Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt

Uy nghi cột cờ Lũng Pô giữa đất trời biên giới. Ảnh: Tùng Duy
Uy nghi cột cờ Lũng Pô giữa đất trời biên giới. Ảnh: Tùng Duy
TP - Nơi địa đầu Tổ quốc có con sông Hồng chảy vào đất Việt, trào dâng cảm xúc với bất kỳ ai khi đặt chân đến mảnh đất thiêng liêng này - Thượng ngàn Lũng Pô.

Phượt thủ rong ruổi trên những cung đường Tây Bắc sẽ không bao giờ bỏ qua điểm đến Lũng Pô. Nó không chỉ hấp dẫn vì chốn thượng du Lào Cai có núi rừng biên giới đẹp tựa họa đồ hay giàu bản sắc văn hóa, mà vì có mảnh đất anh hùng đứng chân ở nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt.

Đất thiêng

Cuộc chiến khốc liệt năm 1979 đã tạc dáng hình, cương vực, lãnh thổ vào đất này bằng máu. Đồn biên phòng A Mú Sung đóng tại bản Lũng Pô có con suối cùng tên, đã bị xóa sổ sau hai giờ đồng hồ cầm cự bảo vệ biên ải Tổ quốc sáng sớm 17/2/1979 khi hàng trăm quân lính phía bên kia biên giới tràn qua con suối. Cản chậm lại bước xâm lăng, toàn bộ 25 chiến sỹ biên phòng ngã xuống, đủ thời gian cho dân lành kịp lui về nơi trú ẩn bí mật. Lũng Pô trở thành “bản trắng” hoang tàn. Con suối trong vắt Lũng Pô loang đỏ máu hòa vào Hồng giang ngay tại ngã ba thiêng thủy mà nó chạm vào đất Việt. Địa đầu Lũng Pô vẫn là mảnh đất chịu nhiều đau thương nhất khi vươn mình giành đón pháo đạn và biến thành chảo lửa trấn ải toàn vùng.

Có lẽ cựu phóng viên chiến trường Nguyễn Soái của Đài phát thanh Hoàng Liên khi có mặt ở Bát Xát những ngày lịch sử ấy, thấm đẫm cái đau thương và sức sống Việt giữa đạn pháo quân thù, bật ứa lên bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng”, nói lên tình cảm tiền tuyến và hậu phương, có tâm hồn của người lính biên phòng gửi về cô gái vùng hạ lưu xuôi phía cửa biển. Tác giả chẳng hề biết rằng nó trở thành bản tình ca nổi tiếng nhất sau khi được nhạc sỹ Thuận Yến phổ nhạc. Bài hát như còn thêm một lần xác lập chủ quyền đất Việt. Những thế hệ 7x, 8x, 9x dẫu chưa từng vượt trùng xa lên với thượng ngàn Lũng Pô, vẫn thấy xúc động như đã từng đi qua một cuộc chiến bảo vệ tuyến biên cương phía bắc Tổ quốc.

Biên giới đã bình yên hàng chục năm. Con đường từ thành phố Lào Cai chạy về huyện Bát Xát dọc theo sông Hồng rồi ngược lên xã A Mú Sung đến với bản Lũng Pô dài hơn 60km, giờ thành điểm đến của du khách và những phượt thủ trẻ. Ngô, khoai, sắn, chuối, dứa và những triền nương xanh ngát nối dài cung đường. Nhà tầng khang trang mới mọc lên, những mái nhà xưa của bản người Giáy, người Hà Nhì, người Mông thật đẹp lúc khói lam chiều tựa ven đồi như tranh vẽ. Dưới sông nước tấp nập thuyền hàng, trên bộ những công-ten-nơ đầy ắp nông sản chở qua biên giới, tất cả dựng lên một diện mạo giàu sức sống chốn thượng ngàn. Những cư dân người Mông di chuyển từ huyện Mường Khương đã có mặt tại Lũng Pô sinh sống, xây dựng khu kinh tế mở A Mú Sung được Thủ tướng phê chuẩn. Một thế trận của Lào Cai nhằm “sạc pin” cho nơi biên ải về kinh tế xã hội và thêm phần xác lập chủ quyền thiêng liêng. Cũng là địa chỉ mà tuổi trẻ Lào Cai đầu tư nhiều công sức tình nguyện xốc vác cho vùng đất khó. Từ đây thủ lĩnh Giàng Quốc Hưng - Bí thư Tỉnh đoàn Lào Cai cùng Ban thường vụ, hình thành ý tưởng xây dựng cột cờ Tổ quốc mang tên Lũng Pô.

Cột cờ chủ quyền

Huy động và hiệu triệu tuổi trẻ toàn tỉnh, tháng 11/2016 “Công trình Thanh niên cột cờ Lũng Pô” vạm vỡ phấp phới Quốc kỳ thắm đỏ bay lên ngay tại mỏm đất thượng du cạnh ngã ba sông biên giới với nguồn lực đầu tư 17 tỷ đồng. Đích thân Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh là người tiếp sức cùng Tỉnh đoàn kêu gọi nguồn lực và hỗ trợ phê trình pháp lý vì ý nghĩa lớn lao của nó. Sự đồng thuận của một loạt bộ, ngành, cột cờ Lũng Pô khởi công ngày 26/3/2016 giữa trùng xa sơn cước hùng vĩ sẽ vươn lên trời xanh biên giới để trở thành niềm tự hào đất Việt khi bất kỳ ai lên đây chiêm ngưỡng và trào dâng tình cảm đặc biệt khi nhìn về phía Tổ quốc. Cao 41m, phần thân 31,43m liên quan chiều cao 3.143m của đỉnh Fansipan - nóc nhà Đông Dương, diện tích 25m2 tượng trưng cho 25 dân tộc anh em sinh sống trên đất Lào Cai. Khó mô tả hết cảm xúc khi du khách ngắm nhành đào xuân biên giới Lũng Pô ven dòng Hồng ngầu đỏ, thấy từng thân cây, ngọn cỏ và mỗi mét vuông đất có máu của bao người vì cương thổ thiêng liêng.

Lễ thượng cờ sẽ được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh Lào Cai, và Quốc kỳ có gắn chữ ký của lính đảo Trường Sa - anh Giàng Quốc Hưng nói với Tiền Phong về chuyến thăm đảo mới đây mà anh đã chủ động ý tưởng về một lá cờ giàu ý nghĩa hơn, sẽ như kết nối biên giới ra hải đảo, từ mặt biển cực đông Tổ quốc lên đỉnh Fansipan…

Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt ảnh 1

Các chiến sĩ biên phòng và đồng bào các dân tộc dưới chân Lũng Pô

Lũng Pô tiếng địa phương gọi là Long Pò, tên con suối được dịch nghĩa là Rồng Cha, uốn dài từ dải Hoàng Liên trùng điệp, mang con nước phun hòa vào sông Hồng. Phong thủy chốn phên dậu Tổ quốc góp phần định dạng giang sơn Việt. Ngay sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất năm 1975, tầm nhìn lo toan cho đất đai bờ cõi cha ông để lại, Đảng và Nhà nước ta đã sớm lập nên đồn Biên phòng A Mú Sung canh giữ cột mốc. Mỗi người lính cắm bản, mỗi người dân biên ải, dường như đã từ lâu ở đất này trở thành cột mốc sống bảo vệ biên cương. Thuở giặc Pháp ngược sông lên cai trị đất này đã từng bị du kích người Dao, người Mông phục kích đánh thua tơi bời. Đất có thổ công. Cột cờ Tổ quốc dựng lên nơi đây cũng là hành động tri ân xương máu quân và dân từng đổ xuống vì từng tấc đất của cha ông.

Lễ thượng cờ sẽ được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh Lào Cai, và Quốc kỳ có gắn chữ ký của lính đảo Trường Sa – anh Giàng Quốc Hưng nói với Tiền Phong về chuyến thăm đảo mới đây mà anh đã chủ động ý tưởng về một lá cờ giàu ý nghĩa hơn, sẽ như kết nối biên giới ra hải đảo, từ mặt biển cực đông Tổ quốc lên đỉnh Fansipan…

MỚI - NÓNG