Đầu tháng 3 năm 1979, khác với những cánh phóng viên bám theo các đơn vị chủ lực và bộ đội địa phương ngược về các tỉnh thuộc Mặt trận Biên giới phía Bắc từ trước đó, nhóm phóng viên chúng tôi được lệnh về Bát Xát, Lào Cai của Hoàng Liên Sơn (cũ), để viết về gương chiến đấu kiên cường của cán bộ công nhân Đoàn Địa chất 305 thuộc Liên Đoàn địa chất III đã bám trụ tại Mỏ đồng Sin Quyền nơi khởi đầu đoạn sông Hồng chảy vào đất Việt. Mặc dù lực lượng chênh lệch nhưng những tay súng tự vệ của người thợ địa chất đã đánh bật nhiều đợt tấn công của quân Trung Quốc bắt đầu từ mờ sáng 17/2/1979. Một trong những tay súng tự vệ ấy là Nguyễn Bá Lại, người sau này được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT.
Chuyến đi có được lựa chọn với chuẩn bị gì đâu chỉ là đăng ký xung phong đi của từng báo. Thế mà Tổng Cục địa chất đã nhanh chóng lựa được một nhóm phóng viên (PV) đi mặt trận. Long Sơn, PV ảnh và Đức Đệ, PV tin của TTX Việt Nam. Văn Tuệ Đài Truyền hình T.Ư, Phạm Thị Sửu tức Phạm Hồ Thu PV báo Nhân Dân, Nguyễn Hiếu PV Đài TNVN và tôi, báo Tiền Phong. Phụ trách chung là anh Thái Lan người khu Tư ở Ban tuyên truyền thi đua của Tổng Cục địa chất.
Trước ngày lên đường, Tổng Biên tập báo Tiền Phong Đinh Văn Nam hỏi tôi có gặp khó khăn gì không? Hơi bị ngạc nhiên nghĩ khi ấy ai mà chả có khó khăn? Riêng tôi thằng cu mới sinh chưa đầy tháng đau yếu sài đẹn ở với mẹ nó ở công trường thủy điện Sông Đà rất cần sự có mặt và những chăm sóc… Nhưng mà thôi, đi thì cứ đi. Cũng cảm động khi lãnh đạo có quan tâm hỏi han. Thằng em ruột lính tăng điều chuyển từ Mặt trận Biên giới Tây Nam hành quân lên Cao Bằng được dừng ở Hà Nội mấy tiếng chạy ù ghé tòa soạn thăm tôi nhưng không gặp. Về nhận mẩu giấy ghi thoắng của nó gửi chỗ thường trực có cảm giác trận mạc và hiểm nguy đã cận kề đâu đó rất gần?
Bây chừ mỗi dịp vo vo bánh xe lăn trên con đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đôi lúc lại chạnh nhớ đến những cung chặng tất tả ngày trước. Gập ghềnh lắc lư trên chiếc xe không biết nên gọi nó là xe con hay xe tải hoán cải lèn chặt ứ người chặp tối mới từ Hà Nội bò về được Phú Thọ. Lo được bữa cơm dở sống dở khê đã bã người díp mắt lại. Nhưng phải làm việc với anh Đỗ Cao Nhân, Liên Đoàn phó Liên đoàn địa chất số III nghe nói qua về tình hình.
Liên Đoàn được thành lập ngày 31/10/1977. Liên đoàn có nhiệm vụ tìm kiếm thăm dò khoáng sản vùng Tây Bắc Thanh Hóa Hà Nam, Hà Sơn Bình, Bờ Nam sông Chảy, Tây sông Hồng, Bờ Nam sông Mã và Sơn La.
Đoàn 305 đóng ở Bát Xát (mỏ đồng Sinh Quyền), thành lập năm 1958. Từ năm 1958 đến năm 1962 thăm dò mỏ chì kẽm ở Thái Nguyên và mỏ đồng ở Sinh Quyền từ năm 1958. Đơn vị đã đứng chân dọc biên giới Việt Trung dài 40 km. Ghi vội 11 người trong danh sách 305 người hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ khảo sát địa chất bởi địa hình hiểm trở và sốt rét tật bệnh…
Bửng tưng sáng sau lại gập ghềnh về Yên Bái. Tại đây, chấp hành lệnh, chúng tôi để lại Thẻ Nhà báo và các giấy tờ cá nhân cần thiết tại bản doanh của Trụ sở Liên Đoàn địa chất III lặng lẽ lên xe ngược về Bát Xát, Lào Cai…
Anh Thái Lan nói là lên đó sẽ có anh em bộ đội công an giúp cho an ninh. Và cũng thẳng thắn rằng, trên đó tình hình đang rất phức tạp khó khăn. Trung Quốc tuyên bố lui quân nhưng vẫn cài bọn thám báo quấy phá. Mỏ đồng Sin Quyền chỉ cách biên giới mấy chục thước, chúng thường bắn lén sang mỗi khi có bộ đội dân quân xuất hiện. Và đáng ngại nhất khu vực ấy là mìn các loại của địch và của ta nữa còn giăng đầy.
Đường ngược Bát Xát có lúc xe phải nhích từng đoạn ngắn vì đường xấu. Có đoạn phải xuống tăng bo cuốc bộ. Con đường độc đạo lên Lào Cai như oằn trĩu sức nặng các đoàn xe pháo của những cánh quân bạt ngàn ngày đêm nhích dần lên biên giới. Không hề sáo rỗng và lạc điệu khi chúng tôi nhắc lại câu đường ra trận mùa này đẹp lắm. Đâu đó vang vang ca khúc mới phổ biến của nhạc sĩ Phạm Tuyên Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới/ Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới. Xuôi, ngược hay cùng chiều, dân và lính luôn vẫy chào nhau hò hét như những người thân. Lệnh Tổng động viên còn hôi hổi thời sự như thúc dậy âm vang khí thế im lìm, trì đọng sau đại thắng 1975. Mà hồi chống Mỹ ác liệt vậy làm chi đã có lệnh Tổng động viên?
tại mỏ đồng Sin Quyền
Không thể nhận ra một Lào Cai xinh xẻo ngày nào. Long Sơn nhảy xuống bấm máy chuyên dụng roanh roách. Hình như xe theo đường tắt để đến Bát Xát? Lèn giữa những khuôn mặt thân quen, tôi dấy lên cảm giác ấm áp lẫn háo hức, hồi hộp.
Rồi cũng đến. Theo lệnh, để nghe ngóng động tĩnh, chúng tôi ngồi thụp xuống căn hầm chữ A còn sót lại tại khu vực trung tâm Đoàn địa chất 305 đứng chân ngó bốn bề khung cảnh bình địa quang lâng. Nghe nói trước đây là xôm tụ nhà cửa lán trại, khu thí nghiệm cùng những vườn rau tăng gia. Đoàn 305 đứng chân ở đây từ đầu những năm 60 dần dà hình thành một xóm thợ yên bình. Bây giờ mọi thứ đều bằng địa sạch bách. Thoang thoảng đâu đây một thứ mùi, khi nhạt lúc đậm rất khó chịu. Rất nhanh ai cũng hiểu đây là thứ tử khí khắc khoải thoát ra từ xác chết, của người của động vật. Chiến trường mới thu dọn cách đây hơn mười ngày. Có lẽ chả nên kê biên ra đây cảm giác của anh em tự vệ đoàn địa chất 305 khi tham gia cùng bộ đội dân quân thu dọn làm vệ sinh khu vực chiến trường. Tìm gom tạm đủ những thi hài liệt sĩ đã phân hủy trong đống hỗn mang. Lại không ít xác chết của quân xâm lược…
Bi, hùng là một cách nói khác đi của nỗi thương đau và tự hào đương choán lấy cảm giác anh em chúng tôi khi ấy. Anh em địa chất bất ngờ rơi vào tình thế đơn thương độc mã chỉ với cơ số đạn ít ỏi của súng trường K63 và K44 cùng vài chục quả lựu đạn mà phải liên tục chống trả các đợt tấn công với chiến thuật biển người của quân Trung Quốc xâm lược. Rồi không có quân tiếp viện lẫn phối hợp của bộ đội chủ lực. Và cũng tràn dâng cảm giác tự hào rằng những người thợ khoan, thợ kỹ thuật địa chất lần đầu bất đắc dĩ lâm vào thế trận mạc bắt buộc phải cầm lấy cây súng!
Mỏ đồng Sin Quyền chỉ cách biên giới mấy chục thước, chúng thường bắn lén sang mỗi khi có bộ đội dân quân xuất hiện. Và đáng ngại nhất khu vực ấy là mìn các loại của địch và của ta nữa còn giăng đầy.
(Còn nữa)