Những vấn đề nổi cộm trong cuộc gặp của lãnh đạo Mỹ - Trung

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Một năm sau cuộc gặp trực tiếp đầu tiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gặp lại nhau vào ngày mai (15/11) tại San Francisco, một sự kiện điểm nhấn của tuần lễ cấp cao APEC, trong bối cảnh hai bên muốn ổn định quan hệ song phương trong môi trường chính trị ngày càng bấp bênh.
Những vấn đề nổi cộm trong cuộc gặp của lãnh đạo Mỹ - Trung ảnh 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lần gặp nhau tại Bali, Indonesia, tháng 11/2022. (Ảnh: Reuters)

Cuộc gặp dự kiến sẽ kéo dài vài giờ đồng hồ, là đỉnh điểm của nhiều tháng gặp gỡ và trao đổi ở các cấp thấp hơn.

Việc nhà lãnh đạo Trung Quốc thăm Mỹ lần đầu tiên trong 6 năm cho thấy thiện chí từ phía Trung Quốc. Trong số các hoạt động tại Mỹ lần này, ông Tập Cận Bình dự kiến sẽ phát biểu tại tiệc tối do Ủy ban Quốc gia về quan hệ Mỹ - Trung và Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung tổ chức. Vé tham gia sự kiện này được bán với giá 2.000 USD.

Bài phát biểu của ông Tập trước cộng đồng kinh doanh Mỹ - Trung dự kiến sẽ nhấn mạnh mong muốn thu hút các doanh nghiệp nước ngoài quay lại đầu tư vào Trung Quốc, sau khi nhiều doanh nghiệp rút ra trong 3 năm Bắc Kinh triển khai chính sách "zero Covid" chặt chẽ và gia tăng kiểm soát hoạt động của các hãng tư vấn nước ngoài. Mỹ cũng triển khai những chính sách hạn chế làm ăn với Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao.

Các biện pháp hạn chế xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực từ ngày 16/11, đúng ngày lãnh đạo hai nước gặp nhau. Quy định mới được triển khai để ngăn Trung Quốc tiếp cận các loại thiết bị bán dẫn hiện đại nhất, cần để phát triển trí tuệ nhân tạo tiên tiến.

“Về vấn đề chuỗi cung ứng, Mỹ tiếp tục kiềm chế Trung Quốc tiếp cận chip hiện đại… Điều đó chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử Trung Quốc”, Shen Dingli, một nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế tại Thượng Hải, nhận định.

Theo học giả này, thiết bị bán dẫn là một trong những mối bận tâm lớn nhất của Trung Quốc hiện nay.

Các nhà phân tích của cả hai bên đều chỉ trích việc chính quyền của Tổng thống Biden giữ nguyên mức thuế trị giá 370 tỷ USD lên hàng hóa Trung Quốc mà chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump áp dụng.

Môi trường địa - chính trị hiện này ngày càng phức tạp, khi Trung Quốc và Mỹ giờ đang ở hai phía đối lập của hai cuộc xung đột lớn, không chỉ ở Ukraine.

Isaac Stone Fish, người sáng lập của Strategy Risks, một hãng dữ liệu chuyên về Trung Quốc, cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine và Dải Gaza gây bất lợi cho Mỹ hơn Trung Quốc.

Quan hệ Mỹ - Trung hiện nay được đánh giá là ổn định hơn so với hồi tháng 2, thời điểm Mỹ bắn rơi khinh khí cầu Trung Quốc bay trên bầu trời Nam Carolina.

Trong tháng này, Mỹ và Trung Quốc tổ chức đối thoại về kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí sát thương hàng loạt, lần đầu tiên kể từ thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama. Bộ Ngoại giao Mỹ mô tả cuộc đối thoại này là “thực chất” và “mang tính xây dựng”, khi các quan chức hai bên bàn bạc về cách bảo đảm cạnh tranh kinh tế và bất đồng không dẫn đến xung đột.

Đặc phái viên Mỹ và Trung Quốc gần đây gặp nhau ở California đã đạt được “những kết quả tích cực”, Bộ Sinh thái và môi trường Trung Quốc cho biết.

Trung Quốc và Mỹ, cùng với Anh, Liên minh châu Âu và Úc, gần đây trở thành bên ký kết của “Tuyên bố Bletchley” về ứng phó với những rủi ro của trí tuệ nhân tạo (AI).

Từ quan điểm của Bắc Kinh, vấn đề quan trọng nhất trong quan hệ với Mỹ vẫn là Đài Loan (Trung Quốc). Khi bầu cử sắp diễn ra ở cả Đài Loan và Mỹ, đây có thể là cơ hội cuối cho Bắc Kinh để nhấn mạnh quan điểm của mình với chính quyền của Tổng thống Biden trước khi bước vào năm 2024 đầy sóng gió.

Theo Guardian
MỚI - NÓNG