Tajjikistan

Kinh hoàng hủ tục bắt cóc phụ nữ về làm vợ

Kẻ bắt cóc và nạn nhân
Kẻ bắt cóc và nạn nhân
TP - Mỗi năm có khoảng 15.000 cô gái trở thành mục tiêu bắt cóc của cánh đàn ông độc thân – đó là những số liệu thống kê ít ai ngờ về tình trạng hôn nhân ở Tajikistan hiện nay.

Chính phủ Tajikistan đang tìm cách chấm dứt những hành vi bắt cóc phụ nữ về làm vợ núp bóng “phong tục truyền thống” đang ngày càng nghiêm trọng ở quốc gia Trung Á này. 

Giờ đây, các cô gái trẻ khi đi dạo trong công viên, mua sắm trong siêu thị, thậm chí trên đường đi làm hay từ trường học về nhà đều có nguy cơ bị người lạ bắt cóc về làm vợ.

15.000 cô gái bị bắt làm vợ/ năm


Có khoảng 1/3 số cuộc hôn nhân là kết quả của các vụ bắt cóc và cưỡng bức các cô dâu. Mỗi năm có khoảng 15.000 cô gái trở thành mục tiêu bắt cóc của cánh đàn ông độc thân – đó là những số liệu thống kê ít ai ngờ về tình trạng hôn nhân ở Tajikistan hiện nay.

Việc bắt cóc phụ nữ về làm vợ ở Tajikistan hiện nay gồm hai loại: Thứ nhất, hai bên trai gái đem lòng yêu nhau nhưng bị cha mẹ ngăn cấm, cùng nhau dựng lên màn kịch “bắt cóc cô dâu” theo phong tục truyền thống từ xưa để được thoả nguyện ước cùng sống với nhau. 

Tuy nhiên, số vụ kiểu này hiện rất ít; chủ yếu là phía nam giới lập kế hoạch bắt cóc người con gái mà họ thích về làm vợ trong khi cô gái đó không hề hay biết điều gì sắp xảy ra với mình. Hiện tượng thường xảy ra là: chàng trai và đám bạn bắt cóc cô gái đem về nhà. Sau đó tìm cách thuyết phục cô gái chấp thuận làm vợ. 

Trong nhiều trường hợp, cô gái bị giam giữ mấy ngày, nếu không ưng thuận mới chịu thả cho về; nếu tệ hại hơn, cô gái có thể bị cưỡng bức tình dục để không còn cách nào khác thay vì chấp nhận làm vợ kẻ đã ngủ với mình.

Nếu cuộc hôn nhân đó được hai bên gia đình đồng tình và cộng đồng ủng hộ, nhà gái sẽ khuyên bảo cô gái ở lại làm dâu bên nhà trai. Nhưng khi cô gái đã mang thai ngoài ý muốn, dù bản thân và gia đình không đồng ý, cô cũng phải chấp thuận cuộc hôn nhân trái với ý nguyện ấy bởi không có người đàn ông Tajikistan nào muốn lấy một người phụ nữ đã mang thai với người đàn ông khác.

Nhiều người cho rằng, “bắt cóc cô dâu” là một phong tục truyền thống lâu đời của người Tajikistan. Thế nhưng, một số nhà nghiên cứu cho rằng, thực ra tục này mới có từ vài chục năm nay và đặc biệt phát triển từ sau khi Liên Xô cũ tan vỡ cùng với sự nổi lên của quan niệm về xã hội nam quyền ở Tajikistan.

Giờ đây, các cô gái trẻ khi đi dạo trong công viên, mua sắm trong siêu thị, thậm chí trên đường đi làm hay từ trường học về nhà đều có nguy cơ bị người lạ bắt cóc. Thậm chí có những trường hợp còn bị những người đàn ông xông vào tận nhà bắt đi. Một khi bị bắt đem về nhà người đàn ông xa lạ, cô gái đã bị coi là mất trinh tiết. 

Ở một quốc gia đạo Hồi như Tajikistan, một cô gái bị coi là mất trinh tiết và ngủ đêm ở nhà người khác sẽ bị xem là “đồ hư hỏng”; dù có thoát ra khỏi nhà kẻ đã bắt cóc mình, họ cũng vĩnh viễn không có cơ hội tìm được cuộc hôn nhân khác.

80% cô gái cam chịu

Trước hiện tượng bị xâm hại bằng bạo lực được dung túng đó, khoảng 80% phụ nữ đành cam chịu, chấp nhận sự an bài số phận một cách bất lực, “may nhờ rủi chịu”. Trong quá trình cô gái bị bắt cóc, cha mẹ, anh em, bạn bè của cô thậm chí đều có thể trở thành đồng loã của kẻ bắt cóc.

Năm ngoái, Eger, cô sinh viên trường y 18 tuổi bị một đám đàn ông lạ mặt bắt đi ngay trước cổng trường. Eger nhớ lại: “Bạn tôi hẹn tôi ra cổng để đưa cho mượn một cuốn sách. Sau khi nhận sách tôi vội quay bước, nhưng không ngờ có 2-3 thanh niên đã phục sẵn mà tôi không để ý. Họ xông đến túm chân túm tay nhấc bổng tôi lên nhét vào xe hơi”. 

Trước sức ép của gia đình, cô đành phải chấp nhận tình thế. “Ông, bà tôi đều nói đó là phong tục truyền thống ở Tajikistan. Họ bảo tôi ở lại nhà người đã bắt cóc tôi. Họ bảo, nếu tôi quay về nhà thì mọi người sẽ xem tôi là người như thế nào, tôi còn mặt mũi nào mà đối diện với họ”.

Kinh hoàng hủ tục bắt cóc phụ nữ về làm vợ ảnh 1 Cảnh bắt vợ diễn ra như cơm bữa

Các chuyên viên nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Trung Á thuộc Đại học America đặt tại Tajikistan cho biết, phần lớn các cô gái bị bắt cóc bị cưỡng hiếp ngay tối đầu tiên, nhiều người quyết định chấp nhận ở lại nhà kẻ bắt cóc. “Về cơ bản, nếu bỏ về, họ sẽ bị coi là mất thể diện vì không còn là trinh nữ nữa”. Chính vì vậy, phần lớn các cô gái đành cam chịu chấp nhận cuộc hôn nhân bị cưỡng ép đầy tủi nhục. Năm ngoái, cô gái 20 tuổi Bull đã chạy trốn sau khi bị bắt cóc và bị cưỡng hiếp. 

Cô kể với các nhà báo: “Hiện tôi đang sống cùng em trai và em gái. Sau khi chạy trốn tôi phát hiện mình đã có thai, bèn gọi điện cho hắn (kẻ bắt cóc), nhưng hắn nói đã lấy người khác, bảo tôi đừng đến tìm nữa. “Tôi cũng không biết làm sao bây giờ, không biết tìm cách gì để nuôi con”.

Theo luật pháp hiện hành của Tajikistan, đàn ông cưỡng bức hôn nhân có thể bị nhận 3 năm tù. Tuy nhiên, một phụ nữ nói: Ở đây ăn trộm một con bò bị phạt 11 năm tù, còn bắt cóc một phụ nữ chỉ bị phạt 3 năm. Nhưng thực ra, chả mấy ai bị phạt tù vì bắt cóc cô dâu cả. Đạo luật đó có mà như không. Chỉ khi bị tố cáo có hành vi bạo lực hay cưỡng hiếp trong quá trình cướp cô dâu, đối tượng mới bị truy cứu, nhưng điều này hiếm khi xảy ra. Điều đáng ngạc nhiên là khi đạo luật này ra đời nó đã gây tranh cãi kịch liệt. Một số người cho rằng: Cần tôn trọng giá trị truyền thống. Một số thậm chí tin rằng “mọi cuộc hôn nhân tốt đẹp đều bắt đầu bằng nước mắt”… Bởi vậy, một số đàn ông sau vài lần cầu hôn thất bại đã quay sang lựa chọn phương pháp bắt cóc cô dâu.

Các xã hội học cho biết, các hiện tượng bắt cóc cô dâu tương tự cũng xảy ra ở các nước Trung Á khác, nhưng đặc biệt phổ biến ở Tajikistan. Số liệu nghiên cứu mới đây cho thấy: Hơn 1/4 đàn ông nước này lấy vợ bằng việc bắt cóc cô dâu vì họ không tin tưởng được cô gái chấp thuận khi ngỏ lời cầu hôn.

Tục cướp cô dâu khởi nguồn từ thế kỷ 12 khi các bộ tộc Hồi giáo bắt đầu tiến vào Trung Á. Do tài nguyên khan hiếm, giữa các bộ lạc xảy ra hiện tượng cướp ngựa và phụ nữ của nhau; hành vi cướp phụ nữ dần phát triển thành cướp cô dâu. Từ khi trở thành quốc gia độc lập năm 1991 đến nay, tục cướp cô dâu đã bị coi là phạm pháp, nhưng hiện nay nó lại đang thành xu thế phổ biến. 

Một số người cho rằng đó là cách người ta quay lại với tập tục truyền thống, nhưng nhiều người lại cho rằng đó là hậu quả của việc chi phí cho hôn nhân ngày càng cao và việc một số phụ huynh không chịu nổi việc vay nặng lãi để có tiền làm đám cưới cho con cái, việc cướp cô dâu có thể giúp họ hạ thấp chi phí hôn nhân.

Mới đấy, “Trung tâm cứu trợ phụ nữ Tajikistan” và thành viên một số tổ chức phi chính phủ đã biểu tình bên ngoài toà nhà Quốc hội, yêu cầu sửa đổi những điều luật hữu quan, nghiêm trị hành vi bắt cóc cô dâu trái với ý nguyện, bảo vệ quyền lợi nhân thân của phụ nữ. Theo bà Amokunova, Chủ tịch Trung tâm trên, mỗi năm ở Tajikistan có khoảng 15.000 vụ hôn nhân kiểu bắt cóc cô dâu, khoảng 2.000 cô gái bị bạo lực tình dục. Trung tâm này đặt mục tiêu là đấu tranh đòi xoá bỏ hủ tục cướp cô dâu. 

Theo Theo China.com
MỚI - NÓNG