Nghệ An

Sông lấn làng, cả trăm hộ dân bị đe dọa mạng sống

Từng mảnh đất canh tác của người dân Tam Hợp biến mất dần trong hàng chục năm qua
Từng mảnh đất canh tác của người dân Tam Hợp biến mất dần trong hàng chục năm qua
TP - Hàng trăm hộ dân thuộc các xã Châu Tiến (Quỳ Châu), Tam Hợp (Quỳ Hợp) dọc tuyến Quốc lộ 48, nơi có các con sông Hiếu, sông Dinh chảy qua đang sống trong thấp thỏm, lo âu bởi tình trạng sạt lở, nguy cơ bị hà bá nuốt chửng bất cứ lúc nào.

Sống bên miệng hà bá

Hàng chục năm trở lại đây, người dân bản Minh Tiến, xã Châu Tiến thuộc huyện miền núi Quỳ Châu  (Nghệ An) luôn bất an khi tình trạng sạt lở, xói mòn của sông Hiếu đang cuốn đi từng thửa đất, đe dọa trực tiếp tới những ngôi nhà của họ. Ông Phan Văn Nhâm (SN 1962, Minh Tiến, Châu Tiến) cho biết: “Gia đình tôi sống nơi đây khoảng 45 năm, ngày xưa cách bờ sông hơn 15m nhưng nay còn 5m, có muốn gia cố cũng không thể bởi sạt lở sắp ăn đến sân vườn”.

Để đối phó, người dân Châu Tiến ra sức trồng tre, mét, chồng bao cát, sọt đá để chống lở. Mỗi khi mùa mưa về, nước sông Hiếu dâng cao, dòng chảy mạnh, những sọt đá hay bụi tre, mét đều bị cuốn ra sông. Theo người dân nơi đây, 5 năm qua, bản Minh Tiến đã bị sông lấn mất gần 1 hécta đất thổ cư. Trước đó, một ngôi nhà của người dân đã bị cuốn trôi.

Ông Trần Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Châu Tiến, cho biết, tình trạng sạt lở ở bản Minh Tiến, men theo Quốc lộ 48 kéo dài hàng cây số. Trước mùa mưa lũ, UBND xã có vận động di dời, hỗ trợ người dân đến nơi an toàn, tránh bị hà bá cuốn trôi”. Theo ông Hoàng, toàn bản Minh Tiến có 150 hộ dân bị tình trạng sạt lở đe dọa mạng sống. UBND xã đã có báo cáo lên UBND huyện tìm hướng giải quyết nhưng vẫn chưa đâu vào đâu, “tạm thời cứ mưa lớn, nước sông dâng cao là kêu dân chạy trốn”, Chủ tịch UBND xã Châu Tiến cho hay.

Nơm nớp lo âu

Cùng chung nỗi lo thường trực như người dân bản Minh Tiến (Châu Tiến, Quỳ Châu) là những người dân ở xóm Tân Mùng, Tân Tiến, Quyết Tiến, Dinh, Đồng Chảo Vặc, Tân Mỹ (thuộc xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An). Địa phận xã Tam Hợp có dòng sông Dinh chảy qua. Tại đây, những bờ vực thẳng đứng, cao khoảng 3m, sạt lở nham nhở. Bà Trương Thị Thái (SN 1969, xóm Tân Mùng, xã Tam Hợp) nói: “Đất nhà tôi đã sạt lở rất nhiều, đất canh tác bị cuốn trôi, giờ bờ sông lấn vào tới vườn nhà. Tôi đã báo lên xã nhưng được trả lời là chưa có cách”.

Toàn xóm Tân Mùng có 143 hộ dân, nguồn thu chính từ việc trồng trọt, chăn nuôi. Đất sản xuất của xóm nằm bên bờ sông Dinh, hằng năm cứ đến mùa lụt sẽ bị cuốn trôi 20m và đang phải hứng chịu nguy cơ sạt lở mạnh nhất, nhiều hộ dân đang nằm trong diện di dời. Đất nông nghiệp của xóm đã bị hà bá nuốt mất gần 10 hécta, năm sau nhiều hơn năm trước. Ngoài thiệt hại về đất đai, tài sản của nhân dân, sông Dinh đã xóa sổ con đường 532 dài hơn 2km. Hầu hết người dân bám trụ lại vì cuộc sống quá khó khăn không có tiền mua đất. Ông Phạm Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Tam Hợp, cho biết: “Sạt lở bên bờ sông Dinh đoạn qua xã khoảng trên 3 km, toàn xã có hơn 150 hộ dân thuộc diện cảnh báo nguy cơ sạt lở, trong đó có 50 hộ dân nằm ở vùng đặc biệt nguy hiểm. Xã đã đề nghị lên hội đồng huyện, trong các báo cáo, thực trạng sạt lở luôn được đưa vào, UBND huyện cũng lập nhiều đoàn khảo sát. Tuy nhiên, đã 10 năm huyện chỉ trả lời sẽ đưa vào kế hoạch mà đến nay cũng chưa có dự án gì”.

Thượng nguồn sông Hiếu và sông Dinh, tình trạng khai thác rừng, khoáng sản bừa bãi dẫn đến hệ lụy sông đổi dòng chảy. Điều đó khiến quy luật bên lở, bên bồi thường thay đổi theo từng năm không còn nữa, và người dân phải hứng chịu sự hung hãn của dòng sông đã vài chục năm nay. Mùa mưa lũ đang đến gần, người dân ở các địa phương nói trên lại sống trong nỗi lo sạt lở, nỗi lo bị hà bá nuốt bất cứ lúc nào.

MỚI - NÓNG