Sông Hồng ký sự - kỳ 4: Huyền thoại Âu Lâu

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bến phà Âu Lâu năm xưa có vị trí đặc biệt quan trọng, nối liền Việt Bắc với Tây Bắc qua sông Hồng. Tại nơi này, những chiếc phà bằng gỗ, thùng tôn đã chuyển được pháo mặt đất, pháo cao xạ, ô tô, đạn dược, khí tài quân sự cùng bộ đội, dân công hỏa tuyến lên chiến trường, góp phần làm nên thắng lợi của chiến dịch Tây Bắc (1952) và chiến dịch Điện Biên Phủ (1954).

Phà bằng gỗ, thùng tôn chuyển xe pháo qua sông

Di tích lịch sử bến Âu Lâu đứng sừng sững phía tả ngạn sông Hồng, thuộc phường Nguyễn Phúc. Bờ hữu thuộc xã Âu Lâu (TP Yên Bái). Bến Âu Lâu nằm im lìm dưới những rặng tre xanh ngắt ngay cửa ngòi Lâu chảy ra sông Hồng. Thời chống Pháp, hai bờ sông nơi đây được kết nối bằng những chiếc đò nan, phà gỗ, rồi trở thành địa danh in dấu những chiến công oanh liệt, góp phần làm nên chiến thắng vang dội của chiến dịch Tây Bắc; chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Để sống lại những ngày tháng oanh liệt, chúng tôi đã hỏi thăm, dò tìm những thanh niên tuổi mười tám, đôi mươi năm đó. Đến thôn Nước Mát, xã Âu Lâu, TP Yên Bái, chúng tôi may mắn gặp ông Phạm Trung Tốn, người máy trưởng ca nô kéo phà đầu tiên trên bến Âu Lâu. Ông Tốn năm nay 97 tuổi, chân yếu, hơi “nặng” tai, nhưng vẫn nhớ như in về những ngày tháng chiến đấu oanh liệt của đời mình. Ông kể rằng, mình quê huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Năm 18 tuổi, nhập ngũ vào Tiểu đoàn 20 quân giới, chuyên sửa chữa, chế tạo vũ khí, đạn dược cung cấp cho chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông năm 1947, rồi đến chiến dịch Biên giới 1950. Năm 1952, ông được điều sang lái phà trên bến Âu Lâu.

Sông Hồng ký sự - kỳ 4: Huyền thoại Âu Lâu ảnh 1

Chiếc ca nô kéo phà chở khí tài vào chiến trường Điện Biên phủ. (ảnh chụp lại tư liệu do ông Phạm Trung Tốn cung cấp)

Ông Tốn cho biết, Tiểu đoàn quân giới cùng nhân dân xã Âu Lâu đóng 3 phà ghép bằng gỗ, có trọng tải 8 tấn. Ban đầu, phà dùng sức người, mỗi chuyến qua sông dùng 12 công nhân đẩy phà lên phía thượng nguồn chừng 300m, sau đó thả xuôi theo dòng nước và chèo bằng các tay chèo dần dần qua sông. Ông Tốn cho hay, vất vả nhất khi chở xe và pháo hạng nặng qua sông vào mùa nước lũ, phải huy động thêm dân công và nhân dân giúp sức. “Tháng 3/1953, bến phà Âu Lâu được trang bị thêm một phà gỗ trọng tải 12 tấn, có ca nô lai dắt. Lúc đó, tôi được giao nhiệm vụ điều khiển máy nổ. Ca nô ngày đó được chế tạo từ những chiếc thùng phuy, nhưng vào thời điểm đó như thế là hiện đại lắm rồi. Nhờ nó lai dắt, mỗi đêm phà chở 30-40 chuyến xe, pháo và bộ đội cùng dân công qua sông”, ông Tốn nhớ lại.

Ông Tốn chia sẻ, để tránh máy bay bắn phá, ban ngày phà được kéo vào ngòi Lâu, cách bến Âu Lâu khoảng một cây số, rồi dìm xuống nước giấu dưới những lùm tre. Công nhân phải cho nước chảy vào phà rồi chất đá và các thanh tà vẹt lên mới dìm được phà xuống lòng ngòi Lâu. Khoảng 4 đến 5 giờ chiều, công nhân dỡ đá ra vớt phà lên. Sau khi bịt hết các lỗ thủng, khoảng 30-40 dân công dùng xô, chậu tát nước từ lòng phà ra cho phà nổi lên mặt nước. Khi màn đêm buông xuống, lúc đó phà mới nổ máy chở những chuyến hàng sang sông. Để hoa tiêu cho phà cập bờ đúng vị trí, hai phía bờ sông có hai người cầm đèn bão làm hiệu.

Gian khổ nhất là vào mùa nước lũ, sông Hồng dâng cao, dòng sông trở nên mênh mông, nước chảy xiết, những khúc gỗ, rác trôi từ thượng nguồn đổ xuống đâm bình bịch vào mạn phà. Rác quấn vào chân vịt làm ca nô thường xuyên chết máy. “Mỗi lần như thế, tôi tắt máy rồi cùng anh em lặn xuống nước để gỡ. Những người khác thì dùng sào chống chọi với dòng nước để phà không bị trôi. Hồi đó, tôi là người lặn nhiều nhất và ở dưới nước lâu nhất, nên một bên tai tôi nghe không rõ nữa”, ông Tốn hồi tưởng.

Sông Hồng ký sự - kỳ 4: Huyền thoại Âu Lâu ảnh 2

Tượng đài bến Âu Lâu là địa danh in dấu nhiều chiến công oanh liệt của quân và dân trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Những ngày tháng phục vụ tại Âu Lâu, ông Tốn không thể nhớ hết mình cùng đồng đội đã lái bao nhiêu chuyến phà, đưa mấy nghìn lượt xe, pháo và bộ đội qua sông. Trong đêm tối, ông không nhìn rõ mặt ai và chẳng ai nhìn rõ mặt mình, nhưng ông biết rằng, trong số những người qua sông, không ít người là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tướng lĩnh cấp cao trong quân đội...

Những chiếc đò nan làm nên lịch sử

Cùng với những chuyến phà, bến Âu Lâu lúc đó có hàng trăm chiếc thuyền nan của nhân dân sống dọc hai bờ sông được huy động chở bộ đội. Qua trò chuyện, ông Tốn bùi ngùi chia sẻ, những thanh niên lái đò nan lúc đó giờ đã khuất núi nhiều rồi. Ông trầm ngâm một lúc và chỉ tay về phía tây Yên Bái nói, giờ còn ông Hà Văn Sự đang sống tại xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên cách TP Yến Bái đây 25 cây số.

Từ thông tin của ông Tốn, chúng tôi ngược quốc lộ 32, đến thôn Liên Thịnh gắp ông Hà Văn Sự. Năm nay, ông Sự đã 83 tuổi nhưng hàng ngày vẫn lên vườn chăm sóc quế. Khi chúng tôi đến, ông cũng từ trên vườn quế về, bên hông vẫn còn đeo con dao quắm. Vừa thả con dao, ông vội rửa tay chân và tiếp chuyện chúng tôi. Ông Sự cho biết, năm 1953, ông được huy động tham gia đội thuyền nan của bến Âu Lâu phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Lúc đó, ngoài phà, ở bến Âu Lâu có hàng trăm thuyền nan đưa bộ đội, vũ khí hạng nhẹ qua sông. Ông Sự bồi hồi nhớ lại, thực hiện lời kêu gọi của Đảng, năm 1953, tỉnh Yên Bái đã huy động thanh niên địa phương, cùng với lực lượng công binh ngày đêm xẻ núi, phá đá, bắc cầu, làm mới, sửa chữa, mở rộng tuyến đường 13A từ Việt Bắc qua Yên Bái để vào chiến trường.

Bến Âu Lâu là địa danh in dấu nhiều chiến công oanh liệt của quân và dân trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và trong chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Di tích bến Âu Lâu xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 3027/QĐ-BVHTTDL ngày 7/8/2012 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Riêng tại bến phà Âu Lâu, tỉnh đã huy động người dân dùng thuyền nan chuyển quân và vũ khí hạng nhẹ. Ông Sự tâm sự: “Có lẽ, do khí thế đánh giặc lên cao, mà chúng tôi chèo thuyền suốt đêm không biết mệt mỏi. Cứ xong một chuyến đưa bộ đội sang sông an toàn lại có thêm động lực để tiếp tục chèo thuyền vượt sông”.

Ông Sự nhớ lại, cuối năm 1953, thực dân Pháp phát hiện bến Âu Lâu chính là điểm trung chuyển quân, vũ khí khổng lồ của ta, nên chúng tăng cường đánh phá cả ngày lẫn đêm. Nhưng với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, những thành niên, nam nữ vẫn bám bến vận chuyển bộ đội qua sông, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu…

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.