng”.

Mặc dù đã có được kinh phí từ Nhà nước, nhưng lại rất hạn hẹp. Hơn nữa, nhiều loại hóa chất, môi trường, vật liệu không thể có được ở Việt Nam. Nhớ lại những ngày tháng khó khăn khi mới bắt tay vào nghiên cứu một lĩnh vực rất mới, TS Bình không giấu được cảm xúc lo lắng, bồn chồn dường như còn nguyên vẹn. Ngày ấy, một thành viên trong nhóm đi học tại Nhật Bản về nuôi cấy tế bào bằng dịch treo. Tuy nhiên, khi về áp dụng tại Việt Nam lại không thành công. Cả nhóm mày mò tìm cách khác để thử nghiệm. Khó khăn nhất là pha được môi trường phù hợp để nuôi tế bào. Quá trình nuôi tế bào cứ 2 - 5 ngày lại thay môi trường một lần. Cả trăm lần thất bại đã có lúc khiến những con người ngày đêm nghiên cứu thoáng chút nản chí. Nhưng quyết tâm và nỗ lực đã chiến thắng phút yếu lòng đó. TS Bình nhớ lại cái ngày đặc biệt của năm 2007, khi sáng đó, đến cơ quan rất sớm, cảm giác hồi hộp như bao lần nuôi tế bào lại ập đến trong tâm trí bà lúc bước vào phòng nghiên cứu. Không biết có phải là sự thất bại tiếp theo hay không đang chờ mình phía trước. Ngỡ ngàng khi nhìn thấy những tế bào bò ra từ rìa mảnh mô. Cảm xúc hạnh phúc, vui mừng và bất ngờ vỡ òa trong trái tim người phụ nữ đã có hơn 30 năm gắn bó với khoa học. Bỏ lại phía sau sự nghiêm nghị, cẩn trọng vốn có của người nghiên cứu, TS Bình bước vội đi gọi đồng nghiệp trong tiếng reo vui không thể kìm nén...

Thành công mang tính đột phá ảnh 1

Các nhà khoa học đoạt giải thưởng Kovalevskaia 2014 tại phòng thí nghiệm. Ảnh: PV.

Đột phá

Vậy là sau 4 năm miệt mài nghiên cứu, đến năm 2007, lần đầu tiên tập thể  đã nuôi tạo thành công tấm biểu mô từ nguồn tế bào gốc vùng rìa giác mạc của thỏ. Các tấm biểu mô này được ghép lại cho thỏ bị bỏng mắt đã thu về kết quả tốt. Sau khi nuôi tạo và ghép thành công tấm biểu mô nuôi cấy cho thỏ, tập thể tiếp tục nghiên cứu thành công trên người. Bệnh nhân được điều trị tổn thương giác mạc đầu tiên theo phương pháp này vào đầu năm 2008. Sau ghép, bệnh nhân đã trở lại làm việc được cho
đến nay.

Với 2 đề tài này, tập thể các nhà khoa học và các bác sĩ khoa Kết Giác mạc (Bệnh viện Mắt T.Ư) đã điều trị thử cho 5 bệnh nhân với tỷ lệ thành công 80%. Nhờ thành công của 2 đề tài trên, năm 2010, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục cấp kinh phí để tập thể  nghiên cứu thực hiện đề tài độc lập cấp Nhà nước “Nghiên cứu quy trình sử dụng tế bào gốc để điều trị một số bệnh của bề mặt nhãn cầu”.

Chi phí của mảnh ghép khoảng 10 triệu đồng, rẻ hơn 10 lần so với ghép ở các nước phát triển như Nhật Bản, chưa kể người bệnh không phải đi ra nước ngoài. Từ năm 2008 đến nay, số bệnh nhân được ghép do hỏng 1 mắt là 15 người, số bệnh nhân được cấy tế bào từ niêm mạc miệng là 26. Kết quả áp dụng trên bệnh nhân đều đạt kết quả tốt. 

Trong đề tài này, các nhà khoa học tiếp tục hoàn thiện các quy trình nuôi tạo và ghép tấm biểu mô nuôi cấy từ tế bào gốc vùng rìa giác mạc để điều trị cho những bệnh nhân bị tổn thương một bên mắt, tỷ lệ ghép thành công 80%. Đồng thời, các nhà khoa học cũng nghiên cứu quy trình nuôi tạo và ghép tấm biểu mô nuôi cấy từ tế bào gốc biểu mô niêm mạc miệng để điều trị cho những bệnh nhân bị tổn thương hai mắt, tỷ lệ thành công 70%.

Điều đặc biệt là các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công quy trình nuôi tạo tấm biểu mô hoàn toàn mới so với các tác giả trên thế giới với chi phí rẻ và không sử dụng vật liệu có nguồn gốc động vật (vốn là nỗi lo của các nhà nghiên cứu trên thế giới). Hiện quy trình đang được đề nghị công nhận quyền sở hữu trí tuệ.

Tập thể nghiên cứu sử dụng công nghệ tế bào để điều trị tổn thương bề mặt nhãn cầu bao gồm 13 nữ/16 người (5 người thuộc Bệnh viện Mắt T.Ư). Do đặc thù của ngành Y là khoa học gắn với ứng dụng do đó để đánh giá kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học cần ứng dụng tại các bệnh viện mà ở đây là Bệnh viện Mắt T.Ư.

Thạc sĩ Đào Thúy Phượng, người đang làm luận án tiến sĩ về đề tài này cho biết, đối tượng điều trị là những người bị bỏng mắt, hội chứng về mắt, đeo kính áp tròng thường xuyên không đúng cách dẫn đến suy giảm vùng rìa (tế bào gốc không còn nữa).

Việc nuôi cấy được mảnh ghép là tiến bộ quan trọng vì hiện nay các bệnh viện tuyến tỉnh đều có khả năng ghép giác mạc. Do đó khi nuôi cấy được mảnh giác mạc thì bệnh nhân có nhiều cơ hội được ghép giác mạc thành công và hiệu quả hơn. Việc lấy tế bào là do tự thân của bệnh nhân nên có thể làm theo nhu cầu mà không hạn chế số lượng.

Bên cạnh nghiên cứu về tế bào gốc để điều trị tổn thương nhãn cầu, nhóm nghiên cứu cũng đang nghiên cứu tế bào gốc để điều trị bệnh Parkinson. Đề tài mới được triển khai 1 năm nhưng có những dấu hiệu tích cực, đã có phản ứng tốt và được thử nghiệm trên chuột.

MỚI - NÓNG