Nhớt thải sau quá trình sử dụng được thu gom mang về các cơ sở này dự trữ, sau đó được trộn hóa chất bơm vào lò để chưng cất. Dầu tái chế thành phẩm được bơm ra bể lắng. Sau quá trình phơi nắng cặn bùn lắng xuống đáy, lớp dầu phía trên được hút gạn ra đem đi tiêu thụ…
Tận thấy quy trình tái chế nhớt thải
18h, khi trời nhá nhem tối cũng là lúc cơ sở tái chế dầu nhớt của ông Trần Văn Tài ở ấp Tân Lập 2, xã Cây Gáo (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) rực lửa. Để che mắt, cơ sở này được xây dựng lẩn khuất trong khu đất được trồng cây um tùm, xa khu dân cư. Xung quanh khu đất này được rào tôn chắn cao 3m. Ban ngày, không ai biết bên trong chủ cơ sở này sản xuất thế nào; chỉ biết, những ống tôn cao vút từ nhà xưởng liên tục nhả khói đen, đặc quánh mùi hôi hám. Và khi màn đêm buông xuống, ánh lửa từ các lò đốt hắt lên các lùm cây sáng rực.
Thùng phuy chứa nhớt thải tại cơ sở tái chế nhớt thải của ông Trần Văn Tài tại xã Cây Gáo (Trảng Bom) |
Không chỉ rào chắn kín như lô cốt mà cơ sở này luôn có người cảnh giới và bên trong có nuôi chó nên rất khó tiếp cận.
Để áp sát được khu vực xưởng tái chế, chúng tôi chọn cách đi ngược gió khi những cột khói đen nghi ngút để tránh sự phát hiện của chó. Nhà xưởng được xây trên khu đất có diện tích chừng 5.000m2 hiện ra. Lối vào duy nhất bị chắn bởi cửa tôn cao 3m, im ỉm đóng. Hai lò đốt được che mái tôn, lẩn khuất dưới tán cây. Bên cạnh lò đốt là khu vực bể chứa và khu tập kết các phuy chứa nhớt thải. Khu công nhân ở được xây gần cổng ra vào và một ao nước đen kịt. Lò đốt được xây bằng gạch chịu lửa, phía trên là bể chưng cất, có xây ống khói, ống dẫn bơm nhớt thải vào.
20h, tiếng chuông điện thoại reo lên hối thúc nam công nhân tăng công suất lò chưng cất. Nam công nhân quần soóc, áo phông, không đồ bảo hộ tất bật bơm dầu đốt tăng nhiệt trong lò. Phía trên nhớt thải sôi sùng sục, tiếng dầu chảy xuống bể chứa rào rào. Cứ sau khoảng 30 phút, tiếng máy vang lên tành tạch, tự động bơm nhớt thải lên bể chưng cất. Nam công nhân dừng việc tiếp lửa, trèo lên khu vực bể chưng cất, tay cầm gói bột màu trắng đổ vào và khuấy liên tục. Sau mỗi đợt như vậy, lò được tăng lửa, khói đen bốc lên ngùn ngụt. Xen lẫn trong khói là những tia lửa kim loại, mùi hôi nồng khiến cổ họng chúng tôi như nghẹn lại, không thể thở được.
21h30, tiếng chuông báo lại vang lên. Cổng mở, chiếc xe tải BKS 61H 043.XX tiến vào trong để đổ hàng. Để tránh những ánh mắt dò xét, khu vực này lập tức bị ngắt đèn điện. Xe vừa dừng, 2 công nhân tại xưởng trên soi đèn pin tiến đến. Cửa thùng hàng vừa mở, hai người nhảy phắt lên vần từng phuy dầu thải (loại 200 lít) để máy hạ xuống. Khi khu chứa đã chật kín xe tải lùi về phía lò đốt. Những phuy nhớt thải tiếp theo được lăn thẳng xuống đất rồi được vần về phía bể chứa. Tiếng máy móc, tiếng nhạc trộn lẫn tiếng thùng phuy loảng xoảng, hỗn loạn. Sau 1 giờ, có khoảng 50 phuy được hạ xuống, ước chừng khoảng 10.000 lít được chở đến trong chuyến xe này. Bàn giao xong, chiếc xe tải lắc lư rời đi. Cổng lập tức đóng lại, khóa trái.
Loại dầu thành phẩm này có màu xanh đen. Để có màu đẹp hơn, công nhân ở đây phải đổ thêm chất phụ gia vào bể chứa và phơi nắng. Sau khi cặn bùn lắng xuống đáy, lớp dầu phía trên có màu vàng óng nổi lên là dầu tái chế thành phẩm để bán.
Hàng chục nghìn lít dầu được tái chế lậu mỗi ngày
6h sáng hôm sau, chúng tôi phát hiện chiếc xe tải 51D 125.XX tiến vào khu tái chế nhớt thải này. Trên thùng hàng là những téc nhựa màu trắng khung sắt (loại 1.000 lít). Sau vài phút chào hỏi, người đàn ông chân đất, mặc quần đùi áo phông, không khẩu trang nhảy phắt lên nóc những phuy nhựa nhanh nhẹn và thuần thục. Một ống bơm (loại phi 20) nối với bể chứa được đưa lên. Dầu diesel thành phẩm được lần lượt bơm đầy từng phuy. Khoảng 1h sau, khi đã đầy hàng, thùng hàng này được che đậy cẩn thận. Chiếc xe tải rời cơ sở này và di chuyển về thành phố Thủ Đức (TPHCM).
Như vậy, có thể nhẩm tính, mỗi ngày cơ sở này tái chế được hàng chục nghìn lít dầu thành phẩm, rồi đem đi tiêu thụ. Quy trình nhập hàng, tái chế, tiêu thụ này lặp đi lặp lại đều đặn mỗi ngày. Được biết, giá dầu thành phẩm cao hay thấp phụ thuộc vào màu sắc. Dầu thành phẩm có màu vàng óng hay đen phụ thuộc vào tay nghề của người tiếp lửa, hòa hóa chất khi tái chế. Và giá dầu này được chào bán trên thị trường dao động trong khoảng từ 13 -16 nghìn đồng/lít.
Theo tìm hiểu được biết, cơ sở tái chế nhớt thải của ông Trần Văn Tài được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Ông Tài không phải người địa phương nhưng nhận chuyển nhượng lại khu đất với tổng diện tích là 5.000m2. Nhà xưởng, lò tái chế nhớt thải thành chất đốt được xây dựng trên diện tích gần 200m2. Ông Tài giao lại cho anh là Trần Văn Thiện quản lý. Từ năm 2020 đến cuối năm 2021, cơ sở này bị UBND xã Cây Gáo lập biên bản 3 lần về việc sử dụng sai mục đích đất, tái chế nhớt thải thành chất đốt gây ô nhiễm. Sau đó, UBND xã Cây Gáo đã yêu cầu chủ cơ sở này dừng hoạt động và tự tháo dỡ. (Còn nữa)
Trao đổi với phóng viên, một vị lãnh đạo UBND xã Cây Gáo (huyện Trảng Bom) cho biết, dù đã yêu cầu dừng hoạt động, tự tháo dỡ lò đốt nhưng cơ sở của ông Trần Văn Tài vẫn lén lút hoạt động gây bức xúc trong nhân dân. Đây là cơ sở tái chế nhớt thải nhức nhối nhất. Lãnh đạo UBND xã đã báo cáo UBND huyện và sẽ có phương án xử lý, quyết tâm tháo dỡ sớm.