Tàu chiến qua eo biển Đài Loan: Ẩn ý của Anh và phản ứng từ Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
Tàu khu trục HMS Richmond của Hải quân Hoàng gia Anh. Ảnh: SCMP
Tàu khu trục HMS Richmond của Hải quân Hoàng gia Anh. Ảnh: SCMP
TP - Ngày 27/9, một tàu khu trục thuộc nhóm tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth đi qua eo biển Đài Loan. Cùng thời điểm, nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan trở lại Biển Đông.

Tàu khu trục Anh Type 23 HMS Richmond đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cùng nhóm tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, và đi qua eo biển Đài Loan “sau khi đã làm việc với đối tác ở biển Hoa Đông”, Hải quân Anh thông báo trên Twitter.

Đại tá Shi Yi, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ của quân đội Trung Quốc, nói rằng tàu khu trục Anh thực hiện chuyến đi này nhằm tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực. “Đây là một ý định xấu nhằm làm suy yếu hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, phơi bày đầy đủ tư tưởng chủ nghĩa cơ hội”, Reuters dẫn lời ông Shi. Theo thông báo của Chiến khu Đông bộ, họ đã điều lực lượng trên biển và trên không bám theo và cảnh báo tàu chiến Anh.

Đây là lần đầu tiên Hải quân Hoàng gia Anh công bố chuyến đi của tàu chiến qua vùng biển nhạy cảm. Các chuyên gia quốc phòng cho rằng, hành động này là động thái chính trị tiếp nối liên minh an ninh ba bên AUKUS mà Washington, London và Canberra lập ra gần đây để giúp Úc chế tạo hạm đội tàu ngầm hạt nhân.

“So với Mỹ và Nhật Bản, quan hệ giữa Anh và Đài Loan (Trung Quốc) không nổi bật, khiến chuyến đi của tàu HMS Richmond qua eo biển này càng có ý nghĩa quan trọng”, ông Lu Li-shih, cựu giảng viên Học viện Hải quân Đài Loan, đánh giá. “Chuyến đi thể hiện cam kết chính trị của London đối với chính sách của Washington với Đài Loan (Trung Quốc) nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của eo biển Đài Loan trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Washington. London hiểu rõ rằng, sự ủng hộ hậu cần của Mỹ đóng vai trò quan trọng đằng sau chuyến đi đầu tiên của đội tàu Hoàng gia Anh đến châu Á”, ông Lu nói với báo Hong Kong South China Morning Post (SCMP).

Các chuyên gia cho rằng, chuyến đi gây chú ý của tàu HMS Richmond lần này cho thấy London có tham vọng đóng vai trò quan trọng hơn trong chiến lược của Mỹ với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong khi Washington không đủ tàu để phụ trách cả khu vực rộng lớn.

Ông Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Quốc tế học S. Rajaratnam thuộc ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore), cho rằng, chuyến đi của tàu HMS Richmond không chỉ phản ánh quan điểm chính trị của chính phủ Anh, mà còn phù hợp với mục tiêu “bảo vệ biển cả vì mục đích hòa bình” theo luật quốc tế. “London đang thể hiện cam kết tự do hàng hải, một quan điểm chính trị và pháp lý phù hợp với Mỹ và các đối tác khác chung tư tưởng. Điều này cũng phù hợp với các quyền và tự do trên biển theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển”, ông Koh nhận định.

Nhóm tàu sân bay Mỹ trở lại

Mỹ vừa điều nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan quay lại Biển Đông. Đây là lần thứ hai trong năm nay nhóm tàu này đi vào Biển Đông, sau gần 3 tháng làm nhiệm vụ ở Biển Ả-rập để hỗ trợ chiến dịch rút quân của Mỹ khỏi Afghanistan. Nhóm tàu sân bay sẽ thực hiện các bài diễn tập tấn công trên biển, chống tàu ngầm và huấn luyện chiến thuật trên Biển Đông.

“Chúng tôi mong muốn tận dụng những kinh nghiệm vừa tích lũy được khi trở lại Biển Đông”, Chuẩn đô đốc Will Pennington, chỉ huy Nhóm tác chiến tàu sân bay số 5, nói. Chỉ huy tàu USS Ronald Reagan, hạm trưởng Fred Goldhammer, nói rằng, nhóm tàu này (đóng tại cảng Yokosuka của Nhật Bản) sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh ở Biển Đông.

Nhóm tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson vào Biển Đông từ đầu tháng 9. Nhóm tàu Anh Queen Elizabeth cũng đi qua vùng biển này trước khi đến thăm cảng Nhật Bản. Hồi tháng 7, nhóm tàu USS Ronald Reagan triển khai các bài diễn tập với nhóm tàu sân bay USS Nimitz để “hỗ trợ một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do”, Hải quân Mỹ nói.

Trong khi Mỹ điều tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan gần như hằng tháng, bất chấp Trung Quốc phản đối, các đồng minh của Washington nói chung không muốn làm điều tương tự.

MỚI - NÓNG