Cuộc đấu thầm lặng sau Hiệp định Paris - kỳ 1: Phía sau rào thép gai Trại Davis

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, phái đoàn quân sự của bốn bên đã tập trung tại trại Davis để thực hiện một số điều khoản của Hiệp định. Hai phái đoàn của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH) và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam (CMLTCHMNVN) có mặt tại đây từ cuối tháng 1/1973, để tiếp nối những thành quả thắng lợi của Hiệp định Paris.
Cuộc đấu thầm lặng sau Hiệp định Paris - kỳ 1: Phía sau rào thép gai Trại Davis ảnh 1
Đại tá Đinh Quốc Kỳ (thứ 3 từ trái sang) và CCB Phạm Văn Lãi (thứ 5) trao đổi với các phóng viên bên tủ trưng bày về các hoạt động của Trại Davis. Ảnh: Kiến Nghĩa

Điểm nóng trước và sau Hiệp định Paris

Trong cuộc Triển lãm “Hiệp định Paris - Cuộc đàm phán lịch sử” tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) được tổ chức đầu tháng 1 vừa qua, tôi có dịp gặp một số nhân chứng lịch sử là các thành viên Ban liên lạc Cựu chiến binh Ban liên hợp Quân sự (CCBBLHQS) Trại Davis. Đại tá Đào Chí Công, Trưởng Ban Liên lạc CCBBLHQS Trại Davis cho biết, trước khi Hiệp định Paris được ký kết, ngày 13/1/1973, ta đã khẩn trương thành lập hai đoàn đại biểu quân sự (ĐBQS) của VNDCCH và đoàn CMLTCHMNVN để tham gia việc thực thi Hiệp định cùng đoàn ĐBQS của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa (thường gọi là phái đoàn quân sự bốn bên). Các thành viên của hai đoàn ĐBQS là những cán bộ, chiến sĩ được chọn từ nhiều đơn vị, nhiều chiến trường để làm nhiệm vụ mới là đấu tranh ngoại giao quân sự, kiểm soát việc Mỹ và chư hầu phải rút khỏi miền Nam, đồng thời buộc đối phương phải nghiêm chỉnh thực hiện việc trao trả tù binh các bên bị bắt trong chiến tranh.

Sau khi Hiệp định Paris ký kết, Chính phủ Việt Nam Cộng hoà (VNCH) đã chọn Trại Davis, một trại quân sự của họ nằm ở phía tây nam căn cứ không quân Tân Sơn Nhất là nơi làm việc của phái đoàn đại biểu quân sự bốn bên. Họ cũng bố trí đây là nơi ở của hai đoàn VNDCCH và CMLTCHMNVN. Việc sắp xếp này là có chủ đích, khi Chính phủ VNCH muốn cô lập, ngăn không cho đoàn ta có điều kiện tiếp xúc với người dân Sài Gòn, đồng thời dễ bề kiểm soát thông tin, phá sóng, gây nhiễu điện tín của ta. Trước sự việc này, hai đoàn ĐBQS của ta vẫn bình tĩnh để đối chọi với âm mưu của địch.

Các CCBBLHQS Trại Davis cho biết, trước khi Hiệp định Paris được ký kết, phía địch vẫn không từ thủ đoạn để chống phá ta. Ngày 8/10/1972, ngay sau khi đạt được bước đột phá trong đàm phán với cố vấn Lê Đức Thọ, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Henry Kissinger đã điện khẩn cho đại sứ Mỹ tại miền Nam Việt Nam Ellsworth Bunker để nhắc nhở Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu phải nỗ lực chiếm càng nhiều đất càng tốt, nhất là các vùng quan trọng, đông dân quanh Sài Gòn. Từ giữa tháng 10/1972 đến trước khi Hiệp định Paris có hiệu lực vào 0 giờ ngày 28/1/1973, Mỹ đã mở hai chiến dịch quy mô lớn là Enhance và Enhance Plus để chuyên chở ồ ạt vũ khí, đạn dược cho quân đội Sài Gòn với tổng trị giá trên 2 tỷ USD. Với sự “chống lưng” của Mỹ, ngày 23/1/1973, đúng thời điểm ký tắt Hiệp định Paris, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh “tràn ngập lãnh thổ bằng cờ quốc gia”. Rồi chỉ vài giờ trước khi Hiệp định Paris có hiệu lực, một lữ đoàn hỗn hợp của quân đội Sài Gòn đã tấn công, lấn chiếm cảng Cửa Việt, vùng giải phóng của ta từ “mùa hè đỏ lửa 1972”. Trước hành động ngang ngược này, quân đội VNCH đã bị ta trừng trị, khiến chúng phải hỗn loạn tháo chạy, bỏ lại hàng trăm xác xe tăng, thiết giáp, xác lính tử trận và mấy trăm lính bị bắt làm tù binh.

Nhưng phía địch vẫn không từ bỏ. Những tháng sau đó, chúng ráo riết tiến hành các “chiến dịch cắm cờ”, các cuộc hành quân tràn ngập lãnh thổ trên khắp miền Nam, từ cảng Cửa Việt đến mũi Cà Mau. Nghiêm trọng hơn, sáng 28/1/1973, vào đúng giờ hẹn đón Trung tướng Trần Văn Trà và Đoàn ĐBQS Chính phủ CMLTCHMNVN vào Sài Gòn nhận nhiệm vụ, chính quyền VNCH đã cho máy bay ném bom xuống điểm hẹn ở sân bay Thiện Ngôn (tỉnh Tây Ninh) để tiêu diệt tướng Trà và phái đoàn của ông. Do quá hiểu bản chất lật lọng của địch, ta đã có biện pháp đề phòng nên không thiệt hại về người, qua đó đánh bại âm mưu của địch là làm tê liệt hoạt động của Ban Liên hợp quân sự và phá hoại Hiệp định Paris.

Cuộc đấu thầm lặng sau Hiệp định Paris - kỳ 1: Phía sau rào thép gai Trại Davis ảnh 2
Nơi ở hai đoàn ĐBQS của ta tại Trại Davis. Ảnh: T.L

“Pháo đài” trong lòng địch

Đại tá Đinh Quốc Kỳ, nguyên sĩ quan liên lạc của Đoàn ĐBQS Chính phủ CMLTCHMNVN cho biết, ngoài những thủ đoạn lớn trên, địch còn giở các “trò bẩn” khác là đặt máy nghe trộm, cắt điện nước nơi hai đoàn ĐBQS của ta ở Trại Davis. Khi đó, Ban An ninh của đoàn phải dò từng nơi và phát hiện một số thiết bị nghe trộm được gắn rất tinh vi trong tường, nên tháo được các thiết bị này để bảo đảm bí mật. Còn việc bị cắt nước, khi ta tổ chức đào giếng, liền bị địch vu là đào hầm bí mật. Ta đã đưa hẳn địch vào, chỉ rõ giếng nước khiến đối phương “tẽn tò”. Với việc bị cắt điện, đoàn ta vẫn bình thản chịu đựng dù phải sống trong những căn nhà lợp phibroximăng tại trại Davis dưới cái nắng như thiêu đốt. Điều này khiến các Đoàn quân sự của Hung-ga-ri và Ba Lan (trong Ủy ban Quốc tế kiểm soát và Giám sát việc thi hành Hiệp định Paris) khi đến nơi đã phải thốt lên: “Chỉ có đạo quân này chịu đựng được như thế”.

Nhận định về vai trò của hai Đoàn ĐBQS của ta tại Trại Davis, trong cuốn sách “Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Cũng có thể coi đây là một hàn thử biểu báo thời tiết chính trị - quân sự lúc này, đặt ngay trong lòng địch…”.

CCB Phạm Văn Lãi, thời kỳ đó là chiến sĩ làm nhiệm vụ chiếu phim phục vụ cán bộ, chiến sĩ ta trong Trại Davis nhớ lại: Ngày ấy, dù cuộc sống bị giới hạn bởi những hàng rào dây thép gai với các vọng gác của địch xung quanh, nhưng các thành viên hai đoàn ĐBQS của ta vẫn rất bình thản, sống trật tự và có kỷ luật. Những hoạt động thể thao (như chơi bóng bàn, bóng chuyền) và giải trí (ca nhạc, chiếu phim) được duy trì đều đặn. Có những đợt bị địch gây khó khăn trong việc tiếp tế khiến phải chiếu lại phim cũ, nhưng mọi người vẫn vui vẻ, lạc quan nói với nhau “hôm nay Trần Quốc Toản lại ra quân” (ý nói khi xem lại phim Trần Quốc Toản ra quân).

Cuộc đấu thầm lặng sau Hiệp định Paris - kỳ 1: Phía sau rào thép gai Trại Davis ảnh 3
Đoàn ĐBQS của ta cho đại diện chính quyền VNCH xem giếng nước do ta đào trong Trại Davis. Ảnh: T.L

Những hành động trên đã biến Trại Davis trở thành một “Pháo đài” của ta trong lòng địch. Cũng như trong quá trình đàm phán ở Hội nghị Paris, đấu tranh dư luận luôn là một nhiệm vụ quan trọng trong việc thực hiện Hiệp định Paris ở miền Nam. Hai đoàn ĐBQS của ta đã thực hiện nhiệm vụ này một cách chủ động, tích cực ngay từ ngày đầu tới Trại Davis. Ta đã khai thác tất cả các diễn đàn (Ủy ban Quốc tế, Ban Liên hợp Quân sự, họp báo hàng tuần, quan hệ với các nhà báo…) và kịp thời nắm bắt các diễn biến trên chiến trường để có được những thông tin, bằng chứng xác thực về hành động của đối phương để thực thi nhiệm vụ. Kết quả, ngày 29/3/1973, quân viễn chinh Mỹ và chư hầu đã phải về nước, khiến chế độ VNCH mất hẳn chỗ dựa quân sự. Tiếp đó, đoàn buộc địch phải trao trả những cán bộ, chiến sĩ của ta bị bắt trong chiến tranh, bước đầu hoàn thành sứ mệnh của mình sau khi Hiệp định Paris được ký kết.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.