Tục 'bắt vợ' thời biến tướng thành vấn nạn
> Những nạn nhân nhí của tục “cướp vợ”
Những năm gần đây, do ảnh hưởng những luồng văn hóa xấu từ bên ngoài vào nên tục "bắt vợ" đã bị biến tướng rất nhiều. Bởi thế, nó đang trở thành vấn nạn làm xấu đi tập tục ngàn đời lưu truyền lại.
Một góc bản của người Mông. |
"Bắt vợ" là nét đẹp văn hóa, truyền thống nhưng nay đã bị biến tướng, làm mất đi giá trị tốt đẹp.
Già làng Xồng Gà Vừ, 92 tuổi, ở bản Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An chia sẻ: "Người Mông chúng tôi có phong tục tập quán độc đáo và riêng biệt so với dân tộc khác. Nhưng ngày nay, ảnh hưởng văn hóa xấu, giới trẻ đã lợi dụng "bắt vợ" để "tình trong một đêm".
Lợi dụng để "tình một đêm"
Tháng giêng, trên những cánh rừng của miền "sơn cước" hoa đào, hoa mơ, hoa mận nở rộ báo hiệu mùa xuân về với các lễ hội như: Hội Sải Sán (hội cầu phúc); Hội Cầu Tào (hội tạ ơn tổ tiên, cầu cho mùa màng tươi tốt).
Trai gái với trang phục đủ màu sắc cùng dắt nhau đến một bãi đất bên bìa rừng để chuyện trò, trao cho nhau những câu hát giao duyên qua làn điệu hát ống, hát dân ca và các trò chơi dân gian ném Pao, múa khèn, bắn nỏ,…
Khi người con trai để ý một cô gái nào trong lễ hội, họ cầm quả Pao ném qua cho người con gái đến hàng giờ mà không biết chán. Trong cuộc vui, nếu cô gái đã ưng chàng trai thì tìm cách khéo léo thể hiện qua ánh mắt, nụ cười.
Sau khi lễ hội kết thúc, người con trai sẽ tìm gặp bạn tình, rồi cùng dắt nhau đến bìa rừng tâm sự. Người con trai sẽ trao cho cô gái một chiếc vòng bạc làm kỷ vật và giữ quả Pao (cầu nối của hai người) đến ngày động phòng. Để bạn gái trở thành người vợ chính thức thì người con trai phải tuân thủ nghiêm gặt phong tục của dân tộc mình.
Bất kỳ ngày hay đêm, bạn gái đó dù ở nhà hay đang đi làm trên nương rẫy, khi được thầy mo chọn ngày lành, giờ tốt thì ngay lập tức người con trai phải chuẩn bị một con ngựa thật khỏe, nhờ một người bạn đi cùng, lựa lúc cô gái sơ hở, nhảy vào vác cô gái lên ngựa phi thẳng về nhà mình.
Mặc cho cô gái kêu la, khóc lóc, van xin… sau đó, nhốt cô gái trong phòng riêng biệt, 3 ngày 3 đêm không cho ra ngoài. Người con trai có nhiệm vụ chăm sóc thức ăn, nước uống đồng thời động viên, thuyết phục cô gái về làm vợ mình.
Đến lúc người thân trong gia đình đưa cho cô gái một chiếc váy, nếu cô gái nhận lời mặc vào người thì cô gái sẽ là vợ trong tương lai. Và gia đình nhà trai chọn ngày lành, tháng tốt, sắm lễ vật gồm: 120 đồng bạc trắng, 120 cân thịt, 120 bát rượu, 40 kg gạo, đến nhà cô gái, dạm ngày cưới hỏi.
Trước sự chứng kiến 2 bên gia đình, người con trai phải cầm tay cô gái kéo về phía mình mặc cho cô gái chống cự, còn người thân gia đình cô gái "giả vờ" túm cô gái lại không cho đi. Cuối cùng, chàng trai đưa cô gái lên ngựa với sự hộ tống của người bạn.
Ngày lễ, hội, người Mông thường tập trung ở sân bản, bên bãi đất trống hoặc bìa rừng vui chơi, ca hát, nhảy múa… cả tháng trời. Những điệu nhạc, điệu khèn là cầu nối giao duyên cho con trai con gái. Nhưng nhiều người con trai "mượn" phong tục "bắt vợ" với lời nói ngon ngọt khiến cho những cô gái "nhẹ dạ cả tin" mắc bẫy. Rồi sau đó, họ trao cái "ngàn vàng" ngay "chỉ một lần gặp gỡ", nhưng khi ăn được "trái cấm" thì người con trai tìm bài "chuồn"..
Nhóm trai bản đang chờ thời cơ để "bắt vợ". |
"Lời ru buồn" cho những đứa trẻ không cha
Tục "bắt vợ" đang thay vào đó là những cuộc tình "chớp nhoáng" và kết cục đau lòng vẫn là những cô gái đang "tuổi ăn tuổi lớn" phải "mang nặng đẻ đau", bị người đời hắt hủi là "chửa hoang".
Chúng tôi đến bản Mường Lống 2, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Bước tới túp lều lợp bằng lá cọ, tường làm bằng phên nứa của chị Vừ Y M., 16 tuổi, đang lúi húi trong bếp, một tay bế con gần 1 tuổi, một tay quấy mèn mén (ngô, sắn xay nhỏ) cho con ăn.
Chị Vừ Y M. mặt lem luốc vì bụi than nhìn chúng tôi kể: "Ngày hội của bản, ta theo mẹ đi xem, không ngờ mấy người con trai đã "bắt" ta đi vào rừng làm chuyện người lớn. Đến lúc ta thấy cái bụng cứ to dần, bảo với mẹ thì chuyện đã quá muộn. Sinh con rồi ta khổ lắm, nhiều lúc ta muốn cho con để người khác nuôi nhưng nghĩ lại thấy đứa trẻ không có tội tình gì, chỉ trách ở ta thôi".
Trò chuyện với chị Vừ Y X, 18 tuổi, đang ở độ "đẹp nhất" nhưng ai gặp chị lần đầu đều tưởng chị đã ngoài 30 tuổi. Khuôn mặt hốc hác, bàn tay thô ráp nhăn nheo, gân xanh nổi lên, chị ngồi trước thềm nhà, mắt nhìn xa xăm.
Chúng tôi hỏi: "Chị bị ốm hay bị bệnh gì à?". Chị khóc nức nở, nói trong tiếng nấc nghẹn ngào: "Trước đây ta như một bông hoa rừng, vô tư hồn nhiên, xinh đẹp. Nhưng mùa xuân năm ấy, ta cùng đám bạn đến vui chơi, nhảy múa ở sân bản. Không biết từ đâu tới, một nhóm con trai đã "bắt" ta đến ven suối. Sau khi tỉnh dậy thì trên người không còn mảnh vải che thân".
Trao đổi với PV, ông Xồng Phái Đà, Trưởng CA xã Mường Lống cho biết: Tục "bắt vợ" có từ rất lâu đời, là nét đẹp văn hóa của người Mông nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
Tuy nhiên, những năm gần đây, do ảnh hưởng những luồng văn hóa xấu từ bên ngoài vào nên tục "bắt vợ" đã bị biến tướng rất nhiều. Bởi thế, nó đang trở thành vấn nạn, làm xấu đi tập tục ngàn đời lưu truyền lại.
Về phía chính quyền địa phương cũng sẽ có hình thức xử lý với những ai lợi dụng tập tục này, đồng thời có những biện pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân.
Theo Pháp Luật và Xã Hội