Sơn La nói gì về việc truy xuất nguồn gốc đào rừng khiến hoạt động buôn bán tê liệt?

Sơn La nói gì về việc truy xuất nguồn gốc đào rừng khiến hoạt động buôn bán tê liệt?
TPO - Hiện nay, Sơn La đã rà soát xong 7 huyện có đề nghị dán tem truy xuất nguồn gốc với 5.000 gốc đào và đã được cập nhật vào hệ thống quốc gia. Tinh thần chung là không cần xác nhận về giấy tờ và thủ tục mà chỉ cần dán tem là có thể buôn bán, vận chuyển được.

Mới đây, người dân và giới buôn đào tại Sơn La phản ánh tình trạng cơ quan chức năng tại một số địa phương của tỉnh này này yêu cầu truy xuất nguồn gốc khiến hoạt động mua bán đào Tết năm nay gặp nhiều khó khăn. Đáng chú ý, chiều 18/1, một xe chở gốc đào mua của người dân ở Háng Đồng (huyện Bắc Yên, Sơn La) đã bị lực lượng chức năng huyện giữ lại để truy xuất nguồn gốc.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Trần Dũng Tiến, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La cho biết, tại Sơn La, phần lớn là đào người dân trồng trong vườn. Số lượng nằm rải rác manh mún, chỉ tại huyện Vân Hồ và Mộc Châu có số lượng tập trung. Nếu quy ra diện tích có đào trồng trên toàn tỉnh có khoảng 5.000 ha.

Sơn La nói gì về việc truy xuất nguồn gốc đào rừng khiến hoạt động buôn bán tê liệt? ảnh 1 Lãnh đạo Sở NT&PTNT Sơn La khẳng định phần lớn đào ở tỉnh này đều do người dân trồng

Theo ông Tiến, việc dán tem truy xuất nguồn gốc, tỉnh đang triển khai thí điểm tại huyện Vân Hồ. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, còn Sở NN&PTNT chỉ phối hợp thực hiện.

“Tinh thần chung là không cần xác nhận về giấy tờ, thủ tục mà chỉ cần tem là được. Trước mắt, loại tem này chỉ có giá 1-2 nghìn đồng và phát cho hộ dân. Còn vụ xe đào bị giữ lại, các cơ quan chức năng đã xử lý xong để xe đào này được lưu thông bình thường”, ông Tiến cho hay.

Ông Hà Mạnh Hùng, Phó giám đốc Sở KH-CN Sơn La cho biết, trên thực tế việc truy xuất nguồn gốc cây đào tại tỉnh được thực hiện theo Quyết định 100/2019 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc) chứ không phải thực hiện theo yêu cầu “cấm chặt đào rừng” mới đây của Chính phủ. Bởi, Sơn La xác định đào là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh.

Theo ông Hùng, năm nay, cũng là năm đầu tiên Sơn La triển khai vấn đề này. Tuy nhiên, việc dán truy xuất nguồn gốc đối với đào sẽ không bắt buộc, mà tùy vào nhu cầu, điều kiện của người dân và tiểu thương. Hiện, tỉnh đã rà soát xong 7 huyện có đề nghị dán tem truy xuất nguồn gốc với 5.000 gốc đào và đã được cập nhật vào hệ thống quốc gia.

Sơn La nói gì về việc truy xuất nguồn gốc đào rừng khiến hoạt động buôn bán tê liệt? ảnh 2 Một vườn đào rừng do người dân tại huyện Vân Hồ trồng dù đã sát Tết nhưng chưa có thương lái hỏi mua

“Tem này được gọi là tem truy xuất quốc gia, chứ không phải nhãn hiệu gì cả. Chỉ cần quét mã QR code là sẽ biết được đào này do hộ nào trồng đào, ở đâu, trên đất gì. Người dân ai có nhu cầu thì khai báo và đăng ký là sẽ được”, ông Hùng nói.

Liên quan đến việc mới đây, chính quyền xã Tà Xùa (huyện Bắc Yên, Sơn La) yêu cầu người buôn đào phải ký vào giấy xác nhận về nguồn gốc đào mua từ người dân với rất nhiều xác nhận của các cơ quan chức năng, ông Thào A Mua, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên cho hay, đó là khi chưa có hướng dẫn.
"Còn hiện, tỉnh đã ban hành chủ trương dán tem truy xuất nguồn gốc, và các cơ quan chuyên môn đang triển khai. Khi có hướng dẫn cụ thể, chúng tôi sẽ chuyển sang dán tem để người dân thuận lợi trong mua bán", ông Xùa cho hay. 
Về việc dán tem cho đào trên địa bàn huyện Vân Hồ, bà Nguyễn Thị Lư, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Vân Hồ, “thủ phủ” đào rừng Tây Bắc, cho biết, UBND huyện Vân Hồ sau khi ra thông báo về từng xã, bản để nắm bắt nhu cầu thực tế của người dân đã thiết kế hai mẫu tem xác định nguồn gốc đào trồng của người dân trên địa bàn. Một loại kích thước dài 4x15 cm và loại 4x20 cm trên nền in dòng chữ “Hoa đào Vân Hồ” và có chữ ký ẩn của Trưởng phòng NN&PTNT huyện.
Sơn La nói gì về việc truy xuất nguồn gốc đào rừng khiến hoạt động buôn bán tê liệt? ảnh 3 Hai mẫu tem được thiết kế với kích thước khác nhau, trên nền đều in dòng chữ “Hoa đào Vân Hồ” và có chữ ký ẩn của Trưởng phòng NN&PTNT huyện này.
Tính đến ngày 21/1, UBND huyện Vân Hồ đã phát ra khoảng 10.000 tem xác định nguồn gốc đào trồng đến tay người dân. Huyện in xong, chuyển đến các xã, bản rồi giao về tận tay các hộ dân. UBND các xã cũng thành lập tổ cấp phát, kiểm soát, bao gồm Chủ tịch UBND, Trưởng Công an xã, Trưởng bản và công an viên. Tổ này kiểm soát chặt chẽ số lượng tem phát ra, đảm bảo cấp đúng cho các hộ trồng đào theo số lượng đào hiện có tại nương, vườn.

“Khi người buôn đào có nhu cầu mua đào của người dân, tổ cấp phát sẽ có mặt để giám sát việc dán tem vào thân gốc đào. Như vậy vừa khách quan, cũng như nghiêm cấm cấp phát tem tràn lan, sai đối tượng”, bà Lư nói.

Sơn La nói gì về việc truy xuất nguồn gốc đào rừng khiến hoạt động buôn bán tê liệt? ảnh 4  Đào của người dân trồng sau khi chặt được dán tem truy xuất nguồn quốc tại huyện Vân Hồ

Cũng theo bà Lư, ngoài việc dán tem, những người buôn đào sau khi mua, cơ quan chức năng kiểm đếm số lượng thì chính quyền địa phương sẽ cấp thêm một giấy xác nhận đào của người dân trồng để việc vận chuyển về xuôi được thuận lợi.

“Thực tế đào sống trong rừng không còn nhiều mà chủ yếu là do người dân trồng, chăm sóc. Đào phát triển rất nhanh, chỉ khoảng 2 năm là có cành đào rất đẹp. Bà con cũng mong đến dịp Tết bán đào, cải thiện cuộc sống nên chúng tôi luôn cố gắng để việc buôn bán đào được diễn ra thuận lợi nhất”, bà Lư nói thêm.

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn:

Truy xuất nguồn gốc đào nhưng không được gây ách tắc lưu thông

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT cho rằng việc truy xuất hàng hoá là xu thế tất yếu nhưng phải làm minh bạch, không làm phát sinh thêm thủ tục và không gây ách tắc lưu thông đào. Theo ông Hà Công Tuấn, Thủ tướng Chính phủ không cấm chặt, khai thác cây đào, cây hoa mà người dân trồng. Thậm chí, những loại cây này đã trở thành hàng hoá, thành nguồn thu nhập của người dân. Qua chuyến đi thực tế ở Lào Cai mới đây, ông Tuấn cho biết, Lào Cai gần như không còn đào trên rừng để chặt, tuy nhiên, cần phải kiểm soát, quản lý rừng tốt từ địa bàn, từ cơ sở…

“Về lâu dài, cây đào có hiệu quả nếu trồng trên đất nông nghiệp, trồng ở vườn nên các địa phương trồng nhiều đào cần có chương trình, vận động bà con làm chứng nhận xuất xứ đối với loại cây này vừa đảm bảo thương hiệu, giá trị, được nhà nước bảo hộ cho việc làm ăn chân chính, chống phân biệt đối tượng chặt trên rừng mang về.

Phạm Anh
MỚI - NÓNG