Tại cuộc họp khẩn ứng phó với bão số 4 chiều nay (15/8), ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: Đêm qua, bão số 4 đã chuyển hướng, đi về hướng Tây, tốc độ lúc đầu là 5 km/h sau tăng lên 10 km/h.
Lúc 13h ngày 15/8, tâm bão cách Móng Cái (Quảng Ninh) 390km, cách Thái Bình 550km, cách Vinh (Nghệ An) 670km, với sức gió mạnh cấp 9, giật cấp 11. Như vậy, cấp bão tăng so với hôm qua.
Theo ông Cường, hoàn lưu của bão rộng hơn. Dự báo của các đài Hồng Kông, Nhật Bản, Hoa Kỳ đều nhận định, bão số 4 sẽ đi theo hướng Tây, sau đó Tây Tây Nam và đi vào vịnh Bắc bộ sáng mai.
Ông Cường cho hay, cơ quan dự báo Việt Nam cũng có nhận định tương tự. Dự kiến trong vòng 24 giờ tới, bão số 4 sẽ vượt bán đảo Lôi châu (Trung Quốc) vào vịnh Bắc bộ. 24 giờ tiếp theo, bão sẽ vào đất liền.
“Nếu muộn thì đến sáng 17/8, bão sẽ vào đất liền trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 tiếng. Trong đó, tâm bão là ở Hải Phòng -Thanh Hóa- Bắc Nghệ An”-ông Cường nói.
Lúc vào bờ, bão mạnh cấp 8. Tuy nhiên, ở vùng rìa phía Bắc của bão, sẽ có gió rất mạnh, ở Quảng Ninh có thể gió mạnh cấp 7, giật cấp 9.
Tuy nhiên, theo ông Cường, lo ngại nhất là cơn bão số 4 có lượng mưa lớn. Mưa cấp tập vào ngày mai và cho đến hết ngày 17/8. Khu vực có mưa to là Đồng bằng Bắc bộ, vùng Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An với lượng mưa từ 250-350 mm/đợt.
Theo ông Cường, lưu vực sông Bùi, Chương Mỹ (Hà Nội) là nơi có lượng mưa lớn 200-300 mm, có thể gây ngập lụt.
Vùng Thanh Hóa, Nghệ An, sẽ xuất hiện đợt lũ lên 3-6 m ở thượng lưu. Toàn bộ khu vực vùng núi phía Bắc và Bắc Trung bộ, nguy cơ lũ quét rất cao, nhất là tại Hòa Binh, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thanh Hóa và Nghệ An.
Ngoài ra, theo ông Cường, hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới do bão suy yếu sẽ gây ra đợt mưa lớn ở Trung Lào. Lượng nước này sẽ đổ dồn về sông Mekong. Khoảng 10-12 ngày tới, nước sẽ về Đồng bằng sông Cửu Long, nguy cơ ngập lụt sẽ tăng cao.
Không chủ quan
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai cho biết: Đến chiều 15/8, Biên Phòng tuyến biển, địa phương đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho trên 36.300 phương tiện/gần 137.800 người; gần 11.400 lồng bè, lều, chòi canh với trên 14.700 người, về diễn biến của bão để họ chủ động phòng tránh.
Hiện có 5.347 phương tiện/29.320 người đang hoạt động trên biển. Các tỉnh ven biển hiện vẫn chưa có lệnh cấm biển.
Ông Hoài cũng lưu ý hiện có có tới 106 vị trí bị sự cố đê điều, trong đó các điểm trọng điểm như cống Liên Mạc, Tắc Giang, Liêm Nghĩa, tràn Lạc Khoái. Đến nay có 101 hồ chứa lớn và 1.945 hồ chứa nhỏ khu vực Bắc bộ và Bắc Trung Bộ đã đầy nước, 234 hồ chứa xung yếu.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường, bão số 4 là cơn bão diễn biến rất đặc biệt, phức tạp từ lúc hình thành, hướng đi và kể cả dự báo trong thời gian tới.
“Nếu không ráo riết, quyết tâm, hậu quả rất lớn”- ông Bộ trưởng Cường nói và lưu ý, bão số 4 phạm vi ảnh hưởng rất rộng, càng vào gần bờ lại được tiếp thêm năng lượng. Trong khi đó, khoảng cách sau khi vào bờ rất ngắn, tốc độ bão đang phát triển.
Theo Bộ trưởng, vùng tác động của bão là vùng hoạt động kinh tế, du lịch sôi động, đặc biệt là Quảng Ninh, Hải Phòng cũng như hoạt động trồng thủy sản từ Quảng Ninh đến Nghệ An.
Cùng đó, hoàn lưu của cơn bão gây mưa diện rộng, từ Bắc Trung bộ đến miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng. Trong khi, đây là vùng trải qua tổn thương rất lớn từ mưa lớn vừa rồi, nhiều tuyến đê điều, hồ đập đã đầy nước, xung yếu.
Do vậy, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương tuyến biển, cần chủ động điểm cấm biển, kiểm soát, thông báo tàu thuyền và đặc biệt là hoạt động du lịch. “Mùa trọng điểm du lịch, đặc biệt ở Quảng Ninh khách nước ngoài rất đông, chỉ cần bão cấp 8, cùng với sóng lớn thì rất nguy hiểm”- ông Cường nói.
Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương cũng lưu ý, đảm bảo an toàn cho nhà dân, các công trình công cộng, đặc biệt là công trình dự án kinh tế rất lớn đang xây dựng, cột điển, bãi xỉ, bãi thải.. từ Quảng Ninh đến Bắc Hà Tĩnh. Các địa phương vùng thấp trung, cần tập trung bơm tiêu nước hết nước đệm, nhất là Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình...
Bộ trưởng cũng lưu ý về sạt lở, lũ quét ở miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ, bởi gần đây, cứ mưa lớn là sạt trượt, lũ quét làm chết rất nhiều người.
“Cả năm 2015 khô khánh kiệt, năm 2016-2017 mưa sụt sùi và đầu năm nay táng cho 2 dịp mưa lớn, nên bây giờ mưa 200-300 mm là chỗ nào cũng nguy cơ cao hết. Với hồ đập thủy lợi, thủy điện, phân công người vận hành ứng phó chứ không phải kiểm tra nữa”- ông Cường yêu cầu.
Về đê điều, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng yêu cầu các địa phươn sẵn sàng các lực lượng, thiết bị ứng trự vì rất nhiều sự cố vừa qua. “Như đê sông Bưởi năm ngoái đã bị tổn thương, mưa thượng lưu lại lớn, nhưng dòng chảy lại hẹp, nên cứ mưa là lên báo động 3. Hay, sông Bùi vừa qua hơn chục nghìn hộ ngập úng ở Chương Mỹ (Hà Nội) vừa rồi bị ngập lớn; cũng như tuyến đê sông Hoàng Long nhiều điểm đùn sủi...sẽ rất nguy hiểm khi mưa lớn”- Bộ Trưởng Cường nói.
Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cũng thành lập 3 đoàn công tác chỉ đạo, đôn đốc các địa phương ứng phó với bão và mưa lũ sau bão. Theo đó, đoàn 1 sẽ đi kiểm tra tại Quảng Ninh, Hải Phòng; đoàn 2 kiểm tra Nam Đinh, Thái Bình, Thanh Hóa và đoàn 3 đi kiểm tra hệ thống đê sông.