Sống để đi tìm và kể lại

0:00 / 0:00
0:00
TP - Năm ngoái, đúng vào ngày 30/4 tôi có bài viết dài về ông. Sau đó in trong cuốn ký sự nhân vật “Vượt qua tiểu thuyết” xuất bản cuối năm. Nhưng chuyện lạ về ông vẫn chưa dừng lại…

“Vượt” nửa vòng trái đất kiếm tìm đồng đội

Chuyện rằng, mấy chục năm nay ông mải mê tìm đồng đội đang nằm lại những cánh rừng, ngọn núi ở chiến trường Bình Định nơi ông từng “vào sống ra chết” suốt thời thanh xuân của mình. Nhưng tìm bằng cách rất hiện đại so với cái tuổi đã chớm bát tuần. Đó là sử dụng kỹ năng của một chuyên gia quân sự xác định vị trí các trận đánh năm xưa trên bản đồ chuyên ngành. Sau đó tìm hiểu các đơn vị phía đối phương từng tham chiến tại mỗi khu vực. Rồi bắt đầu lên mạng internet để...tìm đối phương.

Nghe có vẻ khá nhiêu khê, xa vời nhưng với vốn tiếng Anh, vi tính tự học, được sự hỗ trợ của con cái và một số bạn quen trên mạng xã hội, ông đã liên lạc được với khá nhiều cựu binh Mỹ. Từ hai đầu bán cầu, bất kể đêm ngày, mỗi lúc có dữ liệu mới họ cùng nhau mở máy tính chụm đầu trên bản đồ quân sự, so sánh ảnh chụp vệ tinh, để hai bên từng chĩa súng vào nhau từ hơn nửa thế kỷ trước cùng vẽ lại chính xác nơi nằm xuống của những bộ đội Việt Nam. Từ những dữ liệu và bản vẽ ấy, ông mới lặn lội tìm và xác định trên thực địa...

Một trong những cuộc phối hợp tìm kiếm nổi tiếng của hai bên, đó là tìm thấy hố chôn tập thể của 60 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 22 Sư đoàn 3 Sao Vàng trong trận tập kích trận địa pháo thuộc Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 của Mỹ đêm 26 rạng sáng 27/12/1966 trên đồi Xuân Sơn thuộc thung lũng Kim Sơn (xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân, Bình Định).

Đây là một trong những trận đánh “phủ đầu” lính viễn chinh Mỹ của quân chủ lực ta tại chiến trường Trung bộ khi phía Mỹ thực hiện “Chiến tranh cục bộ” trực tiếp đổ quân tham chiến.

Sống để đi tìm và kể lại ảnh 1

Ông Thụy - bên trái hàng trước - cùng những cựu binh Mỹ bên hố chôn liệt sĩ đồi Xuân Sơn Ảnh: NVCC.

Trận đánh diễn ra vô cùng khốc liệt. Địch sau khi bị mất trận địa, thiệt hại nặng nề, đã gọi cứu viện hùng hậu và phản công quyết liệt bằng cách lần đầu tiên sử dụng loại đạn 105mm “tổ ong” M-60 mỗi viên chứa 5.000 mũi tên thép buộc quân ta sau đó phải rút lui.

Lính Mỹ thiệt hại vài trăm quân, còn ta khoảng 70 cán bộ chiến sĩ đã nằm lại. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, bia tưởng niệm đã được dựng lên, nhưng hài cốt các liệt sĩ thì mất dấu vết...

Sống để đi tìm và kể lại ảnh 2

Ông Thụy (phải) và tác giả bài viết Ảnh: Bích Phượng.

Đầu tháng 4 năm ngoái, những ngày Tỉnh Đội Bình Định tổ chức khai quật hố chôn liệt sĩ trận Xuân Sơn từ chỉ dẫn chính xác của ông, tôi cùng ông đội nắng leo khắp ngọn đồi, với hy vọng tìm thêm được những manh mối mới.

Trên tay ông là những bản vẽ sơ đồ hố chôn tập thể được gửi từ Mỹ của những cựu binh từng tham gia trận đánh: Spencer John Mattoson 75 tuổi nguyên Trung sĩ tiểu đội trưởng, Robert Paul March nguyên Đại úy thuộc Sư đoàn Kỵ binh bay số 1, Stephen Holmes Hasselt, phóng viên chiến trường đã chụp ảnh thi thể quân giải phóng ngay sau trận đánh, Comar Johnson nay đã 90 tuổi nguyên Trung sĩ, là người dùng xe ủi đào hố chôn tập thể, Jerry Dolloff, Ivory Whitaker Jr., và Thomas Crabtree - những người đã khiêng các thi thể xuống hố, Stephen Chestnut người chứng kiến việc chôn lấp…

Sống để đi tìm và kể lại ảnh 3

Cuốn sách của ông Đặng Hà Thụy. Ảnh: Trần Tuấn

Cũng trong tháng 4/2022, lễ truy điệu và di chuyển an táng hài cốt 60 liệt sĩ trận đánh đồi Xuân Sơn về an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ của huyện trở thành sự kiện thiêng liêng, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Quân khu V…

Sau đó gia đình ông hân hạnh được đón tiếp Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long. Và những ngày cuối tháng Tư này, Khu tưởng niệm và viếng mộ liệt sĩ đồi Xuân Sơn được xây dựng khang trang sắp hoàn thành, trở thành một địa chỉ đỏ của tuổi trẻ và đồng bào cả nước…

Ông là Thiếu tá cựu chiến binh Đặng Hà Thụy, 78 tuổi, hiện sinh sống tại phường Hoài Thanh Tây, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

Sống để kể lại

Nhưng chuyện về Thiếu tá Thụy chưa dừng lại đó. Chuyện kể tiếp ở đây, là về cuốn hồi ký mang tên “Chiến trường và đồng đội” dày tới hơn 450 trang của ông, vừa được NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành dịp 22/12 vừa qua.

Số là năm ngoái nhân chuyến công tác tôi ghé nhà thăm ông. Con gái ông, cô giáo Bích Phượng...mách rằng ba mình có bản thảo hồi ký mấy trăm trang còn “giấu kỹ” trong máy tính. Thú vị quá, tôi gặng hỏi ông mới chịu “khai”, rằng viết lai rai đã gần chục năm nay, cứ để đó thôi, cũng không nghĩ đến việc in ấn làm gì, ai mà đọc.

Sống để đi tìm và kể lại ảnh 4

Ông Thụy thắp hương đồng đội vừa tìm thấy trong trận đánh Xuân Sơn. Ảnh: Trần Tuấn.

Tôi bèn thuyết phục lấy được file bản thảo. Gần 500 trang A4 trên máy tính! Tôi bỏ khoảng gần 2 tháng tranh thủ chỉnh sửa bản thảo ấy. Nhìn qua số trang số chữ thấy ớn, nhưng càng đọc càng thích, càng bị cuốn hút. Sách không kể về những chiến dịch lớn, những quyết định tầm cao, mà cận cảnh đồng đội, đồng bào nơi chiến trường Bình Định ngày ấy, với biết bao chi tiết xúc động. Hầu hết là những trận đánh nhỏ, bằng những thứ vũ khí mót lại, mà ông là một chuyên gia quân giới chuyên cải tiến đủ loại vũ khí đạn dược để đánh địch.

Đọc “Chiến trường và đồng đội” của Thiếu tá Đặng Hà Thụy, những ai “máu mê” về vũ khí hẳn sẽ rất thích thú. Như những đoạn mô tả tỉ mỉ chi tiết chuyện cải tiến đạn Garant M1 của Mỹ để dùng cho súng trường Mas 1936 của Pháp, trở thành sáng kiến đặc biệt, mỗi đơn vị được cấp một bộ dụng cụ tự sửa đạn để chiến đấu. Hay như chuyện độ lại các loại mìn Ríp (M14), mìn ba càng (M16), Claymore (M18), lựu đạn M26,…; biến đầu đạn pháo 105mm thành những khối mìn đánh sập cứ điểm địch; chế đạn cối chiếu sáng 60mm thành thủ pháo cấp cho bộ đội đặc công…

Bàng bạc trong “Chiến trường và đồng đội” là sự hy sinh. Nhiều cái chết khi bắn đến viên đạn cuối cùng, chết trong tư thế đứng thẳng đôi chân còn cắm sâu xuống bùn như Trung tá Văn Ngưu, Tỉnh Đội phó Bình Định đêm 10/8/1968. Trung tá Văn Ngưu chính là cha của nữ y tá Văn Thị Kim Dung, ngày ấy là vợ chưa cưới của tác giả. Nhiều cái chết xảy đến khi thử nghiệm chế tạo vũ khí, chết do dính chính bom mìn quân mình gài lại. Cũng có nhiều trận đánh chỉ để kiếm ít củ mì vì đói quá…

Như lần ấy, ông và một chiến sĩ đi ngang qua soi Bà Quyên (Phù Cát), gặp đơn vị của Trung đoàn 2 Quyết Chiến thuộc Sư đoàn 3 Sao Vàng đang trú trong hang đá. Quân Mỹ bủa vây xung quanh, đơn vị hết lương thực, đói quá. Toàn thanh niên miền Bắc vào, không thông thuộc địa hình. Dưới chân núi còn sót lại một đám mì (sắn), mấy ngày trước mấy anh em đã bò xuống nhổ mì, bị lính Mỹ rình xả súng, người chết người bị thương. Trước tình thế ấy, ông cùng chiến sĩ của mình tình nguyện dẫn một tiểu đội những người quả cảm nhất bò xuống nhổ mì.

Trong bóng tối, với sự lão luyện địa hình chiến trường, ông đã hướng dẫn những người lính vào rẫy đào mì một cách an toàn. “Anh em vào rẫy đào mì cho vào bao xong trở lên núi theo con đường hồi chiều. Lúc đó chúng tôi đã đi khá xa, nghe tiếng súng AR15, M79 nổ dồn dập, từng chùm hỏa châu tua tủa thả lên trời. Tôi xót xa vì biết là có chuyện không may cho anh em rồi! Mấy ngày sau đó chúng tôi trở về phía Tây, hỏi lại thì được biết, sau khi anh em lấy được củ mì, trở về theo con đường cũ thì bị địch tấn công, một chiến sĩ hy sinh phải bỏ xác lại!”.

Câu chuyện bắn voi lấy thịt nuôi quân cũng ly kỳ và xót xa. Mùa khô năm 1963, các đơn vị tập trung về tập huấn tại căn cứ Vĩnh Thạnh khá đông, một nhóm 6 tay súng tinh nhuệ thuộc ba đơn vị đặc công, công binh và quân giới được cử đi bắn voi, trong đó có ông. “Cuộc chiến” sau đó giữa người và bầy voi 8 con tại sườn đồi tranh làng O5 gần thượng nguồn sông Trinh khá khốc liệt. Hai con bị bắn hạ, còn con to nhất có ngà bị thương bỏ chạy.

Ông và Xuân, chiến sĩ đặc công Đ10 mỗi người một khẩu súng trường Mas 1936 quyết tâm lần theo vết con voi bị thương. Đi được một quãng xa, bất ngờ thấy con voi bị thương sừng sững trước mặt, đang giận dữ phá phách. Hai người bàn nhau trèo lên cành cây dầu cao chừng mươi mét trên sườn đồi để bắn vào tai voi. Phải hạ gục nhanh mới có thể thoát thân, nếu không nó sẽ quật gẫy gốc cây như bỡn. Nhưng rồi tiếng súng va lách cách vào thân cây của Xuân khiến con voi phát hiện ra đối phương.

“Con voi ưỡn ngực đưa hai chân trước đạp vào thân cây, cây dầu oằn cong xuống, còn Xuân thì vẫn đu đưa trên cành cây. Tôi đang ở dưới gốc cây chỉ còn cách con voi chừng ba mét, trong đầu lúc ấy thoáng nghĩ: Chạy!... Nhưng không! Mà chạy cũng làm sao thoát? Trước mắt tôi cái đầu và tai con voi quá gần, không biết phản xạ nào, cũng chẳng kịp suy nghĩ, tôi nâng súng lên, cái đầu con voi chỉ cách đầu nòng súng tôi chừng hai mét, tôi bắn liên tiếp ba phát đạn vào chỗ gần tai con voi. Súng trường Mas 36 bắn mỗi phát phải kéo khóa nòng nạp đạn nhưng tôi đã bắn rất nhanh như một phản xạ tự nhiên lúc nguy cấp! Tôi bắn tiếp phát đạn thứ tư, con voi tụt xuống, nó lắc đầu một cái, cặp mắt đỏ ngầu nhìn tôi. Trong súng tôi chỉ còn một viên đạn. Tôi chĩa súng vào đầu nó, và đã nghĩ đến cái chết. Bởi con voi chỉ cách tôi ba mét, nếu vẫn không bị viên đạn cuối cùng của tôi hạ gục thì nó sẽ đạp nát tôi như đạp một cây chuối. Súng nổ. Con voi rống lên một tiếng thật khủng khiếp, ngã lăn và sẵn đà dốc nó lăn mấy vòng xuống sườn đồi. Tôi cũng ngồi bệt xuống, không thể diễn tả nổi tâm trạng lúc đó…Từ trên cành cây, Xuân cũng dần trấn tĩnh tụt xuống đất. Nó vất khẩu súng trường, ôm chầm lấy tôi mà khóc, tôi cũng muốn khóc theo nó... Trước đó không lâu, ở Đại đội 72 (Đại đội Hưng Đạo đơn vị cũ của tôi) cũng có hai chiến sĩ đi bắn voi. Sau khi bắn con voi bị thương, các anh tiếp tục đi tìm. Khi hai anh đến gần, bị con voi phát hiện quay lại tấn công. Anh đi sau bỏ chạy, con voi dùng vòi chộp được anh đi trước. Thế là nó chà và giẫm nát anh, nó đập gãy cả khẩu súng trường Mas 36 của anh!”.

Còn đây là chuyện anh Huệ và con cọp. Một chiến sĩ trinh sát tên là Huệ trúng mìn của lính Nam Hàn hy sinh ở Mỹ Hóa, Phù Mỹ năm 1967. Tụi Mãnh Hổ Nam Hàn cài dưới lưng anh Huệ một quả lựu đạn và nằm phục kích đợi quân ta. Thế rồi khoảng 2 giờ chiều từ chỗ Huệ nằm phát ra tiếng nổ. Khi anh em đến thì thấy xác một con cọp. “Chúng tôi đưa Huệ về mai táng. Còn con cọp cũng được khiêng về hang để xẻ thịt làm thức ăn. Chúng tôi mai táng Huệ vội vàng trong rừng nên không còn nhớ nổi nơi nào. Số anh em hồi đó bây giờ cũng không còn ai để có thể tìm lại mộ phần Huệ...”.

Cả cuốn sách là những câu chuyện bi tráng về những người lính trơn như thế. Cuốn sách của ông nhận được sự cổ vũ nhiệt thành của những cựu binh Mỹ. Ở Mỹ họ cũng viết sách và trao đổi cho nhau, những câu chuyện về một thời nhìn nhau qua họng súng…

Tháng 8 năm ngoái, đoàn cựu binh Mỹ ấy đã cùng vợ con sang thăm Việt Nam, nhiều người sang lần đầu. Đêm ấy, nơi hố chôn tập thể những người lính Việt Nam dưới chân đồi Xuân Sơn, dưới ánh nến giăng mắc, những “cựu thù” Spencer John Mattoson, Robert Paul March, Stephen Holmes Hasselt, Ivory Whitaker Jr., Kinbourne Lo cùng Thiếu tá cựu chiến binh Đặng Hà Thụy đứng ngồi sát bên nhau, cùng cúi đầu tưởng niệm…

“Chuyện chiến dịch này, chiến dịch nọ…, những trận đánh lớn, đó là việc của những người viết sử, những nhà quân sự tổng kết chiến tranh. Với tôi, chỉ có thể là những câu chuyện nhỏ trong cuộc đời và số phận của những người lính phần lớn là bất hạnh, trần trụi, là sự hiểu lầm và có cả quên lãng, là sự thiệt thòi khi đất nước đã hòa bình”.

Thiếu tá Đặng Hà Thụy

Sinh năm 1945 ở quận Phú Nhuận (Sài Gòn), lên 6 tuổi cậu bé Đặng Ngọc Trân (tên thật của ông Đặng Hà Thụy) mồ côi mẹ, người cha sau đó ra Bắc tập kết. Thi xong Trung học đệ nhất cấp, ông rời chốn đô thị một mình về quê “nhảy núi” cùng các chú, các anh. Đó là tháng 8/1961, ông vừa tròn 16 tuổi. Vì có học vấn trung học, tháng 2/1962 ông được cử đi học lớp Quân khí viên đại đội của tỉnh. Năng khiếu bẩm sinh về vũ khí, về chiến thuật của ông được phát huy, trở thành Chủ nhiệm ngành vũ khí quân giới Tỉnh Đội, huấn luyện viên chiến thuật của Quân khu V và sau này là chuyên gia kỹ chiến thuật tại chiến trường Campuchia…

MỚI - NÓNG
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
TPO - Trong 3 tháng đầu năm, các Sở Giao thông vận tải đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với hơn 6.800 phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000km trở lên trong tháng, đồng thời nhắc nhở đối với 85.600 phương tiện có vi phạm quá tốc độ, quá thời gian lái xe và không truyền dữ liệu.
Xe 43 chỗ nhồi nhét tới 90 hành khách
Xe 43 chỗ nhồi nhét tới 90 hành khách
TPO - CSGT Hải Phòng đang hoàn thiện hồ sơ xử phạt hành chính, tước GPLX tài xế Trần H.H (quê Hà Giang) vì chở 90 người trên ô tô khách 43 chỗ (41 giường nằm, 2 ghế ngồi) và đón khách không đúng nơi quy định.