Sông Hồng ký sự - kỳ 5: Ghé làng của Tổng Cóc xem Linh tinh tình phộc

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tiếp tục hành trình dọc sông Hồng, chúng tôi đến Tứ Xã - một làng cổ, cổ đến lạ lùng ở Lâm Thao, Phú Thọ. Những gì còn được lưu giữ ở Tứ Xã là sự ảnh hưởng đậm nét của sông Hồng, của văn minh lúa nước…

Ngôi làng trù phú, 3 nghìn năm tuổi

Tứ Xã nằm bên bờ sông Hồng, cách Đền Hùng chưa đến 10km đường chim bay. Dạo quanh Tứ Xã một vòng, chúng tôi được hưởng không khí đổi mới của người dân nơi đây với nhiều nhà vườn, biệt thự đẹp đẽ mọc lên khắp nơi. Nhưng, những di tích lịch sử, những ngôi nhà cổ có tuổi đời 200 đến 300 năm vẫn còn đó.

Xin dừng lại một chút để bàn về danh xưng “làng Tứ Xã” vì khá là zích zắc. Theo các tài liệu chính thống, làng Tứ Xã trước có tên là Gáp. Việc đổi tên từ Gáp thành Tứ Xã, các cụ cao niên giải thích: Trong phạm vi một làng chung lúc đó có 4 “xã”, trong đó có Gáp là “xã” lớn nhất nên hợp thành làng “Tứ Xã”. Cách giải thích trong “làng” có “xã” nghe hơi trái khoáy với cách phân chia đơn vị hành chính từ xưa đến nay. Tuy nhiên, khi tra từ điển (chúng tôi tra cuốn Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh) thì từ “xã” có nghĩa chung là “đoàn thể”, “nhiều người” nên cách lý giải của các cụ hóa ra lại rất logic. Bây giờ “Tứ Xã” lại được dùng để đặt tên cho cả xã. Vì vậy, không gian “làng Tứ Xã” mà chúng ta đang tìm hiểu bao gồm cả xã Tứ Xã bây giờ.

Sông Hồng ký sự - kỳ 5: Ghé làng của Tổng Cóc xem Linh tinh tình phộc ảnh 1

Nghi lễ “Linh tinh tình phộc” trong lễ hội Trò Trám. (Ảnh chụp lại từ tư liệu của cụ Chữ Đức Bách)

Móm mém nhai trầu, cụ Bùi Thị Ngân (80 tuổi), khu 8, xã Tứ Xã, rất đỗi tự hào về quê mình. Cụ Ngân khoe, Tứ Xã là làng thuần nông nhưng trù phú, sinh ra nhiều người tài. Người tài được cụ kể ra như ông Nguyễn Quang Thành là thần đồng, tự học mà đỗ tiến sỹ vào năm 1680, thời nhà Lê. Nhân vật không đỗ cao nhưng nổi tiếng nhất làng Tứ Xã chính là ông Tổng Cóc - chồng của nữ sĩ Hồ Xuân Hương (người mới được UNESCO vinh danh là danh nhân văn hóa năm 2022). Dù chuyện của nữ sĩ tài hoa với ông Tổng Cóc đã tốn rất nhiều giấy bút, khai thác đủ ba bề bốn bên nhưng cụ Ngân và nhiều cụ khác trong làng bức xúc vì người ta nghĩ xấu về ông Tổng Cóc. Các cụ nói, ông Tổng Cóc là hậu duệ của tiến sĩ Nguyễn Quang Thành, gia đình khá giả, học hành, thơ phú đủ cả. Tên “Cóc” rất xấu của ông chỉ là tên bố mẹ đặt cho lúc nhỏ để tránh ma quỷ quấy phá. Ngặt nỗi, “Bà Chúa thơ Nôm” làm bài thơ “Khóc Tổng Cóc” nổi tiếng quá nên người ta quen gọi là “Tổng Cóc”, nghĩ ông là người xấu, trọc phú. Nhà ở của Tổng Cóc vẫn còn đến những năm gần đây, nhưng đau xót, mới đây bị dỡ đi, bán mất rồi.

Đến thăm đình Tứ Xã vừa được trùng tu, chúng tôi gặp thủ từ Nguyễn Ngọc Tăng, là một giáo viên nghỉ hưu. Ông Tăng nói đi nói lại làng Tứ Xã này được hình thành từ thời Hùng Vương nhưng chúng tôi vẫn bán tín bán nghi. Thế rồi, chúng tôi giật mình khi ông Tăng nói, di chỉ khảo cổ Gò Mun - minh chứng của thời Văn Lang - Âu Lạc ở chính Tứ Xã này chứ không phải ở đâu khác.

Ngoài lễ hội Trò Trám, Tứ Xã có ngôn ngữ “độc nhất vô nhị”. Cụ Bùi Thị Ngân cho biết, ngôn ngữ của Tứ Xã khác hẳn với các làng xung quanh theo hướng các từ đều bị phát âm nhòe, bẹt đi. Cụ thể, các âm mang dấu hỏi phần lớn đều phát âm thành dấu ngã. Các âm mang dấu ngã phát âm giữa dấu nặng và dấu hỏi. Giả dụ, từ “con đỉa” sẽ được phát ra nặng hơn và lơ lớ thành “con đĩa”; “con chó” thành “con chóe”...

Tôi ra ngay khu vực đó. Đấy là một khu đất thoai thoải, có tấm biển “Di tích khảo cổ Gò Mun - xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia” với một hố khai quật rộng chừng 3m, dài khoảng 6m được xây, quây kính, mái lợp tôn chắc chắn. Tài liệu ghi lại cho thấy, di tích khảo cổ Gò Mun có hàng vạn đồ đá, đồ đồng, đồ xương, đồ gốm thuộc nền văn hóa thời đại đồng thau có niên đại cách ngày nay 2.300 - 3.000 năm, tương ứng với thời kỳ Hùng Vương dựng nước. Rời Gò Mun, chúng tôi vẫn sững sờ về sự quy tụ đậm đặc của các chỉ dấu văn hóa, cho dù, chúng tôi chưa đi đến một nơi rất đặc biệt của Tứ Xã là… miếu Trò Trám.

Sông Hồng ký sự - kỳ 5: Ghé làng của Tổng Cóc xem Linh tinh tình phộc ảnh 2

Miếu Trám - nơi diễn ra nghi lễ “Linh tinh tình phộc”

Mật lễ “Linh tinh tình phộc”

Miếu Trò Trám chỉ cách đình Tứ Xã 300m. Trám là cây trám, là rừng trám bao quanh đền trước đây; còn Trò có thể là trò chơi, là lễ hội. Ông Chữ Đức Bách, người trông miếu cho hay, lễ hội Trò Trám diễn ra quanh không gian miếu này đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Miếu không thờ thần, thờ người mà thờ sinh thực khí của nam và nữ, gọi là “nõ” và “nường”.

Theo ông Bách, thời Việt cổ, dân chúng sinh sống rải rác ở các gò, đồi ven sông Hồng. Đến mùa lũ, nước sông Hồng lên, cuốn hết mùa màng của người dân. Tương truyền, khi đó, một người là Ngô Quang Điện về cai quản vùng đất này muốn lôi kéo dân lên vùng cao lập ấp. Con gái ông là bà Ngô Thị Thanh lại muốn mọi người ở lại nên đã truyền dạy cho dân nghề trồng dâu, nuôi tằm, bắt tôm cá để sinh sống. Để động viên mọi người phấn khởi hăng say lao động sản xuất, thu nhiều của cải, cứ vào dịp mùa xuân, bà Thanh lại cùng nhân dân trong làng mở hội và đó chính là lễ hội Trò Trám ngày nay.

Lễ hội Trò Trám bắt đầu từ tối 11 âm lịch với các nghi thức cúng bái. Đúng 0 giờ ngày 12 - vào thời khắc giao hòa giữa ngày cũ và ngày mới, giữa trời và đất diễn ra “mật lễ” có tên là “Linh tinh tình phộc”. Lúc đó, đèn, nến trong và ngoài miếu đều tắt. Cụ chủ tế hô to: “linh tinh tình… phộc”. Đến chữ “phộc” thì người nam cởi trần, đóng khố cầm nõ; nữ mặc váy, đeo yếm đào cầm nường tiến lên phía trước để “phộc” vào nhau ba lần. “Nếu cả ba lần đâm trúng, đều kêu đánh cạch thì năm đó mùa màng tươi tốt, bội thu; hai lần được mùa; một lần là làm ăn kém. Nếu không trúng lần nào thì dân làng lo lắng lắm”, ông Bách nói.

Ông Bách cho biết, Trò Trám lưu truyền từ xa xưa đến năm 1948 thì bị đứt đoạn vì chiến tranh. Lúc ấy, miếu Trò Trám bị hỏng nặng, sân miếu thành sân hợp tác xã; linh vật và những gì còn lại được cất trong kho, nằm phủ bụi. Rồi năm 1971, đê sông Hồng bị vỡ, Tứ Xã bị ngập trong biển nước và những thứ còn lại của miếu Trò Trám cũng bị cuốn trôi. Mãi tới năm 1993, miếu được phục dựng lại cùng cả phần lễ, phần hội.

Thực ra, tục thờ nõ - nường hay mật lễ “Linh tinh tình phộc” là biểu hiện cụ thể của đặc trưng văn hóa phồn thực của cư dân trồng lúa nước, trước hết là vùng ven sông Hồng. Điều đó đã được khẳng định trong các giáo trình về văn hóa Việt Nam. Như thế, các tục thờ nõ - nường, lễ hội mang tính phồn thực phải có ở rất nhiều làng Việt nhưng bị mai một dần và Tứ Xã là một trong những làng cổ độc đáo, hiếm hoi còn lưu giữ lại được.

Chia tay chúng tôi, ông Bách thú thực, để giữ được nguyên bản lễ hội là điều khó. Trước đây, các cụ luôn chọn đôi nam nữ thực hiện nghi lễ phải là trai chưa vợ, gái chưa chồng, tuổi vừa trăng tròn, con gia đình gương mẫu. Nhưng ngày nay, các cháu trẻ tuổi ngại không tham gia, nên phải chọn cặp vợ chồng có đạo đức, gia đình hạnh phúc, gương mẫu. Sáu năm nay, vợ chồng anh Chữ Đức Chiến và chị Bùi Thị Thanh Huyền đều được chọn. Anh Chiến chia sẻ: “Đây là vinh dự, niềm tự hào của của vợ chồng tôi. Mỗi năm được thực hiện nghi lễ, gia đình tôi sống yên ấm, hạnh phúc, làm ăn thuận lợi, con cái ngoan, học tốt”.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.