Tâm thế đại gia

Tâm thế đại gia
TP - Đất nước thống nhất 37 năm, xuất hiện tầng lớp giàu có dân gian gọi “đại gia”, có khả năng định hướng nhiều giá trị. Không ít người trong họ có chung một nét tâm thế.

>Đại gia thủy sản tiếp tục bán nhà để trả nợ
>'Đại gia thủy sản' ủy quyền từ Mỹ cho chồng trả nợ

Chờ đợi, hy vọng “quý nhân” giúp đỡ. “Quý nhân” ở cõi thực lẫn siêu thực, nên thường chứng kiến đại gia tổ chức thờ cúng cầu kỳ, đi chùa cầu tài lộc hoặc sửa cổng ngõ, chỉnh nơi ngồi. Thật hiếm trụ sở được yên ổn cửa nẻo, bàn ghế, nhất là khi có sự thay đổi lãnh đạo. Một số đại gia còn nức tiếng bằng xây chùa, dựng tượng khổng lồ.

Các đại gia lại hầu hết chưa được đào tạo cách thức quản lý rủi ro và thiếu kinh nghiệm, khi gặp rủi ro không biết phân loại để xử lý, càng hay cầu viện cõi siêu nhiên. Cái nét tâm thế ấy của đại gia, đang chi phối tâm lý xã hội.

Nữ đại gia thủy sản Phạm Thị Diệu Hiền ở Cần Thơ, nóng dư luận về nợ mấy tháng nay, là người hay hương khói. Báo chí một thời ca tụng “người đàn bà thờ cá”, do bà dựng tượng cá tra, thắp hương khắp nơi, ở khu nuôi, nhà máy chế biến, viện nghiên cứu, cả văn phòng bên Mỹ. Bà còn tổ chức thờ cúng từ Phật tổ Như Lai, Phật Bà Quan Âm, nhiều pho tượng phật cổ tìm kiếm được, đến anh hùng dân tộc, anh hùng liệt sỹ, và một số người đã chết hay còn sống được bà tạc tượng. Trong ngôi biệt thự ở thành phố Cần Thơ, ngoài tầng trên cùng làm nơi thờ cúng thì suốt ba tầng còn lại cũng la liệt bàn thờ với lư hương mà gia nhân cho biết, có một người hàng ngày lo hương đèn.

Hồi biệt thự mới xây, tôi thấy trên tường ở tầng trệt, có gần chục đầu nai bằng gỗ, gắn những cặp sừng rất đẹp. Bà Diệu Hiền giới thiệu: “Đầu nai bằng xương thật nhìn ghê lắm, nên em thay bằng gỗ cho dễ thương. Bước vào nhà em là thấy có nhiều lộc”. Nhưng khi thấy thờ cúng ngày càng nhiều thì tôi băn khoăn không biết đâu là, giới hạn sự chờ đợi từ bên ngoài?

Bây giờ, có điều kiện hiểu thêm tâm trạng của bà Diệu Hiền những năm qua. Quá nhiều mối lo, công nhân đông, nợ nần lớn, lại bệnh hiểm nghèo. Đầu tư kinh doanh, vay được số tiền lớn với lãi suất ưu đãi rất khó khăn, không phải ai cũng có thể như bà, nhưng khi lãi suất đột ngột vọt lên gấp nhiều lần, thì thế mạnh trở thành thế yếu. Bao nhiêu đất đai, nhà cửa không nhỏ của gia đình, bà thế chấp hết vào ngân hàng để vay tiền, vẫn không đủ cho nhu cầu trả vốn gốc và lãi quá lớn. Những vận may từng đến trong quá khứ với các “quý nhân” cõi dương lẫn cõi âm, lâu không xuất hiện trở lại dù vẫn nhiều hương khói, bà tái phát căn bệnh hiểm nghèo.

Khu nuôi cá giữa sông Hậu của bà Diệu Hiền, có tượng Phật tổ Như Lai và Phật Bà Quan Âm
Khu nuôi cá giữa sông Hậu của bà Diệu Hiền, có tượng Phật tổ Như Lai và Phật Bà Quan Âm.

Hậu họa khi xử lý không khéo cơn khát vốn đầu tư, tôi còn chứng kiến rõ rệt hơn trường hợp ông Nguyễn Đình Chiến ở Hải Phòng, người được giải nỗi oan mười năm (1996-2006) tại Cần Thơ. Khi được giải oan, ông đòi bồi thường 568 tỷ đồng, thành lập Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Bắc Hà, trở nên nổi tiếng. Dây mơ rễ má, có một tổ chức nước ngoài đưa đến ông tờ giấy ủy thác cho ông sử dụng 500 triệu USD và giữa năm 2007, ông sang Hồng Kông thành lập công ty để đưa tiền ấy về nước đầu tư. Rất nhiều doanh nhân đã tìm đến ông để xin vay vốn, với một danh sách tôi đọc được tổng cộng gần 6 tỷ USD.

Nhưng tiền từ nước ngoài chỉ nhiều lời hứa. Cuối năm 2007, ông Chiến cho tôi xem bức điện của một ngân hàng ở Anh, cam kết thanh toán cho ông 500 triệu EURO. Cuối năm 2008, ông thông báo, đã được ủy thác sử dụng tổng cộng hơn chục tỷ đô la Mỹ. Ông vẽ ra viễn cảnh, doanh nghiệp của ông sẽ thành một tập đoàn đầu tư tài chính để giải cơn khát vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong nước. Giá trị những tờ giấy ủy thác, ông nói đã kiểm chứng qua một ngân hàng ở Hồng Kông, chúng là những công cụ tài chính được đảm bảo bằng những hầm mỏ, đồn điền và cả “quốc bảo”.

Trong những món “quốc bảo”, có viên ngọc lớn như trái cam, theo ông, giá trị hàng tỷ đô la Mỹ. Ảnh chụp ông đang nhận ủy quyền sử dụng ngọc “quốc bảo” với một người đàn ông dáng gầy gò, áo ngoài quần. Thời điểm ấy, cuối năm 2008, trụ sở công ty của ông ở Hà Nội được sắp xếp lại phòng ốc, bàn ghế mà ông nói là theo một thầy địa lý. Tôi không biết phong thủy, nhưng thấy ghế ngồi làm việc của ông xoay lưng ra sát hành lang, dễ bị giật mình khi có người đi nặng chân, thì thấy không có lợi cho sức khỏe. Càng khó hiểu, tại sao một người từng trải như ông, có số tiền lớn đòi bồi thường oan sai trong tầm tay, lại không lo mà phải dịch sửa bàn ghế để chờ đợi lời hứa mơ hồ tận đâu đâu?

Giữa năm 2009, ông bị bắt, năm 2011 bị án tù chung thân về tội “lừa đảo”, tan vỡ giấc mộng tập đoàn đầu tư tài chính. Hy vọng nguồn vốn từ ông của nhiều doanh nghiệp cũng thành mây khói. Ở khía cạnh nào đó, có thể ông là nạn nhân của một trò “lừa đảo” biết khai thác cơn khát vốn của nền kinh tế. Cơn khát vốn kỳ lạ đến độ gần đây, có một người cũng từng bầm dập thương trường, khoe với tôi tờ giấy ủy quyền sử dụng 10.000 tỷ USD (mười nghìn tỷ đô la Mỹ). Một con số, chỉ đọc đã khó tin, còn doanh nhân khá từng trải thì say sưa nói về viễn cảnh giúp đất nước vượt qua khó khăn (!).

Có một thống kê cho biết, danh sách 10 người giàu nhất Việt Nam trên thị trường chứng khoán năm 2011, không người nào đi lên từ khoa học công nghệ, không giàu có bằng giá trị gia tăng. Theo PGS.TS Lê Văn Doanh, nguyên Trưởng khoa điện, Đại học Bách khoa Hà Nội, giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, 40 - 60% tăng trưởng GDP ở Việt Nam có đóng góp của năng suất, nhưng sau đó tuột dốc thê thảm để đến năm 2010, 2011, chỉ còn 3 - 4%. Trong khi đó, đóng góp của vốn từ 52% đã vọt lên 85%.

Động lực chính của các doanh nghiệp không phải là khoa học công nghệ. Làm nên đại gia, chủ yếu không phải đầu tư chiều sâu tăng năng suất, mà chủ yếu do đầu tư chiều rộng. Vốn hầu hết đi vay, để có vốn rẻ hoặc ưu đãi cần “quý nhân” phù trợ, khi kinh tế thăng hoa đã vậy, khi kinh tế khủng hoảng càng cần như vậy. Một sự phát triển phụ thuộc bên ngoài, không vững chắc, đầy rủi ro, nảy sinh tâm lý bất an là đương nhiên.

Ông Trí trả lương tháng 3 cho công nhân
Ông Trí trả lương tháng 3 cho công nhân.
Trong khuôn viên biệt thự của vợ chồng bà Diệu Hiền ở TP Cần Thơ, có một ngôi chùa với pho tượng cổ. Khi sửa biệt thự, bà Diệu Hiền dù thờ cúng rất nhiều nhưng lại đưa pho tượng đi nơi khác. Ngày 22-3-2012, chồng bà là ông Trần Văn Trí đã đưa pho tượng trở về chỗ cũ, và chiều 13-4, trước pho tượng này, ông Trí trả 24 tỷ đồng tiền nợ cá cho 21 hộ dân, cùng lương tháng 3 cho công nhân chờ việc
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.