Nghệ sĩ piano Đức Anh: Cống hiến hết mình vì nền nghệ thuật đất nước

Nghệ sĩ piano Lưu Đức Anh là một trong số đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2017
Nghệ sĩ piano Lưu Đức Anh là một trong số đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2017
TPO - "Năm 2018 là năm mình sẽ thực hiện rất nhiều những dự án lớn nhỏ ở Việt Nam, nhiều hơn bất cứ năm nào trước đây. Hi vọng trong 5 năm tới, khán giả không chỉ nhớ đến mình như một nghệ sĩ trên sân khấu mà còn thấy được hình ảnh mình cống hiến đóng góp hết mình vì nền nghệ thuật của đất nước". Đó là chia sẻ của Thạc sĩ Lưu Đức Anh - đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017.

Thạc sĩ Lưu Đức Anh (SN 1993) Học viện âm nhạc Malmo, Thụy Điển được biết đến laà nghệ sĩ piano giành được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, như: Giải nhất cuộc thi Piano quốc tế Stockholm tại Stockholm-Thụy Điển; Giải đặc biệt cuộc thi Piano quốc tế “Alain Marinaro” tại Collioure – Pháp...

 Mới đây, trong buổi giao lưu trực tuyến với độc giả do Báo Điện tử Dân trí phối hợp với Quỹ Tài năng trẻ (T.Ư Đoàn) tổ chức, nghệ sĩ piano Lưu Đức Anh đã có nhiều chia sẻ cơ duyên với piano và âm nhạc; mục tiêu trong sự nghiệp âm nhạc...

 Nghệ sĩ Lưu Đức Anh cho biết lý do đến với đàn piano mà không phải là loại nhạc cụ khác. Hồi bé nhà cậu đã có một cây đàn piano nhỏ của bố dạy học và đây cũng là nhạc cụ đầu tiên được tiếp cận.

 Để có sự nghiệp âm nhạc với những thành tích hiện nay là cả một quá trình dài Đức Anh miệt mài khổ luyện chứ không phải ngẫu hứng quyết tâm nhất thời. "Mình theo học từ 4 tuổi như rất nhiều những bạn khác. Hồi bé mình cũng ham chơi nữa, nhưng may mắn khi có gia đình luôn sát sao với việc học hành và tập đàn, dần dần, kĩ thuật chơi đàn ngày càng tiến bộ. Càng lớn càng tập nhiều, mình càng khám phá được nhiều thứ hơn trong âm nhạc. Dần dần âm nhạc như máu chảy trong người", Đức Anh nói.

Nghệ sĩ piano Đức Anh: Cống hiến hết mình vì nền nghệ thuật đất nước ảnh 1 Nghệ sĩ piano Lưu Đức Anh đã trải qua quá trình dài tập luyện 

 Cậu cũng cho hay, mỗi ngày thường tập luyện ít nhất 6-7 tiếng. Sau mỗi lần tập luyện như vậy thường đầu óc rất mệt mỏi, chỉ muốn thư giãn một mình hoặc đi ngủ luôn. Trong quá trình tập luyện, Đức Anh cho biết: Có nhiều khi tập mãi không qua được một ô nhịp trong bài, mình cũng thấy rất chán. Những lúc như vậy mình thường bỏ hẳn không tập chỗ đó một vài ngày, vài ngày sau mới tập lại. Thường thì đầu óc con người cũng không thể tiếp thu được tất cả mọi thứ cùng một lúc, mình cần phải chia ra thì hiệu quả tập luyện sẽ cao hơn".

Đức Anh cũng cho biết, một trong những động lực vượt khó là những nghệ sĩ, nhạc sĩ vượt qua khiếm khuyết cơ thể để thành công. Đó là nghệ sĩ Piano khiếm thị người Nhật Nobuyuki Tsujii.
"Hình ảnh anh chiến thắng giải nhất tại cuộc thi Van Cliburn (cuộc thi Piano lớn nhất thế giới) luôn là động lực để mình giữ vững tinh thần tập luyện, bởi mình vẫn còn có may mắn và lợi thế hơn nhiều người khác", Đức Anh nói.
Một người nữa chính là nhạc sĩ Ludwig van Beethoven. Nếu như ai nghe nhạc của ông và đồng thời biết được ông đã phải sống một cuộc sống đau khổ như thế nào thì họ sẽ phải công nhận ông là một trong những con người vĩ đại nhất mọi thời đại.
 Mặc cho đau khổ, thậm chí là bị điếc, đối với một nhạc sĩ mà không được nghe chính những tác phẩm mình viết ra quả là một mất mát quá lớn, nhưng âm nhạc của ông vẫn như những lời khẳng định đanh thép không bao giờ đầu hàng số phận.

 Cống hiến nghệ thuật nước nhà

 Giành được nhiều giải thưởng quốc tế trong các cuộc thi danh tiếng, nhưng nghệ sĩ Lưu Đức Anh chưa thực sự vừa lòng với bất cứ giải thưởng nào. Cậu quan niệm "mỗi giải thưởng chỉ như một lời động viên nho nhỏ, mình vẫn còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa".

 Trên con đường âm nhạc đang theo đuổi đến nay, Đức Anh tâm đắc nhất năm 2017 đã cùng với 3 đồng nghiệp sáng lập thành công tổ chức âm nhạc "Maestoso" - startup về tổ chức hòa nhạc cổ điển và kết nối những nghệ sĩ cổ điển tài năng của Việt Nam. Maestoso đã có lễ khai trương và tổ chức buổi hòa nhạc Christmas Concert tại Nhà thờ lớn Hà Nội. "Đây là lần đầu tiên một buổi hòa nhạc cổ điển có quy mô lớn được diễn ra bên trong thánh đường Nhà thờ lớn. Mọi thứ vẫn chỉ là những bước đi đầu tiên trên con đường rất dài, nhưng đây có lẽ sẽ là một trong những dự án mà mình cảm thấy ấn tượng nhất", nghệ sĩ Đức Anh chia sẻ.

 Đức Anh cũng cho biết mục tiêu trong tương lai gần: "Năm 2018 là năm mình sẽ thực hiện rất nhiều những dự án lớn nhỏ ở Việt Nam, nhiều hơn bất cứ năm nào trước đây. Hi vọng trong 5 năm tới, khán giả không chỉ nhớ đến mình như một nghệ sĩ trên sân khấu mà còn thấy được hình ảnh mình cống hiến đóng góp hết mình vì nền nghệ thuật của đất nước".

Nghệ sĩ piano Đức Anh: Cống hiến hết mình vì nền nghệ thuật đất nước ảnh 2 Lưu Đức Anh nỗ lực đưa công chúng đến gần với nhạc cổ điển

 Hiện Đức Anh nỗ lực thực hiện các hoạt động hướng âm nhạc cổ điển tới công chúng, nhất là những người trẻ. Cậu bộc bạch: Đưa người Việt trẻ đến với nhạc cổ điển không có nghĩa là ép họ phải thích dòng âm nhạc này. Những dự định của em đơn giản là giúp tất cả khán thính giả, không chỉ người trẻ có được nhìn nhận đúng đắn hơn về thể loại nghệ thuật này và nhận ra được sự quan trọng của nó.

 Đức Anh giải thích, âm nhạc cổ điển đa dạng từ rất đơn giản đến rất phức tạp, có những tác phẩm nhỏ, dễ nghe, có thể dùng để giải trí, có những tác phẩm lớn, phức tạp, cần phải rất tập trung suy nghĩ và có một số lượng kiến thức nhất định về âm nhạc và nghệ thuật mới có thể hiểu và thích được.

 "Hiện tại em vẫn đưa tới khán giả những tác phẩm chỉ vừa vượt qua mức giải trí một chút và bắt đầu để khán giả vừa nghe vừa phải suy nghĩ và cảm nhận được một gì đó khác biệt trong thể loại âm nhạc này. Không như nhạc Pop hay Rock, yếu tố giải trí chỉ là một phần nhỏ trong âm nhạc cổ điển, mục đích chính của nó vẫn là truyền đạt lại những tri thức, những suy nghĩ, cảm xúc vượt quá giới hạn của ngôn ngữ mà những nhà soạn nhạc, những vĩ nhân thời trước đã và đang để lại cho chúng ta", Đức Anh nói.

Nghệ sĩ piano Đức Anh: Cống hiến hết mình vì nền nghệ thuật đất nước ảnh 3  

"Có rất nhiều câu nói hay nhưng có lẽ mình cũng tự có kim chỉ nam của chính mình rút sau rất nhiều năm học tập và biểu diễn. Đó là, điều quan trọng nhất không phải mình sống bao lâu, sống có thoải mái hay không mà là mình sẽ để lại được gì khi mình không còn sống nữa, người ta thương tiếc mình vì một con người qua đời hay thương tiếc vì những gì mình đã làm được", nghệ sĩ piano Lưu Đức Anh.

MỚI - NÓNG