Sông Hồng ký sự - kỳ 2: Những bãi bồi biến hình

0:00 / 0:00
0:00
TP - Xã Sơn Hải (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) là nơi đặc biệt, được sông Hồng bồi đắp cho những đảo, những cồn, những bãi sông trù phú. Có năm lũ lớn, sông oằn mình lấp đi một nhánh sông, nối liền bờ với đảo, để lại bao la đất đai màu mỡ…

Ngước đầu nguồn sông Hồng để xung phong

Thế hệ đầu tiên đến và khai phá ở Sơn Hải là những thanh niên tuổi mới đôi mươi quê Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định… Đã 61 năm, những thanh niên đầu tiên đi mở đất tại Sơn Hải giờ đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, những ký ức về những ngày gian khó, mồ hôi quyện đất phù sa sông Hồng vẫn còn nguyên vẹn.

Trên cánh đồng mênh mông xanh mướt, thanh niên Phạm Văn Chắp năm xưa nay đã bước sang tuổi 82 nhưng trí nhớ còn minh mẫn. Khi nghe chúng tôi ngỏ lời về cuộc sống của người dân vùng đất Sơn Hải từ thuở khai hoang, cụ không giấu nổi bồi hồi, xúc động: “Tỉnh Kiến An (nay là thành phố (TP) Hải Phòng) và Lào Cai là hai địa phương kết nghĩa. Năm 1961, nghe theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ, huyện Tiên Lãng cử 100 thanh niên xung phong ngước đầu nguồn sông Hồng xây dựng kinh tế mới”.

Cụ Chắp lúc đó là người dẫn đầu hơn 100 thanh niên quê Tiên Lãng “hành quân” bằng tàu hỏa từ Hải Phòng lên ga Gia Lâm. Rồi đoàn tàu đưa những thanh niên đi dọc bờ sông Hồng ngược phố Lu (huyện Bảo Thắng) khai hoang, làm kinh tế mới. Từ ga Phố Lu, đoàn thanh niên được chia thành từng tốp, tìm nơi khai hoang, mở đất, lập làng tại các bãi bồi của sông Hồng. “Mỗi gốc nứa, khóm lau, bãi sậy ngả xuống là hàng vạn giọt mồ hôi, là máu của những chàng trai, cô gái đổ xuống. Đất bãi Sơn Hải nặng phù sa của sông Hồng, lại thêm tro từ đốt lau sậy, nên rất màu mỡ. Chúng tôi canh tác không cần đến phân bón mà vẫn có những vụ mùa bội thu”, cụ Chắp tâm sự.

Sông Hồng ký sự - kỳ 2: Những bãi bồi biến hình ảnh 1

Vợ chồng cụ Phạm Văn Chắp, những người đầu tiên lên khai hoang tại bãi bồi Sơn Hải

Sông Hồng ký sự - kỳ 2: Những bãi bồi biến hình ảnh 2

Suối Trát ngày xưa là nhánh chính của sông Hồng

Cụ Chắp kể, khi ấy, tỉnh Kiến An đã cử một đồng chí Tỉnh ủy viên và một số cán bộ đi cùng thanh niên lên xây dựng cơ sở vật chất ban đầu. Trước lúc đi, thanh niên hừng hực khí thế nhưng không tưởng tượng hết những khó khăn, gian khổ phải trải qua. “Vừa lên dựng lều ổn định chỗ ở, chúng tôi phải bắt tay san gạt ngày đêm. Cuộc sống hết sức vất vả, thiếu thốn đủ bề. Chúng tôi phải mất 7 đến 8 năm trời chăm chỉ lao động, ăn cơm trộn sắn lẫn mồ hôi, mới làm nên được cánh đồng trù phú, nuôi nấng nhiều thế hệ trưởng thành”, cụ Chắp hồi tưởng.

Cùng chúng tôi xuống các thôn thuộc bãi bồi ven sông Hồng, ông Bùi Quang Uyên, Chủ tịch UBND xã Sơn Hải cho biết, tổng diện tích bãi bồi của xã hơn 40ha, trải dài trên 6 thôn. Nhờ có bãi bồi, các thôn hiện nay đã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, các công trình trường học, nhà văn hóa, trạm y tế, được đầu tư xây dựng. Người dân đã từng bước phát huy lợi thế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chú trọng đầu tư nuôi trồng theo hướng hàng hóa, chất lượng cao, tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Thu nhập bình quân đầu người là 58,2 triệu đồng/người/năm.

Theo cụ Chắp, sau các cụ hơn 10 năm, đến những năm 1980-1985, thanh niên từ tỉnh Hà Nam Ninh (nay Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình) cũng được đưa lên khai hoang làm kinh tế mới ở Sơn Hải và các bãi bồi ở xã Hồng Cúm (huyện Bảo Thắng). “Mới đó mà đã hơn nửa thế kỷ, lớp thanh niên năm nào phần lớn đã trở thành những người thất thập cổ lai hy. Nhiệt huyết tuổi 20 chúng tôi dành cho mảnh đất này đã nuôi sống 5 thế hệ người Sơn Hải hôm nay”, cụ Chắp tự hào.

Tiếp lời cụ Chắp, cụ Lưu Thị Chón (80 tuổi, vợ cụ Chắp) bồi hồi nhớ lại: Ngày ấy, cụ bà học sư phạm xong, cũng xung phong lên đây và gặp cụ Chắp nên duyên vợ chồng. Nhưng cuộc sống quá khó khăn, cô giáo trẻ đành gạt nước mắt rời học trò, dừng lại việc dạy học để phụ giúp chồng khai hoang, mở đất nuôi các con khôn lớn. “Vợ chồng tôi lấy nhau, sinh được 7 người con, khó khăn vất vả lắm, nhưng cũng nhờ bãi bồi này được sông Hồng bồi đắp phù sa thường xuyên nên cây cối tốt tươi. Chúng tôi đã nuôi được 7 người con trưởng thành", bà Chón chia sẻ.

Chuyện về hòn đảo biến hình

Theo cụ Chắp, không chỉ bồi đắp thường xuyên cho các bãi bồi đã có, mà lượng phù sa của sông Hồng nhiều đến mức có thể tạo ra những hòn đảo, bãi bồi mới, rộng lớn sau một trận lũ. Cụ có nhắc đến chuyện rất lạ, chưa xa lắm ở thôn Trát ngay ở xã Sơn Hải này.

Từ thông tin của cụ Chắp, chúng tôi len lỏi qua những cánh đồng ngô, bãi chuối xanh mướt đến đến thôn Trát. Ngay từ lũy tre đầu thôn, chúng tôi đã gặp được ông Phạm Văn Phúc (60 tuổi). Ông Phúc cũng quê ở TP Hải Phòng, là con của các thanh niên xung phong đã lên đây xây dựng kinh tế mới từ năm 1961 cùng với cụ Chắp. Trước đây, nhà ông ở đảo Trát - hòn đảo nằm giữa sông Hồng; muốn đến đảo chỉ có thể đi mảng hoặc chèo thuyền. “Đảo Trát thời ấy là điểm dừng chân của dân buôn bán đường thủy nên rất sầm uất. Ở đó người ta trao đổi muối, chất đốt, ngô, lúa; dân làng cũng sung túc”, ông Phúc tâm sự.

Ông Phúc được sinh ra trên đảo Trát đó. Khi ông lớn lên, tuy cuộc sống đỡ vất vả hơn nhưng cả gia đình phải chăm chỉ lao động, “tưới” mồ hôi vào đất, mới có đủ lương thực để sử dụng. Không chỉ cùng bố mẹ cày cấy, gieo trồng, mà mỗi vụ thu hoạch, ông Phúc lại phải chuyển rau, cà xuống thuyền, xuôi dòng về Phố Lu, sau đó vác lên tàu hỏa, chuyển về Yên Bái bán.

Những cảnh êm ấm, trên bến dưới thuyền thanh bình đó đột ngột mất đi. Ông Phúc nhớ lại: “Ở trận lũ lịch sử năm 1985, nước lên quá mái nhà. Các hộ sống trên đảo phải chạy vào bờ. Trận lũ cuốn theo bùn đất, lấp cả một nhánh sông, khiến đảo Trát được mở rộng, gần như nối liền giữa đảo và đất liền. Từ đó, người ta không gọi đảo Trát nữa mà gọi là bãi bồi Trát. Sau lần đó, gia đình tôi ở hẳn trong bờ, hằng ngày vẫn sang bãi bồi canh tác”, ông Phúc chia sẻ.

Ông Phúc dẫn tôi xuống bãi bồi. Để sang bãi, chúng tôi lội qua một con suối nhỏ mà ông Phúc nói là dấu tích dòng chính của sông Hồng. Sau trận lũ năm 1985, trận lũ 1990, sông Hồng lại bồi thêm lần nữa nên suối còn rất nhỏ, hiện nước chưa đến đầu gối. Lội qua suối, trước mắt chúng tôi là bãi bồi. Vun xong sào ngô đang độ lớn, bà Phạm Thị Điệp (thôn Đồng Tâm, xã Sơn Hải) chống cuốc xuống đất, tay gạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên mặt rồi tâm sự: “Tôi về làm dâu ở đây. Nhà chồng tôi lên khai hoang từ những năm 1962. Trên bãi bồi này, người dân chủ yếu ngô hai vụ và trồng rau sạch... Vẫn biết phải “tưới” mồ hôi trên bãi bồi mới có ăn", cô Điệp tâm sự.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG