Sự nồng ấm Mỹ - Trung liệu có dài lâu?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình thể hiện sự thân thiện và sẵn sàng cải thiện quan hệ với Mỹ khi ông có cuộc gặp mang tính dấu ấn với Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 15/11, đánh dấu thay đổi đáng chú ý trong thái độ của Bắc Kinh sau thời gian dài quan hệ hai nước trục trặc.
Sự nồng ấm Mỹ - Trung liệu có dài lâu? ảnh 1

Lãnh đạo Mỹ - Trung đi dạo cùng nhau trong dịp gặp ở Francisco. (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng vẫn phải chờ xem liệu những hình ảnh và phát biểu thân thiện đó có dẫn đến thay đổi lâu dài trong mối quan hệ giữa hai siêu cường hay không.

Ngay trong cuộc họp báo riêng sau cuộc gặp, Tổng thống Biden nhắc lại quan điểm của ông rằng ông Tập là một “nhà độc tài”, khi được phóng viên hỏi về phát biểu này của ông hồi tháng 6.

Thời điểm đó, Bắc Kinh phản ứng gay gắt, và mâu thuẫn đó phủ bóng lên nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy đối thoại giữa hai bên sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Khi được hỏi về bình luận mới nhất của ông Biden, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi đó là điều “cực kỳ sai lầm”, là “hành động chính trị vô trách nhiệm, điều mà Trung Quốc kiên quyết phản đối”.

“Cần phải chỉ ra là luôn có một số người mang động cơ thầm kín cố gắng làm suy yếu mối quan hệ Trung-Mỹ. Họ sẽ không thành công khi làm như vậy”, người phát ngôn Mao Ninh nói.

Chưa biết Trung Quốc có phản ứng gì nữa không, sau khi những gì mà nhà lãnh đạo của họ thể hiện trong cuộc gặp ở Vịnh San Francisco cho thấy nước này đang thay đổi quan điểm cứng rắn với Mỹ, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.

Theo tuyên bố của Mỹ và Trung Quốc, hai bên đã đồng ý khôi phục liên lạc quân sự và ngăn chặn dòng fentanyl từ Trung Quốc sang Mỹ.

Trung Quốc mô tả cuộc gặp mang tính “tích cực” và “toàn diện”, đồng thời nêu bật những nỗ lực của ông Tập nhằm giải thích những điểm không thể thương lượng của Bắc Kinh, như lập trường của nước này đối với Đài Loan và nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Trên báo chí chính thống Trung Quốc và trên các mạng xã hội, hashtag #Planet-Earth-Is-Big-Enough-For-Both-China-And-The-US (Hành tinh trái đất đủ lớn cho cả Trung Quốc và Mỹ) đang là xu hướng, cho thấy chuyến đi của ông Tập được dư luận đánh giá tốt.

Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV nêu bật cách Tổng thống Biden mời ông Tập đi dạo quanh khu đất rợp bóng cây nơi cuộc gặp diễn ra, và nhà lãnh đạo Mỹ “đích thân tiễn ông ra xe để chào tạm biệt”. Chi tiết này cũng là tiêu đề của hashtag khác tạo nên xu hướng trên mạng xã hội Trung Quốc.

Sự tích cực đó trái ngược với những bài viết chỉ trích Mỹ điển hình thường xuất hiện trên các phương tiện truyền thông xã hội và nhà nước Trung Quốc lâu nay.

Sự tiếp đón nồng nhiệt của Mỹ là điều cực kỳ quan trọng đối với ông Tập, người mà các nhà phân tích cho rằng không chỉ đang muốn ổn định mối quan hệ phức tạp vào thời điểm kinh tế suy yếu, mà còn muốn gửi thông điệp đến dư luận trong nước về sự khéo léo trong xử lý công việc đối ngoại của đất nước.

Chuyến thăm của ông Tập diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản, nợ của chính quyền địa phương cao và tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ tăng kỷ lục. Việc siết chặt quy định và kiểm tra làm giảm niềm tin của giới kinh doanh vào cơ hội ở thị trường đông dân nhất nhì thế giới.

Ông Alfred Wu, phó giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc ĐHQG Singapore, cho rằng tại California, “ông Tập muốn cho người dân ở quê nhà thấy khả năng lãnh đạo của ông trong các vấn đề đối ngoại”, cho thấy Mỹ trân trọng nhà lãnh đạo Trung Quốc và rằng ông Tập “được đánh giá cao ở Mỹ và là nhà lãnh đạo thế giới ngang hàng với ông Biden”.

Theo các nhà phân tích, những bận tâm sâu sắc của mỗi bên về ý định của nhau khó có thể được xoa dịu sau một cuộc gặp. Cách thực hiện những thỏa thuận đạt được trong dịp này sẽ cho thấy liệu Trung Quốc và Mỹ có thực sự cam kết duy trì sự ổn định lâu dài hay không.

“Cuộc gặp cho thấy quan hệ Mỹ-Trung sẽ không xấu đi nữa trong năm tới, nhưng liệu nó có phục hồi rất nhanh và sớm trở nên ấm áp hơn đáng kể không? Tôi sẽ nói không”, Liu Dongshu, trợ lý giáo sư tập trung vào chính trị Trung Quốc tại ĐH Thành thị Hong Kong, đánh giá.

“Tất nhiên, ông Tập muốn quan hệ Mỹ-Trung tốt hơn, nhưng (Bắc Kinh) nhận ra… thực tế cơ bản là Mỹ muốn kiềm chế Trung Quốc, vì vậy họ kỳ vọng rằng mối quan hệ nồng ấm hơn là tốt, nhưng cơ bản họ chỉ cần không tệ hơn nữa”, ông Liu nói.

Theo CNN
MỚI - NÓNG