Những ngày tháng Tư lịch sử tại Trại Davis
Tại cuộc Triển lãm “Hội nghị Paris- Cuộc đàm phán lịch sử” đầu tháng 1/2023 vừa qua, cánh phóng viên chúng tôi bị thu hút bởi cuốn tư liệu “Thi hành Hiệp định Paris: Góc nhìn của các nhân chứng lịch sử” do Ban liên lạc Cựu chiến binh Ban liên hợp Quân sự (CCBBLHQS) Trại Davis biên soạn tháng 12/2022 để mang tới Triển lãm.
Theo cuốn tư liệu này, sau khi Hiệp định Paris ký kết, Sài Gòn là điểm nóng của thế giới thời bấy giờ, đã thu hút sự có mặt của 500 phóng viên nước ngoài, 77 cơ quan đại diện thông tấn, báo chí của các nước phương Tây (trong đó có 21 cơ quan đại diện của Mỹ). Họ chú ý theo dõi từng động thái hai đoàn đại biểu quân sự (ĐBQS) của ta, ráo riết săn lùng những tin tức nóng nhất và đưa tin kịp thời nhất “đến tận buồng ngủ của các gia đình Mỹ”.
Vì vậy, Sài Gòn (mà hạt nhân là Trại Davis) là địa bàn lý tưởng để ta tiến hành các cuộc đấu tranh dư luận. Nhờ sự phối hợp tốt giữa đấu tranh dư luận với đấu tranh vũ trang, ta ngày càng chiếm ưu thế trong cuộc chiến giải phóng dân tộc.
Đại tá Đào Chí Công, Trưởng Ban Liên lạc CCBBLHQS Trại Davis cho biết, tháng 4/1975, khi quân ta liên tiếp giành thắng lợi trên các chiến trường, thì tại Trại Davis, địch đã điều thêm xe tăng, xe thiết giáp đến để đe dọa, kiểm soát ta.
Đại tá Đào Chí Công (giữa) cùng các đồng đội hồi tưởng về những năm tháng tại Trại Davis Ảnh: KIẾN NGHĨA |
Trước tình hình đó, đã có kế hoạch điều đặc công đột nhập vào Trại Davis để đưa phái đoàn của ta ra, nhưng tất cả đã xin phép cấp trên không rút lui. Ta trụ lại đây bằng cách bí mật đào hầm chiến đấu bằng các dụng cụ thô sơ. Nếu như trước đây, các thành viên tại Trại Davis đào giếng để lấy nước, thì nay cũng với phương pháp đó, ta bắt đầu đào hệ thống giao thông hào để nối thông các căn nhà cùng hai hầm chỉ huy dã chiến.
Để che mắt quân địch vẫn giám sát bên ngoài, ban ngày, mọi hoạt động tại Trại Davis vẫn diễn ra bình thường, nhưng về đêm, ta tiến hành mọi việc theo kế hoạch. Dụng cụ đào đất là các lưỡi lê, dao găm và những thanh sắt cũ. Chỉ khoảng chục ngày, công việc đã hoàn tất.
Toàn Trại Davis được bố trí thành khu chiến đấu liên hoàn, các giao thông hào, hầm dã chiến đều được đậy nắp kín và lấp đất bên trên như địa đạo. Tất cả đã sẵn sàng nếu cuộc chiến diễn ra tại đây.
Binh lính VNCH canh gác bên ngoài Trại Davis Ảnh: T.L |
Nhưng những diễn biến của tháng 4/1975 khiến địch không dám manh động khi đoàn ta trong Trại Davis vẫn tiến hành họp báo đều đặn theo kế hoạch.
Ngày 26/4, trong cuộc họp báo có rất đông phóng viên quốc tế, đại tá Võ Đông Giang, Phó Trưởng đoàn Chính phủ CMLTCHMNVN yêu cầu Mỹ phải chấm dứt mọi can thiệp vào tình hình nội bộ miền Nam, và chính quyền VNCH phải đầu hàng vô điều kiện. Cuộc họp báo chứng tỏ thế đứng vững vàng của người chiến thắng trên mặt trận đấu tranh dư luận.
Về phía các nhà báo quốc tế, họ cũng hiểu được chế độ VNCH sẽ sụp đổ trong nay mai nên chủ yếu cập nhật tin tức diễn ra rất thần tốc trên các chiến trường. Trong giờ giải lao, nhiều nhà báo đã tranh thủ chụp ảnh với đoàn ta, vì biết đâu đây sẽ là buổi họp báo cuối cùng. Và đúng như vậy, ngày 28/4, cả sân bay Tân Sơn Nhất rung chuyển khi máy bay của ta tiến hành tập kích cứ điểm này. Khi đó, đoàn ta tại Trại Davis nằm trong khu vực này đã xuống hầm tránh, và tất cả cảm nhận được ngày giải phóng Sài Gòn đang đến rất gần.
Trong cuốn “Đại thắng mùa xuân”, Đại tướng Văn Tiến Dũng có đoạn nói về Trại Davis: “Trong thế trận chung to lớn đã hình thành bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh, các đồng chí của ta ở Tân Sơn Nhất cũng có cái riêng của mình, là thế đứng công khai hiên ngang giữa lòng địch. Thế đứng đó không những tiêu biểu cho cách mạng, cho đại nghĩa về mặt chính trị mà còn giúp cho Đảng hiểu được lòng dân đối với sự nghiệp giải phóng và hiểu kẻ thù trước ngày chúng giãy chết. Chắc là trong những ngày sôi sục này, các đồng chí mong quân đội ta vào hơn ai hết…”.
Vui sao nước mắt lại trào
Trong cuốn tư liệu “Thi hành Hiệp định Paris: Góc nhìn của các nhân chứng lịch sử”, các CCBBLHQS Trại Davis cho biết, ngày 29/4, tân Tổng thống VNCH Dương Văn Minh cử đoàn đại diện gồm ba người đến Trại Davis để thảo luận về vấn đề bàn giao chính quyền.
Đại tá Võ Đông Giang đã mời họ xuống hầm để bảo đảm an toàn, và cả ba đều ngạc nhiên trước hệ thống giao thông hào và hầm do ta mới đào.
Sau khi bình tĩnh, họ trình bày muốn đến đây để đề nghị được thương lượng, tránh thương vong cho lực lượng hai bên.
Đại tá Võ Đông Giang giải thích lại chính sách của ta như đã tuyên bố tại cuộc họp báo ngày 26/4 nói trên và yêu cầu chính quyền của Tổng thống Dương Văn Minh phải đầu hàng vô điều kiện. Nghe vậy, ba vị khách xin phép ra về. Nhưng lúc này, đại pháo của ta vẫn bắn tới tấp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, nên các vị khách đã nghe theo lời khuyên là tạm ở lại Trại Davis trong đêm.
Sang ngày 30/4/1975, đại pháo của ta vẫn bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất đến 8 giờ sáng. Sau khi pháo ngừng hẳn, Đại tá Võ Đông Giang tiễn ba vị khách rời Trại Davis để về Sài Gòn. Lúc này, đoàn ta tại Trại Davis nghe rõ tiếng động cơ của xe tăng quân giải phóng vượt qua sân bay Tân Sơn Nhất để tiến vào trung tâm Sài Gòn.
Tiếp đó, lực lượng mũi nhọn của ta tiến vào Trại Davis. Tất cả đoàn ta tại đây nhảy lên vui sướng, rồi ôm lấy nhau, mắt nhòa lệ vì xúc động. Trong khi đó, lúc này ngoài Trại Davis không còn một bóng lính ngụy, chỉ thấy mặt đường la liệt vũ khí, mũ sắt, quần áo, giày… của chúng vứt lại khi tháo chạy.
Ngày 1/5/1975, Bộ tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh đã tập kết tại Trại Davis, cơ sở cách mạng được bảo vệ an toàn nhất Sài Sòn vào thời điểm đó. Ngày 2/5/1975, cũng trong Trại Davis, Bộ Tư lệnh họp khẩn, với sự hiện diện của 5 cánh quân để bàn về nhiệm vụ cấp bách sau khi giải phóng Sài Gòn.
Đại diện chiến dịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh công chận Đoàn ĐBQS ta trong Ban HLQS ở Trại Davis là đơn vị trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Bên cạnh 5 cánh quân tiến vào Sài Gòn, Đoàn là mũi tiến công thứ 6, mũi tiến công ngoại giao quân sự hết sức độc đáo, đặc sắc của chiến tranh nhân dân Việt Nam”.