Vụ giả bị bắt cóc tống tiền vừa xảy ra tại khu 15, xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ là một ví dụ.
Ngày 16/4, Công an huyện Thanh Thủy nhận được trình báo của chị Hà Thị An, 43 tuổi, thường trú tại khu 15, xã Hoàng Xá về việc con dâu chị là Nguyễn Thị Kim Chi, 19 tuổi đã bị một số đối tượng lạ mặt bắt cóc đưa lên Hòa Bình, các đối tượng này yêu cầu gia đình chị phải chuẩn bị 200 triệu đồng đưa cho chúng, nếu báo Công an hoặc chậm trễ chúng sẽ giết Chi và đứa bé Chi vừa sinh.
Nguyễn Thị Kim Chi tại cơ quan Công an.
Xác định tính chất phức tạp của vụ việc, ngay sau khi nhận được báo cáo của lãnh đạo Công an huyện Thanh Thủy, Ban giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh phối hợp với Công an huyện Thanh Thủy phải tìm ra nơi các đối tượng đang giam giữ chị Chi và giải cứu 2 mẹ con an toàn.
Giả thuyết được các điều tra viên đưa ra là có thể do mâu thuẫn tình ái hoặc mâu thuẫn trong làm ăn buôn bán nên một số đối tượng đã khống chế, bắt cóc Chi để trả thù. Tuy nhiên, đi sâu tìm hiểu về gia cảnh và nhân thân của bị hại, cơ quan điều tra không phát hiện dấu hiệu nào khả nghi bởi bị hại là người hiền lành chỉ ở nhà làm nội trợ nên không có các mối quan hệ phức tạp, 2 bên gia đình nội, ngoại đều là những người nông dân chất phác, vì vậy giả thuyết Chi bị bắt cóc để trả thù đã được loại bỏ.
Lật trở lại hành trình của Chi, theo như tường trình của chị An thì khoảng 10h sáng 16/4, Chi mượn của chị An chiếc xe Airblade để đi sửa quần áo, gần trưa không thấy con dâu về, chị An nhiều gọi điện nhưng không thấy Chi nhấc máy, đến khoảng 15 giờ 30 phút cùng ngày, Chi gọi điện thoại về cho gia đình thông báo mình đã bị bắt cóc. Có một chi tiết khiến các điều tra viên đặt nghi vấn đó là việc bắt cóc diễn ra vào ban ngày nhưng tất cả mọi người dân ven đường đều không trông thấy, ngoài ra tất cả các cuộc điện thoại gọi về nhà thông báo bị bắt cóc đều do Chi thực hiện trên máy điện thoại di động của Chi với giọng điệu rất bình tĩnh mà không nghe thấy bất cứ lời đe dọa hay khống chế nào từ phía các đối tượng bắt cóc. Các mũi trinh sát được cử đi thu thập thông tin tại Hòa Bình, Vĩnh Phúc và Tuyên Quang không mang lại kết quả.
Trong lúc tưởng chừng như bế tắc thì cơ quan điều tra phát hiện một thông tin vô cùng quan trọng, đó là tờ kết quả siêu âm Chi đưa cho mẹ chồng xem cách ngày bị bắt cóc khoảng 2 tháng là tờ kết quả giả, không có địa chỉ và tên bác sỹ siêu âm, thêm vào đó hình ảnh đứa bé trong tờ kết quả này được cắt dán không giống với những tờ kết quả siêu âm thông thường. Đặc biệt bà An cho biết thêm, từ khi biết con dâu mang bầu, rất nhiều lần bà ngỏ ý đưa Chi đi kiểm tra thai nhưng đều bị Chi từ chối, điều khiến bà An thắc mắc là mỗi lần hỏi kết quả siêu âm, Chi đều lấy lý do này nọ để thoái thác. Gần đây, thấy bà An gay gắt Chi mới chịu đưa cho bà An tờ kết quả siêu âm này.
Từ những thông tin thu thập được cơ quan điều tra đã có căn cứ để khẳng định, việc Chi nói với gia đình là mình đang mang bầu tháng thứ 9 là không có cơ sở vì vậy sẽ không có việc Chi sinh con trong lúc bị bắt cóc. Kết hợp đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đến 22h30 ngày 17/4, Công an huyện Thanh Thủy đã phát hiện, bắt quả tang Nguyễn Kim Chi đang ở cùng với một người phụ nữ tại khu nhà trọ thuộc quận Hà Đông, TP Hà Nội.
Tờ kết quả siêu âm được làm giả.
Quá trình đấu tranh khai thác, Nguyễn Kim Chi khai nhận, trước đây Chi từng mang thai nhưng không may bị sẩy, lo sợ bị mẹ chồng và chồng phát hiện nên Chi đã nói dối mọi người, để tạo lòng tin Chi đã download kết quả siêu âm trên mạng Internet rồi điền tên mình vào, hình ảnh trong giấy siêu âm Chi xin của đứa em con bà dì ruột. Gần đến ngày sinh, biết không thể nói dối được mãi nên Chi đã tính toán dựng lên màn kịch bị bắt cóc để mọi người tin rằng đứa bé trong bụng sau khi sinh ra đã bị kẻ xấu chiếm đoạt. ể thực hiện được ý đồ của mình, Chi đã lên mạng Internet và làm quen với một người phụ nữ đang có nhu cầu ở ghép thuộc quận Hà Đông (Hà Nội).
Ngày 16/4, lấy ý do đi sửa quần áo Chi đã mang theo đồ dùng cá nhân, tư trang rồi đi thẳng một mạch xuống quận Hà Đông. Sau khi đã ổn định nơi ăn, ở Chi gọi điện thoại về cho gia đình thông báo mình đã bị bắt cóc lên Hòa Bình và yêu cầu gia đình phải chuẩn bị ngay 200 triệu đồng. Tất cả những lần điện thoại về nhà Chi đều bí mật không cho người phụ nữ ở cùng biết.
Đây chỉ là một trong số hàng loạt các vụ giả bị bắt cóc để tống tiền người thân xảy ra trên địa bàn cả nước. Chỉ vì một phút bồng bột thiếu suy nghĩ chín chắn của giới trẻ đã gây tâm lý hoang mang đối với nhân dân và khiến các cơ quan chức năng phải tốn kém công sức và tiền bạc, đồng thời cũng khiến nhiều bậc phụ huynh phải lao tâm khổ tứ. Qua đây cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự xuống cấp đạo đức, lối sống của một bộ phận giới trẻ hiện nay.
Theo Nguyễn Chung