Thả nổi chợ đầu mối đông dược Ninh Hiệp

Dược liệu được bán tại chợ thuốc đông y Ninh Hiệp.
Dược liệu được bán tại chợ thuốc đông y Ninh Hiệp.
TP - Đủ loại dược liệu không rõ nguồn gốc, sao chế mất vệ sinh… tại chợ dược liệu Đông y Ninh Hiệp (Hà Nội).

Hàng lậu đắt khách, hàng “thật” ế ẩm

Xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội, không chỉ nổi tiếng với nghề buôn vải mà còn được biết đến như một chợ đầu mối dược liệu Đông y lớn nhất miền Bắc. Đến đầu xã Ninh Hiệp (xóm 8), sau những hàng bán vải rộng lớn là hàng loạt cửa hàng với mùi dược liệu xộc lên khắp cả khu phố, mỗi cửa hàng đều có hàng chục bao tải dứa đựng dược liệu.

Các mặt hàng được bày tràn lan trên mặt đất, nơi có bao dứa hoặc túi ni lông để lót, nơi để thẳng dưới mặt đất. Hai bên vỉa hè, các công nhân ngồi sơ chế thuốc. Bằng cách bỏ nguyên liệu vào chảo nóng, đổ đường vào rồi đảo đều, khoảng 10 phút là xong một mẻ. Một nữ công nhân đang sơ chế thuốc nói rằng, không biết nguyên liệu là loại gì, chỉ làm theo hướng dẫn.

Thấy có khách, một chủ cửa hàng kéo sang giới thiệu sản phẩm. Khi hỏi nấm linh chi, chủ cửa hàng giới thiệu 2 loại: Loại “xịn” giá 620.000 đồng/kg, loại “Tàu” giá 300.000 đồng/kg. Cả 2 đều được đóng trong bịch ni lông có hình cờ Hàn Quốc, chữ in hoàn toàn bằng tiếng Hàn, không hề có dòng chú thích tiếng Việt nào. Chủ cửa hàng đưa ra lời khuyên, nếu muốn bán cho “khách xịn” Hà Nội thì nên mua loại 1, bỏ bao bì, tự đóng bao bì của cửa hàng. “Bán buôn không lấy bao bì, giảm cho 20.000 đồng, loại này bán rất chạy”, chị này nói.

Trái ngược với sự sôi động của chợ đầu mối, cạnh đó chừng 1km, kho hàng rộng hàng ngàn mét vuông của một công ty hiếm hoi đủ điều kiện nhập khẩu dược liệu lại chỉ còn vài bao hàng. Bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Ân Dược, cho biết: Hiện toàn bộ dược liệu công ty nhập đều có giấy C/O (chứng minh nguồn gốc), C/Q (kiểm định chất lượng) theo Thông tư 03 của Bộ Y tế. Tuy nhiên, chi phí kho bãi, kiểm định, cùng các loại thuế khác khiến giá dược liệu cao hơn so với thị trường nhập lậu. “Đã 3 tháng nay chúng tôi phải nhập hàng cầm chừng”, bà Tuyết nói.

Theo một chủ cửa hàng tại xóm 8, xã Ninh Hiệp, hiện Trung Quốc có 2 dòng dược liệu, một loại có bảo quản lưu huỳnh, một loại không bảo quản. Về mức giá, loại có bảo quản rẻ hơn nhiều. Bên cạnh đó, dược liệu có chất bảo quản sẽ đẹp, mềm hơn và không bị vụn khi vận chuyển.

Cơ quan quản lý không đủ chuyên môn

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp, cho biết, buôn bán vải và dược liệu Đông y là hai nghề lâu đời của xã. Về mặt hàng thuốc Đông y, thuốc Nam được gom chủ yếu ở các vùng nguyên liệu trồng trong nước, còn thuốc bắc thì nhập từ Trung Quốc. Về việc kiểm soát nguồn nhập thuốc, lãnh đạo xã cho rằng rất khó, bởi xã có đến 300 hộ dân làm nghề buôn bán, sơ chế thuốc. Tuy nhiên, chỉ có 50 hộ đăng ký kinh doanh, trong đó có khoảng 30 hộ đã mở công ty dược.

Ông Phan Thanh Phong, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 8, huyện Gia Lâm cho biết, đơn vị nắm được tình trạng buôn bán thuốc không nhãn mác, nhập từ Trung Quốc tại xã Ninh Hiệp. Đơn vị thường xuyên tham gia phối hợp với Phòng Y tế huyện để kiểm tra, xử lý những vi phạm này. Còn về chi tiết, lãnh đạo Đội QLTT số 8 cho rằng: QLTT chỉ là đơn vị phối hợp, chủ trì là Phòng Y tế huyện Gia Lâm.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, lãnh đạo Phòng Y tế huyện Gia Lâm nói rằng, thủ tục cấp phép các cơ sở đông y, cũng như việc kiểm soát đầu vào nguyên liệu còn gặp nhiều vướng mắc. Làm nghề lâu năm, nhưng dân hầu như không được cấp phép do thiếu bằng cấp. Năm 2015, xã đã phối hợp với một số trường đào tạo hơn 100 lang y. Tuy nhiên, người dân vẫn không được cấp chứng chỉ hành nghề do không đủ tiêu chuẩn 2 năm công tác tại cơ sở y tế.

Về nguồn nguyên liệu, lãnh đạo phòng y tế cho rằng: “Đông y không phải chuyên môn của phòng, do vậy kiểm tra chỉ dựa trên hóa đơn chứng từ của cửa hàng. Không thể kiểm tra sâu”.

Theo một chuyên gia Hội Đông y Hà Nội, buôn bán, sơ chế dược liệu theo hộ cá thể rất khó quản lý về chất lượng. Như việc nhiều hộ dân dùng lưu huỳnh để sơ chế hay bảo quản các dược liệu, nếu không sao chế, loại bỏ lưu huỳnh đúng cách, chất này có thể gây nhức đầu, chóng mặt, sốt, tiêu chảy… Chất này tích lũy nhiều trong cơ thể có thể gây ung thư.

Trong năm 2015, Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) đã lấy 227 mẫu dược liệu để kiểm nghiệm thì có tới 60% mẫu không đạt chất lượng (về hàm lượng, hoạt chất…). Trong đó, nguồn dược liệu được nhập từ Trung Quốc chiếm 90%.

MỚI - NÓNG