Thách thức tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đầu năm 2022, Quốc hội phải tổ chức một kỳ họp bất thường để bàn và thông qua một số nội dung cấp bách, trong đó có việc chính thức thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Nhắc lại điều này để thấy tính cấp thiết và yêu cầu tiến độ của Quốc hội, Chính phủ đối với dự án đặc biệt quan trọng này. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trong nhiều cuộc họp về dự án này đã nhấn mạnh: “Chúng ta xác định trong cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương, đây là công trình cao tốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Và khi hoàn thành, sẽ làm thay đổi diện mạo đất nước”. Tuyến cao tốc dài hơn 2.000 km nối liền hai miền Nam - Bắc còn là sự mong mỏi của nhiều thế hệ sau khi đất nước thống nhất được 47 năm. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm, chỉ đạo ưu tiên nguồn lực cho cao tốc Bắc - Nam, với cả 2 giai đoạn, gồm 654 km của giai đoạn 1 và 729 km của giai đoạn 2 là 266.000 tỷ đồng.

Do vậy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh “nếu các nhà thầu xây dựng chậm tiến độ thì thay thế, kiên quyết không lùi tiến độ tổng thể cũng như tiến độ của từng dự án”.

Quyết tâm chính trị lớn như vậy, nhưng việc triển khai thực tế tại các dự án hợp phần lại nảy sinh không ít bất cập. Đầu tiên là câu chuyện thiếu vật liệu thi công dự án. Mỏ vật liệu là tài nguyên của quốc gia, tuy nhiên lâu nay được các địa phương bán, đấu giá hoặc giao cho tư nhân khai thác. Do vậy, khi thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia như dự án đường cao tốc Bắc - Nam, Nhà nước lại phải bỏ tiền ra để mua lại vật liệu với giá cao từ tư nhân. Tại nhiều nơi chủ mỏ tăng giá bán vật liệu so với quy định, song địa phương lại “ngó lơ không biết”. Việc này chỉ mới được khắc phục phần nào sau khi có chỉ đạo quyết liệt từ Thủ tướng Chính phủ với thông điệp “xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi chính sách, găm hàng, tăng giá vật liệu, ảnh hưởng tiến độ dự án”.

Thiếu vật liệu bước đầu được khắc phục, nhưng một số đoạn tuyến vẫn “ì ạch” do năng lực của các nhà đầu tư. Điển hình là dự án cao tốc thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt có chiều dài 50 km, đi qua địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh với tổng mức đầu tư 13.500 tỷ đồng. Theo hợp đồng BOT đã ký kết giữa đại diện Bộ GTVT và Liên danh các nhà đầu tư trúng thầu (Cty Phúc Thành Hưng), Cty Phúc Thành Hưng có trách nhiệm thực hiện dự án từ giữa năm 2021 đến năm 2023. Vậy mà qua gần một năm khởi công, dự án mới đạt khoảng 1,7% kế hoạch. Nguyên nhân chậm trễ được chủ đầu tư lý giải là gặp khó khăn trong ký kết hợp đồng huy động vốn với ngân hàng. Trong hợp đồng, Bộ GTVT nêu rõ, hết 6 tháng kể từ ngày hợp đồng được ký kết (tháng 5/2021), nếu nhà đầu tư không huy động vốn để thực hiện dự án thì cơ quan Nhà nước có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và tịch thu tài sản bảo đảm thực hiện hợp đồng.

Thời hạn cam kết đã qua vài tháng trời, nhưng Bộ GTVT vẫn chỉ thúc giục và thiếu cương quyết trong xử lý nhà đầu tư và nhà thầu. Phải chăng chính sự “nuông chiều” của Bộ GTVT và Ban quản lý dự án trực thuộc bộ nên dự án thành phần này mới có tiến độ “rùa bò” như vậy? Khi đó, chỉ đạo “không lùi tiến độ” của lãnh đạo Chính phủ sẽ là một thách thức lớn.

MỚI - NÓNG