Thâm nhập đường dây tái chế dầu thải, Bài cuối: Nhiều tổ hợp lớn ngang nhiên tồn tại

0:00 / 0:00
0:00
TP - Lần theo các chuyến xe chở nhớt thải đi tiêu thụ, phóng viên Tiền Phong phát hiện thêm nhiều cơ sở tái chế lậu. Đây là những cơ sở xây dựng trái phép, gây ô nhiễm môi trường, nhức nhối ở địa phương.

Đường đi của nhớt thải

Bằng cách nào hàng chục nghìn lít nhớt thải đổ về một cơ sở tái chế dầu nhớt mỗi ngày? Trên đường phố ở Biên Hòa (Đồng Nai), TpHCM hay Thủ Dầu Một (Bình Dương), không khó để bắt gặp hình ảnh những người thu mua nhớt thải với phía sau chất đầy những can nhựa đen kịt. Nhưng, để theo đến những điểm tập kết nhớt thải lớn là một hành trình dài.

Tại cửa hàng bán xe và dịch vụ do Honda ủy nhiệm (viết tắt là HEAD) trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp, TP.HCM), chúng tôi bắt gặp hai người đàn ông trên xe ba gác, phía sau chất đầy can nhựa đen kịt (loại 20 lít) tiến vào. Nhanh gọn, thuần thục, một người quần áo lấm lem dầu nhớt tiến vào trong rồi kéo ra một ống nhựa dài bắt đầu hút nhớt thải từ trong bồn chứa bơm đầy vào từng can.

Chúng tôi tiến đến gần ngỏ ý muốn bán vài trăm lít nhớt thải. Người đàn ông phát giá mua: “7.000 đồng/lít, nếu đưa đến tận điểm thu mua thì 7.200 đồng/lít, nhưng phải xem nhớt có nhiều cặn và nước hay không. Cứ đến rồi điện thoại cho tôi đón”. Rồi người này cho địa chỉ để phóng viên chở nhớt đến giao. Vẫn tại điểm HEAD kể trên, sau khoảng 30 phút, 50 can nhựa đã được bơm đầy nhớt thải. Số can nhựa này được chất đầy lên xe, được phủ kín bạt và rời đi sau đó.

Thâm nhập đường dây tái chế dầu thải, Bài cuối: Nhiều tổ hợp lớn ngang nhiên tồn tại ảnh 1

Cơ sở tái chế nhớt thải lọt thỏm giữa rừng chàm

Sau nhiều ngày theo dõi hoạt động và theo chân những người thu mua nhớt thải lưu động chúng tôi phát hiện hàng loạt điểm thu mua lớn. Trong đó, có các điểm lớn nhất phải kể đến: Khu vực sau bãi xe trái phép đầu ngõ 195 đường Tô Ngọc Vân, phường Thạnh Xuân (quận 12, TPHCM); điểm thu mua trong ngõ 75 Bùi Công Trừng xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn, TPHCM) và điểm lớn nhất gần Đình Thần Bình Dương, phường Long Bình Tân (Tp Biên Hòa, Đồng Nai). Vào buổi chiều, những cơ sở này dường như tấp nập hơn bởi lượng xe máy thu gom nhớt thải nặng trĩu hàng đổ dồn về. Nhớt thải từ những can 20 lít được đổ dồn vào các phuy 200 lít. Những thùng phuy này sau đó được đưa lên xe tải chở đến các cơ sở tái chế.

Ngoài cơ sở tái chế nhớt thải của ông Trần Văn Tài ở xã Cây Gáo (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) mà chúng tôi phản ánh trong kỳ trước, theo chân những chuyến xe tải chở nhớt thải chúng tôi còn phát hiện 2 cơ sở khác tại TPHCM. Điểm đầu tiên là cơ sở tái chế nhớt thải của ông Điều Văn Tuyến ở đường Vũ Hữu Lợi, ấp 5 xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) và một cơ sở khác, rất lớn nằm lẩn khuất trong rừng chàm ở đường Tam Tân xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi). Đây là những cơ sở tái chế nhớt thải đã được người dân phản ánh, chính quyền địa phương đã kiểm tra, lập biên bản, xử phạt nhưng vẫn hoạt động.

Từng bị đề nghị xử lý nhiều lần

Thâm nhập đường dây tái chế dầu thải, Bài cuối: Nhiều tổ hợp lớn ngang nhiên tồn tại ảnh 2

Bên trong cơ sở tái chế nhớt thải của ông Trần Văn Phương

Đối với cơ sở tái chế nhớt thải nằm trong khu rừng Chàm ở xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi, TPHCM), theo tìm hiểu, đây là cơ sở tái chế không được cấp phép, gây ô nhiễm môi trường, nhức nhối trên địa bàn xã Tân Thông Hội. Để vào trong cơ sở này chỉ có duy nhất một lối bị chắn bởi cửa tôn cao hơn 3m, 3 mặt là rừng chàm dựng rào kín mít. Người dân ở đây cho biết, không thể vào bên trong bởi cơ sở luôn có người canh phòng (cả ngày lẫn đêm) và có nuôi nhiều chó cảnh giới.

Ghi nhận tại đây, nhà xưởng được xây trên diện tích chừng 2.000m2 với các khu riêng biệt. Giáp rừng chàm là hai dãy xưởng, phía dưới là lò chưng cất nhớt. Để che mắt người dân, hệ thống ống khói được chia thành hàng chục ống xả nhỏ. Nếu không quan sát kỹ, không thể biết những lò tái chế này liên tục hoạt động và nhả khói.

Phía dưới, lò vẫn cháy, dầu thành phẩm vẫn chảy đều vào bể chứa. Ở giữa 2 dãy nhà là khu tập kết nhớt thải với dày đặc các thùng phuy loang lổ màu đen của nhớt vương vãi. Bên cạnh khu này là một ao nước đỏ quạch. Ngoài cùng là khu để bồn inox loại lớn và la liệt hàng chục thùng téc màu trắng khung sắt loại 1.000 lít. Những phuy này là nơi dầu thành thẩm được bơm ra để chờ lắng cặn. Đây cũng là nơi xe tải tập kết hàng và chuyển hàng đi.

Tháng 7/2023, UBND xã Lê Minh Xuân (Bình Chánh) tiến hành kiểm tra về lĩnh vực kinh doanh, bảo vệ môi trường, PCCC đất đai xây dựng đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với cơ sở của ông Điều Văn Tuyến ở đường Vũ Hữu Lợi, ấp 5 xã Lê Minh Xuân. Sau đó, UBND xã Lê Minh Xuân đã ra quyết định xử phạt ông Tuyến (chưng cất, tái chế nhớt, dầu FO) 7,5 triệu đồng với hành vi chưa đăng ký kinh doanh.

Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo UBND xã Tân Thông Hội cho biết, xưởng tái chế dầu nhớt này hoạt động trên đất công, do ông Trần Văn Phương thuê lại. Đây là cơ sở tái chế nhớt thải gây ô nhiễm, UBND xã đã kiểm tra, vận động di dời nhiều lần. Ngoài ra, xã Tân Thông Hội cũng đã có báo cáo, kiến nghị lên UBND huyện Củ Chi để có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, cơ sở này vẫn ngang nhiên hoạt động.

MỚI - NÓNG