Tác giả Rừng Na Uy không cần Nobel 'chữa cháy'

TP - Nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami vừa từ chối nhận đề cử giải thưởng New Academy của Thụy Điển - một giải thưởng văn chương được cho là sẽ “thay thế” cho Giải Nobel Văn học năm 2018. Sau khi một số thành viên Viện Hàn lâm Thụy Điển vướng vào scandal tình ái khiến giải Nobel Văn học năm nay buộc phải gác lại để bảo toàn danh tiếng lâu dài cho giải.

Nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami vừa từ chối nhận đề cử giải thưởng New Academy của Thụy Điển - một giải thưởng văn chương được cho là sẽ “thay thế” cho Giải Nobel Văn học năm 2018. Sau khi một số thành viên Viện Hàn lâm Thụy Điển vướng vào scandal tình ái khiến giải Nobel Văn học năm nay buộc phải gác lại để bảo toàn danh tiếng lâu dài cho giải.  

Vào vòng cuối của New Academy, ngoài Murakami - người nhiều năm liền là ứng cử viên hàng đầu của Nobel, còn có 3 nhà văn khác đến từ Anh quốc, Pháp, và đặc biệt là nữ nhà văn người Canada gốc Việt Kim Thúy. Giải do một nữ ký giả người Thụy Điển khởi xướng, lập ra hồi tháng 7 vừa rồi. Dự kiến việc trao giải diễn ra trung tuần tháng 10/2018, cũng trùng vào thời điểm trao giải Nobel thực thụ như mọi năm. Hiện kim giải thưởng khoảng 112.000 USD.    

Các “Harukist” - fan hâm mộ của Haruki nghĩ gì trước quyết định từ chối của ông? Chắc đa số sẽ tán đồng. Bởi tầm vóc và tính chính danh vốn được gìn giữ suốt lịch sử giải thưởng văn chương được quan tâm bậc nhất này. Mà ông hoàn toàn xứng đáng để có.

Tôi nghĩ, Murakami cũng chẳng có lý do gì phải chần chừ không từ chối ngay đề nghị này. Với một giải thưởng tạo ra sự chú ý dựa vào cái “bóng” của giải Nobel danh giá. Từ quy trình tuyển chọn tác phẩm cho đến thời điểm trao, cung cách trao giải cũng na ná như nhau (Chỉ khác là đội ngũ tuyển chọn, chấm giải nghe nói chủ yếu là những người làm nghề thủ thư). 

Giải New Academy ra đời xuất phát từ sự bức xúc của một số người trước bê bối của vài người “cầm cân nảy mực” tại Viện Hàn lâm Thụy Điển. Và cũng nhận được sự ủng hộ của không ít nhà hoạt động văn hóa tại quốc gia này. Đồng thời, giải cũng tuyên bố sẽ tự giải tán vào tháng 12 này. Lý do đó phần nào đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nghĩ cho cùng, việc làm này nào có khác gì anh dựng quầy bán cùng mặt hàng, tương đồng về chủng loại, kiểu dáng bên cạnh một cửa hàng khác lừng danh lâu đời và đang ăn khách?

Đây còn không phải là “nửa ổ bánh mỳ” để so sánh với bánh mỳ. Đây là một giải hoàn toàn khác. Nên nói là giải “chữa cháy” cho Nobel cũng không hẳn đúng. Không hạ thấp giá trị của giải mới này, và các cá nhân, tổ chức có quyền lập ra giải thưởng. Nhưng cá nhân tôi cho rằng đây phần nào là sự thiếu tôn trọng đối với danh tiếng của một giải thưởng lâu đời như Nobel. Giải thưởng lâu đời này cũng đã từng nghỉ trao giải một năm (1949) khi không chọn ra tác giả xứng đáng!

Trong email gửi đến giải thưởng, nhà văn Nhật đã khéo léo bày tỏ sự vinh dự và biết ơn với việc đã được lựa chọn. Tuy nhiên, ông mong muốn xin rút, vì cần tập trung vào việc sáng tác của mình, tránh xa sự chú ý của giới truyền thông.

Nobel 2019, dự kiến để sẽ trao “đúp” cho cùng lúc 2 tác giả để bù lại. Tác giả của “Rừng Na Uy” có tiếp tục hy vọng nữa không? Tôi nghĩ chắc là có. Dù năm ngoái có lần ông tâm sự “Thành thực, tôi chẳng đợi chờ gì”. Bởi ông nói các nhà văn khiến ông thần tượng, yêu mến đều đã chết từ rất sớm. Việc ông vẫn còn sống, là để viết tiếp, vậy thôi.

Vẫn phải trở lại với nguyên lý quen thuộc của văn chương, đó là chính tác phẩm, chứ không phải tác giả, mới sống lâu bền cùng người đọc.            

MỚI - NÓNG