Thâm nhập đường dây tái chế dầu thải: Chấm dứt hoạt động cơ sở nhức nhối ở Củ Chi, TP HCM

0:00 / 0:00
0:00
Thâm nhập đường dây tái chế dầu thải: Chấm dứt hoạt động cơ sở nhức nhối ở Củ Chi, TP HCM
TPO - Sau khi Tiền Phong có loạt bài “Thâm nhập đường dây tái chế dầu thải” (ra ngày 30/9), UBND huyện Củ Chi, TP HCM nhiều lần kiểm tra, xử lý cơ sở tái chế dầu thải của ông Phan Đình Phương tại Kênh 8 đường Tam Tân, xã Tân Thông Hội. Sau một thời gian dài, hiện nay máy móc, phuy chứa dầu thải đã được di dời khỏi cơ sở trên.

Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) Lê Đình Đức vừa có văn bản thông tin xử lý lò tái chế dầu thải tại xã Tân Thông Hội gửi báo Tiền Phong.

Thâm nhập đường dây tái chế dầu thải: Chấm dứt hoạt động cơ sở nhức nhối ở Củ Chi, TP HCM ảnh 1

Cơ sở tái chế dầu thải của ông Phương gây ô nhiễm, nhức nhối ở Tân Thông Hội huyện Củ Chi

Cụ thể, sau khi phóng viên Tiền Phong thông tin phản ánh nội dung cơ sở tái chế dầu thải của ông Phương gây ô nhiễm, nhức nhối ở địa phương, ngày 1/9, UBND huyện Củ Chi làm việc với ông Phương yêu cầu di dời tài sản, máy móc ra khỏi thửa đất trên.

Ngày 15/9, UBND huyện tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở của ông Phương. Thời điểm kiểm tra không phát hiện ông Phương tái chế dầu thải. Khu vực nhà xưởng lưu chứa khoảng 200 thùng phuy lưu trữ dầu nhớt rỗng. Ông Phương tự nguyện di chuyển máy móc, tài sản ra khỏi thửa đất trong vòng 5 ngày (kể từ ngày làm việc). Tuy nhiên, sau đó ông Phương trình bày phải đưa vợ con đi bệnh viện nên việc di dời không thực hiện như cam kết.

Thâm nhập đường dây tái chế dầu thải: Chấm dứt hoạt động cơ sở nhức nhối ở Củ Chi, TP HCM ảnh 2

Lò cháy, dầu thành phẩm vẫn chảy đều vào bể chứa. (Cảnh ghi trước khi cơ quan chức năng xử lý)

Ngày 9/10, UBND huyện Củ Chi tiếp tục tiến hành làm việc với ông Phương và ông này cam kết sẽ di dời toàn bộ tài sản trong vòng 20 ngày (9/10 đến 28/10). Thời điểm làm việc, tại cơ sở ông Phương còn khoảng 70 thùng phuy. UBND huyện Củ Chi tiếp tục chỉ đạo Công an huyện phối hợp với UBND xã Tân Thông Hội thường xuyên theo dõi và kiểm tra đột xuất cơ sở này. Tuy nhiên, thời điểm kiểm tra không phát hiện hoạt động tái chế dầu thải.

Thâm nhập đường dây tái chế dầu thải: Chấm dứt hoạt động cơ sở nhức nhối ở Củ Chi, TP HCM ảnh 3

Chính quyền địa phương sẽ tiếp tục kiểm tra việc chấp hành của ông Phương, sẽ xử lý nghiêm nếu vị này tiếp tục vi phạm.

Ngày 15/10, UBND huyện Củ Chi tiếp tục kiểm tra hoạt động tại cơ sở của ông Phương. Thời điểm kiểm tra, cơ sở không còn hoạt động, ông Phương đang tiến hành di dời như cam kết. Tại đây không còn lưu chứa dầu thải, không còn thùng phuy rỗng, ông Phương di dời những vật dụng cỡ nhỏ ra khỏi khu đất.

UBND huyện Củ Chi tiếp tục chỉ đạo Công an huyện phối hợp với Phòng TNMT, UBND xã Tân Thông Hội và các đơn vị liên quan tiếp tục kiểm tra việc chấp hành của ông Phương, sẽ xử lý nghiêm nếu người này tiếp tục vi phạm.

Thâm nhập đường dây tái chế dầu thải: Chấm dứt hoạt động cơ sở nhức nhối ở Củ Chi, TP HCM ảnh 4
Để che mắt người dân, hệ thống ống khói được chia thành hàng chục ống xả nhỏ. Nếu không quan sát kỹ, không thể biết những lò tái chế này liên tục hoạt động và nhả khói. (Cảnh lò hoạt động trước khi bị kiểm tra xử lý)

Vào ngày 31/10, 11/11 và 23/11, UBND huyện Củ Chi tiếp tục kiểm tra cơ sở này. Các thời điểm kiểm tra không phát hiện tái chế dầu thải, ông Phương đang tiếp tục di dời các tài sản ra khỏi khu đất nêu trên.

Theo UBND huyện Củ Chi, trước đó vào các năm 2020, 2021, 2022 các cơ quan chức năng huyện, Công an đã kiểm tra công tác chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với cơ sở lưu trú dầu thải của ông Phương. Công an huyện Củ Chi cũng đã quyết định xử phạt hành chính với hành vi “Không gom chất thải nguy hại theo quy định, để chất thải nguy hại ngoài trời gây ô nhiễm môi trường”. Ông Phan Đình Phương đã thừa nhận hành vi vi phạm và chấp hành quyết định.

Trước đó, phóng viên Tiền Phong đã lần theo các chuyến xe chở nhớt thải đi tiêu thụ phát hiện thêm nhiều cơ sở tái chế lậu. Đây là những cơ sở xây dựng trái phép, gây ô nhiễm môi trường, nhức nhối nằm trong khu rừng tràm ở xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi, TPHCM). Cơ sở này chỉ có duy nhất một lối bị chắn bởi cửa tôn cao hơn 3m, 3 mặt là rừng tràm dựng rào kín mít. Cơ sở luôn có người canh phòng (cả ngày lẫn đêm) và có nuôi nhiều chó cảnh giới.

Nhà xưởng được xây trên diện tích chừng 2.000m2 với các khu riêng biệt. Giáp rừng tràm là hai dãy xưởng, phía dưới là lò chưng cất nhớt. Để che mắt người dân, hệ thống ống khói được chia thành hàng chục ống nhỏ. Nếu không quan sát kỹ, không thể biết những lò tái chế này liên tục hoạt động và nhả khói.

Phía dưới, lò vẫn cháy, dầu thành phẩm vẫn chảy đều vào bể chứa. Ở giữa 2 dãy nhà là khu tập kết nhớt thải với dày đặc các thùng phuy loang lổ màu đen của nhớt vương vãi. Bên cạnh khu này là một ao nước đỏ quạch.

Trả lời Tiền Phong, bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết, Thường trực ủy ban nhân dân huyện Củ Chi đã chỉ đạo cơ quan Công an theo dõi và xử lý.

MỚI - NÓNG