Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt

Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt
TP - Nắng bừng lên. Cảnh vật đẹp như một bức tranh. Chúng tôi chợt nghe mấy anh bộ đội biên phòng trẻ măng của Đồn Biên phòng A Mú Sung (Lào Cai) sau phiên tuần tra, se sẽ hát Anh ở biên cương, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt mà thấy xao lòng ...

Sông Hồng đang mùa cạn. Nước từ thượng nguồn chảy êm đềm, Những bước chân tuần tra của các chiến sỹ biên phòng bên bờ sông lao xao trên đá sỏi. Trời biên cương xanh ngăn ngắt. Mấy chú chó ở Trạm Biên phòng Lũng Pô sủa vang. Chúng tôi nghe kể: Ngày đầu, khi bên kia biên giới lắp camera giám sát đỏ lòm mỗi đêm, mấy chú chó cảnh giác sủa liên hồi.

 Bên cột mốc biên cương
Bên cột mốc biên cương.

Trung tá Phạm Thanh Sơn, Đồn trưởng Biên Phòng A Mú Sung mới lên đây công tác nhưng thuộc địa bàn như lòng bàn tay.

Anh cùng các chiến sĩ luôn bám sát địa bàn, xử lý kịp thời mọi tình huống. Đường từ Lào Cai lên Lũng Pô cảnh đẹp mê ly. Hai bên bờ sông Hồng, những đồi chuối trĩu quả, xanh mướt. Một cậu bé cưỡi trâu tay cầm điện thoại di động đang nhắn tin cho bạn.

Ngay tại nơi sông Hồng chảy về đất Việt, UBND huyện Bát Xát cho dựng một tấm bia và trồng xen cây đa búp đỏ.

Những ngày cuối năm, một đơn vị xây dựng đang hối hả thi công con đường lát gạch chạy ven đầu nguồn sông Hồng. Nơi đây hứa hẹn một điểm đến hấp dẫn trong tương lai.

Chiều biên giới
Chiều biên giới.
Nụ cười sơn cước
Nụ cười sơn cước.

Chắc chắn không lâu nữa, sẽ có nhiều bạn trẻ đến đây để ngắm sông Hồng, ngắm cột mốc số 92 thiêng liêng, khẳng định chủ quyền Tổ quốc, chụp những bức ảnh đẹp về dòng sông, về đất và người nơi biên cương, sưu tầm những viên sỏi thật đẹp bên sông làm kỷ niệm.

Chúng tôi bắt gặp một chiến sĩ trẻ sau phiên tuần tra, vừa đi nhặt những viên sỏi thạch anh để dành về tặng người yêu, vừa hát ca khúc Gửi em ở cuối sông Hồng (Thơ: Dương Soái, nhạc: Thuận Yến) qua điện thoại di động.

Con đường ven sông đang hình thành
Con đường ven sông đang hình thành.

Trước đây, tại ngã ba sông này, sông Hồng từ bên kia biên giới đổ về luôn ngầu sắc đỏ, nước suối Lũng Pô xanh ngắt.

Nay, thượng nguồn sông Hồng chỉ còn màu nước lờ nhờ. Nghe nói, bên kia biên giới đã mọc lên nhiều thủy điện nên sông Hồng vào đất Việt không còn lắm phù sa.

 Mầm xuân ở Lũng Pô
Mầm xuân ở Lũng Pô.

Nhưng, nhờ sự cần cù lao động, con cháu người Dao, người Mông sống bên sông Hồng đã biết làm giàu bằng cách trồng thảo quả; trồng ngô, trồng dứa, trồng chuối để đuổi cái nghèo cái đói đi, mang no ấm về bản.

Trước Trạm Biên phòng Lũng Pô, mấy khóm dã quỳ vàng tươi lấp ló. Những thiếu nữ Mông xúng xính váy áo đỏ thắm sắc xuân đang trên đường xuống chợ.

Đình Thắng- Trung Hiền- Hồng Vĩnh- Trung Dũng
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG