Lính biên phòng giắt bánh chưng đi tuần tra biên giới

Lính biên phòng giắt bánh chưng đi tuần tra biên giới
TPO - Không hoa đào hay thịt mỡ dưa hành, những chiến sỹ thực hiện nhiệm vụ tuần tra biên giới đồn A Pa Chải, xã Sín Thầu (Mường Nhé, Điện Biên) chỉ giắt theo chiếc bánh chưng, chút thịt gác bếp vào rừng đón Tết để bảo vệ sự bình yên cho nhân dân, giữ vững chủ quyền biên giới tổ quốc.

Dịp Tết đến xuân về, trong khi người dân khắp mọi miền nhộn nhịp sửa sang nhà cửa, mua cành đào cây quất đón năm mới thì những chiến sỹ biên phòng ở cực Tây tổ quốc lại âm thầm, lặng lẽ tuần tra dọc ngã ba biên giới Việt – Trung – Lào. Với họ, việc đảm bảo an ninh biên cương tổ quốc, giữ bình yên cho dân bản ngày xuân là Tết ấm no trọn vẹn.

Ăn Tết ở rừng

Đồn biên phòng A Pa Chải nằm ở trung tâm xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, cách TP Điện Biên 260 km về phía Tây Bắc. Từ trung tâm thành phố, phải mất một ngày trên xe khách leo đèo, tôi mới đến được đồn A Pa Chải khi trời đã về đêm. Thức giấc sau chuyến đường dài, trời hửng nắng xua tan sương mờ cũng là lúc đồn biên phòng ở cực Tây hiển hiện trước mắt như bông hoa giữa những cánh rừng già. Đối diện cổng đồn xa xa, dãy núi Khoang La San sừng sững, xanh mượt, nơi trên đỉnh có cột một số 0 – ngã ba biên giới Việt – Trung – Lào. Dọc con đường độc đạo xuyên bản, thấp thoáng những đôi trai gái má đỏ hây hây xúng xính áo váy, nắm tay nhau trên đường về sau bữa cơm ngày tết của bà con dân tộc Hà Nhì.

Trên đường từ đồn A Pa Chải lên chợ vùng biên giáp ranh biên giới Việt – Trung, từng tốp từng tốp người bản địa lững thững gùi dây mây, củ mài, thịt thú rừng đi bán lấy tiền mua sắm Tết. Tới trạm gác, họ lơ lớ tiếng phổ thông khiến một chiến sỹ trẻ làm thủ tục xuất cảnh lúng túng, xử lý không xuể phải nhờ cán bộ chỉ huy hướng dẫn thay. Thấy vậy, đại uý Trần Bá Liêm – trạm trưởng trạm biên phòng A Pa Chải bảo, phải ở đồn vài năm mới có thể giao tiếp, hướng dẫn thủ tục cho bà con trôi chảy. Tân binh 1-2 năm chưa hiểu tiếng dân tộc nhưng do lực lượng mỏng nên vẫn phải tăng cường hỗ trợ phục vụ bà con dịp cuối năm. Ở huyện Mường Nhé, cứ 12/12 (dương lịch), gia đình người Hà Nhì nào có lợn thì thịt lợn, nhà điều kiện hơn thì mổ trâu. Họ mời tất cả anh em họ hàng và những người thân quý tới nhà riêng quây quần bên mâm cỗ uống rượu và chúc nhau sức khoẻ, mùa màng tốt tươi. Đây cũng là dịp để chiến sỹ biên phòng và bà con dân bản thắt chặt tình dân quân thắm thiết hơn.

Đứng giữa những gian hàng chợ biên giới, sĩ quan 33 tuổi chỉ cho tôi vị trí cột mốc số 2 mà rằng, mỗi năm Đồn biên phòng A Pa Chải thực hiện công tác tuần tra song phương với biên phòng huyện Giang Thành (TP Phổ Nhĩ, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) 6 lần. Mỗi chuyến tuần tra, các chiến sỹ hai bên kiểm tra tính toàn vẹn của 19,5km đường biên, 8 cột mốc đồng thời phát hiện xử lý những người vượt biên trái phép, buôn bán hàng lậu, hàng cấm. Tuần tra 3 bên Việt – Trung – Lào được thực hiện mỗi năm 3 lần tại cột mốc số 0, ngã ba biên giới. Đặc biệt dịp cuối năm, chiến sỹ biên phòng trực 24/24 và gần như không đón Tết.

Nhắc tới Tết, sĩ quan quê gốc ở huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) đăm đăm nhìn đường biên giới hồi lâu rồi lôi chiếc điện thoại trong túi gọi về nhà. Tuy nhiên, cô con gái út gần 3 tuổi dường như không nhận ra bố. Anh vẫn nhẹ nhàng gọi tên con nhiều lần và không quên cười tươi nhưng con gái đã chuyển điện thoại cho mẹ. “Gần 6 năm nhận nhiệm vụ chỉ huy trạm biên phòng A Pa Chải, tôi mới được đón Tết ở nhà 2 lần. Thậm chí nhiều lần về ôm hôn và tặng quà nhưng con gái chạy đi”, anh nói.

Từng học chuyên ngành tiếng Trung ở Học viện khoa học quân sự và văn bằng hai Học viện Biên phòng do đó, ngoài nhiệm vụ chỉ huy trạm biên phòng khu vực chợ vùng biên, đại uý Liêm cũng đảm nhiệm vai trò người phiên dịch mỗi khi có toạ đàm, tuần tra song phương với biên phòng huyện Giang Thành. Ai cũng muốn về thăm vợ con, thăm gia đình nhưng trọng trách không thể thay thế trong điều kiện hiện tại nên anh thường ưu tiên cán bộ, chiến sỹ khác về phép trước. Tuy nhiên, vất vả nhất vẫn là chiến sỹ thuộc lực lượng vũ trang tuần tra biên giới.

Những ngày cận Tết hay đêm giao thừa, đồn biên phòng tăng cường tuần tra trên địa bàn để đảm bảo an ninh trật tự, giữ vững biên cương cho bà con dân bản đón Tết trọn vẹn. Trong đó, những tổ vũ trang phải đi tuần 5-7 ngày đêm trong rừng dọc biên giới. “Ngoài súng, họ chỉ giắt theo chiếc bánh chưng, chút thịt gác bếp, gạo và nước để ăn dọc đường. Khi hết lương khô chiến sỹ hái rau rừng, bắt ếch suối làm thức ăn thay thịt mỡ dưa hành ngày Tết”, anh nói.

Hậu phương vững chắc

Trở về phòng trực ở trạm gác rộng hơn 20m2 sau khi dẫn tôi lên chợ, nhiều người bản địa vẫn đang xếp hàng chờ làm thủ tục xuất cảnh, đại uý Liêm lao vào hỗ trợ chiến sỹ xử lý. 

Rót ly trà mời khách, chỉ huy trạm thở phào nhẹ nhõm sau khi hoàn tất công việc khi đã quá trưa. Anh kể dù làm việc ở nơi cực Tây của tổ quốc, thiếu thốn đủ thứ nhưng luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ nhờ sự động viên, hậu thuẫn âm thầm của vợ. Gần 10 năm trước, anh được cử lên Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Điện Biên công tác, sau đó cưới một nữ kế toán.

Hai lần về đón Tết ở quê, ngày nào vợ chồng thâu đêm suốt sáng tâm tình, kể đủ thứ chuyện từ công việc, gia đình và các con.“Điều may mắn nhất với tôi là có được người vợ thấu hiểu, chia sẻ, động viên cho người lính luôn đi biền biệt suốt năm, suốt tháng như tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, đơn vị giao phó”, anh nghẹn ngào chia sẻ.

Còn Chính trị viên phó đồn A Pa Chải thiếu tá Hoàng Kim Thành tâm sự, với người lính biên phòng, việc giữ vững biên cương tổ quốc, sự bình yên cho dân bản đón năm mới là cái Tết ấm no, hạnh phúc nhất. Bên mâm cơm chiều, vị chỉ huy 42 tuổirưng rưng khi được hỏi chiến sỹ nơi đây đón Tết thế nào? Anh kể, hơn 20 năm là lính biên phòng, số lần về đón Tết với gia đình chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trước đây, giao thông khó khăn, nhiều năm không được về quê đón Tết chính người vợ lại bắt xe ngược gần 700-800km lên bản mang không khí xuân lên thăm, ăn Tết cùng.

Thượng tá Vũ Đình Bính – Chính trị viên đồn biên phòng A Pa Chải cho biết, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ 2 tuyến biên giới Việt – Trung và Việt – Lào với tổng dài 37,5km và 15 cột mốc. Năm qua, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn huyện Mường Nhé vẫn còn phức tạp; đời sống đồng bào dân tộc ở khu vực biên giới tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trong đó tỷ lệ hộ nghèo vẫn hơn 60%. Vào dịp Tết Nguyên đán, 70% quân số cán bộ chiến sỹ luân phiên trực. Tuy nhiên đơn vị luôn tạo điều kiện nghỉ luân phiên trước hoặc sau dịp Tết Nguyên đán cho cán bộ chiến sỹ sum vầy bên gia đình.

Năm 2016, ngoài đảm bảo an ninh Tết Hà Nhì, Tết Nguyên đán và các sự kiên chính trị của đất nước, địa phương đơn vị tổ chức tập luyện kế hoạch chiến đấu bảo vệ đồn trạm 18 lần, phòng chống cháy rừng 2 lần; Tuần tra song phương 8 lần gồm cả với Lào và Trung Quốc; Tuần tra đơn phương 24 lần và làm thủ tục xuất nhập cảnh cho 1.814 lượt người (trong đó, xuất cảnh vượt biên giới 916 người, nhập cảnh vượt biên giới 898 lượt người). Ngày 30/3/2016, Đồn biên phòng A Pa Chải tham gia kết nghĩa với đội biên phòng 111 Nhọt U, Phong Sa Lỳ - Lào tại Đồn cửa khẩu quốc tế Tây Trang.Trước đó, năm 2012, đơn vị kết nghĩa với Đại đội Công an biên phòng huyện Giang Thành; năm 2014 đơn vị kết nối xã Sín Thầu, xã Sen Thượng kết nghĩa với thị trấn Khúc Thuỷ (huyện Giang Thành, TP Phổ Nhĩ, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc).

Lính biên phòng giắt bánh chưng đi tuần tra biên giới ảnh 1
Lính biên phòng giắt bánh chưng đi tuần tra biên giới ảnh 2

Lính biên phòng Việt Nam và Trung Quốc trong một buổi tuần tra song phương biên giới. Ảnh: BPĐB.

Lính biên phòng giắt bánh chưng đi tuần tra biên giới ảnh 3

Hội nghị toạ đảm triển khai các biện pháp bảo vệ biên giới song phương giữa Đồn biên phòng A Pa Chải Đồn biên phòng Giang Thành năm 2016. Ảnh: BĐBP Điện Biên.

Lính biên phòng giắt bánh chưng đi tuần tra biên giới ảnh 4

Đại uý Trần Bá Liêm, trạm trưởng trạm biên phòng A Pa Chải. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

MỚI - NÓNG
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
TPO - Tại tòa, bị cáo thuộc đơn vị tư vấn khai quá trình thi công cho đến trước ngày diễn ra sạt trượt, đơn vị tư vấn không nhận được bất cứ phản ánh nào liên quan đến hồ sơ thiết kế. 'Nước ngầm' mà cáo trạng đề cập là do thấm từ trên xuống, lỗi này do đơn vị thi công sử dụng đất đắp không đạt yêu cầu.