Chuyện ở Lũng Pô
Từ Trung Quốc, sông Hồng chạm vào nước ta tại thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, Bát Xát, Lào Cai. Từ điểm này đến thành phố (TP) Lào Cai, sông chảy ven cương vực, trở thành biên giới tự nhiên giữa ta và Trung Quốc. Đến TP Lào Cai, sông mới chính thức chảy vào lòng đất Việt. Vậy nên, điểm đầu tiên trong hành trình khám phá sông Hồng của chúng tôi chính là Lũng Pô.
Vừa đạp chân chống chiếc xe máy xuống sân Tổ công tác Biên phòng Lũng Pô, Thượng tá Nguyễn Văn Sơn (Đồn trưởng Đồn Biên phòng A Mú Sung, Bộ đội Biên phòng Lào Cai), cùng ông Vàng Duẩn Phú, nguyên Bí thư Đảng ủy xã A Mú Sung đã đợi sẵn. Tản bộ trong khuôn viên Cột cờ Lũng Pô, Thượng tá Sơn chia sẻ, đây là nơi in đậm những dấu mốc lịch sử hào hùng, nơi những người lính biên phòng chiến đấu kiên cường và ngã xuống để bảo vệ biên cương. Để tưởng nhớ sự hy sinh của những người lính nơi biên ải và khẳng định chủ quyền của Tổ quốc, Tỉnh Đoàn Lào Cai đã huy động nguồn lực xã hội xây dựng “Cột cờ Lũng Pô - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” tại vị trí cột mốc biên giới số 92.
Cột cờ Lũng Pô - nơi con sông Hồng chạm vào đất Việt, cạnh đó là nơi hợp dòng của suối Lũng Pô và sông Hồng |
Chúng tôi leo 125 bậc thang hình xoắn ốc lên đỉnh cột cờ cao 31,43m - tượng trưng cho đỉnh Fansipan cao 3.143m để ngắm toàn cảnh. Trước mắt là ngã ba sông. Một bên là suối Lũng Pô gắn liền với địa danh này. Một bên chính là sông Hồng - con sông từ đây đã đến và trở thành một phần không thể thiếu của dân tộc ta.
Về Lũng Pô, ông Phú chia sẻ, theo tiếng Mông, Lũng Pô là “đầu rồng”. Suối Lũng Pô uốn quanh một quả đồi trước khi gặp sông Hồng và quả đồi đó cũng được gọi là “đồi Đầu rồng”. “Vì thế, từ xa xưa, các cụ ví sông Hồng như được phun ra từ miệng con rồng. Qua triệu triệu năm miệt mài phun chảy, sông bồi đắp phù sa cho ruộng đồng trù phú”, ông Phú cho hay.
Nhưng giờ đây sông Hồng chẳng còn “cuộn đỏ mãi không thôi” như chính cái tên của nó nữa. Trước mắt chúng tôi, dòng sông có màu trắng đục. Sông chỉ phơn phớt hồng khi có lũ về; mùa đông, nhiều đoạn trơ đáy, lỗ chỗ những cồn cát, bãi đá cuội với nước trong vắt. Theo ông Phú, việc sông đổi màu bắt đầu khoảng 15 năm nay khi phía Trung Quốc xây một số đập thủy điện, ngăn mất phù sa. Tra cứu thông tin chính thống và xem trên bản đồ google cũng cho thấy, cách Lũng Pô chỉ khoảng 45km, Trung Quốc đang vận hành một nhà máy thủy điện cỡ lớn có tên là Mã Đổ Sơn.
Chia tay ông Phú và anh Sơn, chúng tôi xuôi theo tỉnh lộ 158 của tỉnh Lào Cai. Đây là tuyến đường kẹp sát sàn sạt sông Hồng. Nhiều đoạn sông đã trơ đáy. Chúng tôi dừng ở xã Trịnh Tường nơi từng là đoạn sông “tử thần”, có dòng nước chảy xiết như thác gắn liền với “kỳ tích Thác Tây”.
Bộ đội biên phòng và nhân dân tuần tra bên bờ sông Hồng - cũng là biên giới Việt - Trung |
Ông Nguyễn Ngọc Lang (73 tuổi), nguyên Bí thư Đảng ủy xã Trịnh Tường cho biết: Trong lịch sử Đảng bộ xã còn ghi, vào những năm đầu thế kỷ 20, đường bộ đi lại khó khăn, quân Pháp chủ yếu vận chuyển quân lương, vũ khí tiếp tế cho đồn Lũng Pô bằng đường thủy. Lợi dụng địa thế hiểm trở, dân quân, du kích xã Trịnh Tường đã phục kích, đánh đắm một đoàn tàu chiến của Pháp, giết tên quan hai chỉ huy đoàn tàu. Từ đó, người dân gọi đây là “Thác Tây”.
Nằm cạnh Thác Tây là đền Mẫu, nơi thờ Thánh Mẫu Thượng Ngàn, là di tích lịch sử văn hóa gắn liền với đời sống tâm linh của người dân Bát Xát. Như được ai đó sắp đặt từ trước, trong chuyến đi, chúng tôi may mắn gặp Tiến sĩ Trần Hữu Sơn (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai) - người nắm rất kỹ và yêu thích văn hoá Lào Cai đang có cuộc điền dã. Nói về đền Mẫu Trịnh Tường, ông Sơn cho biết, từ đầu thế kỷ 20, người Kinh lên Trịnh Tường làm ăn rồi xây dựng đền này. Theo ông Sơn, người Kinh có truyền thống đi đến đâu, xây dựng đền và thờ thánh Mẫu ở đó. Thời điểm người Kinh lên Lào Cai muộn nhất được biết đến vào khoảng thời Hậu Lê, khi Lào Cai còn gọi là châu Thủy Vĩ, phủ Quy Hóa, trung tâm của tỉnh Hưng Hóa. Ở thời hiện đại, người Kinh lên đông nhất là thời kỳ xây dựng đường sắt Điền Việt (xin nói chi tiết về công trình này ở phần sau)
Dấu tích thương cảng
Rời Trịnh Tường, chúng tôi tiếp tục men theo con sông Hồng về TP Lào Cai. Sông Hồng chảy về thành phố (thuộc địa phận phường Lào Cai) thì gặp sông Nậm Thi (cũng là con sông chạy dọc biên giới Việt - Trung). Ngay tại điểm gặp nhau, hai con sông hoà quyện, chính thức đi vào lãnh thổ Việt Nam.
Tại ngã 3 sông này, từ thời phong kiến, cha ông ta đã dựng lên những cột mốc tâm linh như: Đền thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh; Đền thờ Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương - Trần Quốc Tuấn. Đây cũng là nơi buôn bán sầm uất, tiền thân của thành phố Lào Cai ngày nay. Tiến sĩ Trần Hữu Sơn chia sẻ, sông Hồng đoạn Lũng Pô đến TP Lào Cai từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ 9 (lúc đó nhà Đường đô hộ nước ta) luôn có thuyền bè xuôi ngược, giao thương tấp nập. Ngã ba sông Hồng và sông Nậm Thi vào đầu thế kỷ 16 đến 19 là cửa khẩu lớn, phồn hoa đô hội. Ông Sơn chỉ cho chúng tôi đoạn thành cổ Lưu Vĩnh Phúc (một nhân vật lịch sử đặc biệt, gốc Trung Quốc gắn liền với mảnh đất Lào Cai vào cuối thế kỷ 19) phía sau đền thờ Mẫu Liễu Hạnh, chạy từ cửa khẩu Lào Cai đến cầu Cốc Lếu để chứng minh rằng, Lào Cai vốn là một đô thị lớn, trù phú ven sông Hồng.
Ngoài ra, các tài liệu chúng tôi đọc được cũng có một cách lý giải về dấu tích đô thị ở đây khá lô gíc: Danh xưng Lào Cai xuất phát từ “Lão Nhai”, theo tiếng Hán là “phố cũ”; người ta đọc chệch dần, rồi người Pháp ghi là Lao Cai, Lao Kay mà thành ra Lào Cai như hiện nay.
Sông Hồng có rất nhiều tên gọi khác nhau như sông Hồng Hà, Nhị Hà, Nhĩ Hà, sông Thao, sông Cái…, dài là 1.149 km, bắt nguồn từ núi Ngụy Sơn (Vân Nam, Trung Quốc), chảy qua 9 tỉnh (Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định) rồi đổ ra biển Đông.
Cũng theo tiến sĩ Sơn, thời cận hiện đại, giao thương giữa Vân Nam (Trung Quốc) với Việt Nam trên sông Hồng rất sôi động. Có thời điểm, 90% lượng hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài của vùng Vân Nam đều đi qua cửa khẩu Lào Cai trên sông Hồng cho đến khi có tuyến đường sắt Điền Việt.
Điền Việt là tuyến đường sắt do người Pháp xây dựng. Việt là đoạn chạy trên đất Việt Nam từ Hải Phòng về Hà Nội rồi lên Lào Cai; Điền là phần chạy trên đất Trung Quốc, từ Lào Cai đi Côn Minh. Cả hai đoạn hiện vẫn đang sử dụng. Các nhà nghiên cứu về giao thông trên thế giới đã tổng kết: Đường sắt Điền Việt cùng kênh đào Panama, kênh đào Suez được liệt vào danh sách ba công trình khó khăn, tốn kém nhất trong lịch sử nhân loại.
Sau đường sắt Điền Việt, lại có thêm đường bộ. Gần đây, chúng ta đã xây được cao tốc từ Hà Nội đến Lào Cai. Vì thế, chức năng vận tải của sông Hồng giảm đi. Tuy nhiên, chuyện của sông Hồng chưa bao giờ chỉ là vận tải đường sông…
(Còn nữa)