TS. Lê Hoàng Sơn (SN 1982) Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội là một trong những đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017. Trong năm 2017 anh đã có 43 công bố khoa học, trong đó có 15 bài báo trên các tạp chí ISI; tác giả của hai cuốn giáo trình về lập trình ứng dụng mobile và lập trình ứng dụng WebGIS; tham gia thực hiện hơn 20 đề tài nghiên cứu khoa học quốc tế, quốc gia, NAFOSTED, cấp ĐHQGHN và cấp trường.
Tại chương trình giao lưu trực tuyến do báo Điện tử Dân trí và Quỹ Tài năng trẻ phối hợp tổ chức, TS Lê Hoàng Sơn cho biết: Trong quãng đường nghiên cứu khoa học và công nghệ, tôi đã thực hiện nhiều đề tài và hơn nửa trong số đó là ở nước ngoài. Các đề tài này bắt nguồn từ các bài toán do nhu cầu thực tiễn và dẫn đến cải tiến về lý thuyết và quay ngược trở lại phục vụ cộng đồng. Trong nước, chúng tôi tham gia phối hợp với các viện/trường trong triển khai các nghiên cứu liên ngành phục vụ xã hội
TS.Sơn ví dụ: Xây dựng phần mềm phân tích hình thái đầu mặt cho người Việt. Ứng dụng nhằm hỗ trợ đánh giá tổng thể về chỉ số đầu mặt là những thông tin rất quan trọng giúp chẩn đoán và lập kế hoạch điều trị phục hồi các chức năng cơ bản, cũng như thẩm mỹ đã mất do bệnh lý vì tai nạn giao thông, tai nạn lao động.
Trên thế giới, việc sử dụng phần mềm và máy vi tính trong việc phân tích và nghiên cứu hình thái đầu mặt là xu hướng. Việc ứng dụng này mang lại nhiều giá trị to lớn, giúp bác sỹ có thể đo đạc, thống kê, phân tích một cách tiện lợi và có chọn lọc những thông tin cần thiết trên một tập hợp lớn các bệnh nhân. Dựa trên các nghiên cứu phân tích chuyên sâu, trong thời gian dài, các phần mềm có thể cung cấp các công cụ hỗ trợ trong việc hoạch định kế hoạch điều trị và phần nào dự báo kết quả điều trị.
Do các nghiên cứu chuyên ngành được thực hiện tại Việt Nam chưa đầy đủ, phần mềm được xây dựng để chuyên phân tích đầu mặt cho người Việt cũng không có. Hiện tại, Việt Nam chủ yếu sử dụng các phần mềm và các thiết bị nước ngoài. Do vậy, việc phát triển phần mềm phân tích hình thái đầu mặt cho người Việt là khá cấp bách.
Trong thời gian làm đề tài, nhóm nghiên cứu đã phải đọc nhiều tài liệu về giải phẫu và y học để phục vụ nghiên cứu cũng như kết hợp trao đổi với các chuyên gia trong ngành để điều chỉnh phần mềm cho phù hợp thực tế. Kết quả thu được sau một năm triển khai là rất đáng khích lệ. Phần mềm đã ứng dụng tại Viện Đào tạo Răng Hàm Mặt, ĐH Y Hà Nội và một số cơ sở khác.
TS Hoàng Sơn nhớ nhất kỷ niệm ngày đầu tiên làm nghiên cứu
TS.Sơn chia sẻ kỷ niệm ấn tượng nhất của quá trình làm nghiên cứu đến nay. "Tôi nhớ mãi kỷ niệm về những ngày đầu tiên làm nghiên cứu, loay hoay trong các ý tưởng và triển khai ứng dụng. Câu hỏi làm thế nào để hiểu và phân tích ứng dụng thành các bài toán lý thuyết, làm thế nào để đưa ra giải pháp hiệu quả cho từng bài toán con và gộp kết quả lại để trở thành ứng dụng có ý nghĩa luôn khiến tôi trăn trở. Có những thời điểm tôi làm việc liên tục 14 tiếng/ngày chỉ để tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên. Sau mỗi lần nghiên cứu và thử nghiệm, kiến thức và kinh nghiệm của tôi ngày trở nên vững vàng hơn. Các kết quả về hệ thống chẩn đoán bệnh trong Y tế, hệ thống phân tích hình thái đầu mặt, và các ứng dụng tại nước ngoài đã triển khai là kết quả rõ nét nhất cho những ý tưởng và nỗ lực đã trở thành hiện thực.
TS.Lê Hoàng Sơn cũng cho hay: "Để đi đến thành công và chân lý, người ta phải trả giá bằng những thất bại. Tôi không phải là ngoại lệ. Có những nghiên cứu do làm khảo sát chưa tốt nên đánh giá và ước lượng sai kế hoạch. Khi đó người sử dụng sản phẩm có ý kiến phản hồi, thậm chí có khả năng đổ vỡ sản phẩm. Khi đó, tôi rút ra những bài học quan trọng nhất trong quá trình nghiên cứu và ứng dụng.
Bước ngoặt cuộc đời
Sở hữu thành tích dài về các bài báo khoa học và công trình nghiên cứu, ít ai biết TS.Lê Hoàng Sơn từng có ước mơ trở thành bác sĩ khám chữa bệnh cho người nghèo. Dù chuyển sang làm môi trong môi trường giáo dục, gắn bó với công nghệ tin học, nhưng TS.Sơn vẫn đã có thể "thoả mãn" ước mơ hồi bé và tạo ra sản phẩm ý nghĩa cho xã hội khi thực hiện nghiên cứu trong lĩnh vực Tin học - Y tế.
Theo TS.Sơn một trong những bước ngoặt có tính quyết định để theo đuổi nghề nghiệp hiện tại là khi tốt nghiệp đại học. TS.Sơn kể: Khi đó tôi có cơ hội làm trong công ty nước ngoài về phần mềm vì từng có thời gian thực tập tại các công ty trong nước trong thời gian học Đại học. Cùng thời điểm đó, tôi được chuyển tiếp học Thạc sĩ không qua thi tuyển và được giữ lại ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên.
Tôi đã tự hỏi bản thân đam mê lớn nhất của mình là gì? Và tôi nhận ra rằng đam mê lớn nhất của mình là nghiên cứu khoa học, tạo ra các sản phẩm mới có ích cho xã hội. Tôi đã ở lại công tác tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên cho đến nay. Thời gian đã chứng minh quyết định của tôi là hoàn toàn đúng đắn.
- Nhân vật nào truyền cảm hứng?
TS Sơn: Bill Gates. Tôi đã có cơ hội gặp Bill Gates khi ông ấy đến Việt Nam và trao học bổng Microsoft cho 10 sinh viên tiêu biểu Việt Nam năm 2005. Sự đam mê, kiên định với con đường, và ý tưởng sáng tạo của ông đã truyền cảm hứng cho tôi trong công việc.
- Câu nói nào được coi là kim chỉ nam hành động?
TS. Sơn: “Cuộc sống là không chờ đợi”. Vì đời người rất ngắn nên cần làm điều gì có ý nghĩa để sau này không phải hối hận.
- Cuốn sách “gối đầu giường”?
TS. Sơn: Cuốn “The 46 Rules of Genius” của Marty Neumeier. Sách này dạy cho ta các ý tưởng và triết lý của sự sáng tạo. Tôi luôn yêu thích cái mới và tìm tòi cái mới. Đây là một cuốn sách tốt cho ai muốn khám phá và suy nghĩ khác thông lệ.
- Người thầy kính trọng nhất?
TS.Sơn: Tôi xin nhắc tên một người thầy tiêu biểu với mình là GS.TSKH Phạm Kỳ Anh - nguyên trưởng khoa Toán Cơ - Tin học, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), nguyên giám đốc Trung tâm Tính toán Hiệu năng cao.
Thầy là người đã nối nhịp đưa tôi về công tác tại đơn vị. Thầy luôn truyền lửa, nghiêm khắc và nhắc nhở tôi làm việc đến cùng. Trong khoa học, thầy là chuyên gia đầu ngành uy tín. Bao giờ thầy cũng luôn có mặt tại cơ quan sớm nhất để làm việc lúc 6h sáng và cũng là người về muộn nhất. Trong đời sống, thầy tình cảm, sống hết lòng vì người khác.
Hiện nay, thầy đã 70 tuổi nhưng vẫn say mê nghiên cứu khoa học. Trước tấm gương của thầy, tôi tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn nữa.