'Đào rừng' khó về xuôi: Dân buôn bỏ cuộc, người trồng lo

Cây đào ở Tà Xùa, Bắc Yên bắt đầu nở hoa
Cây đào ở Tà Xùa, Bắc Yên bắt đầu nở hoa
TP - Thời tiết thuận lợi, “đào rừng” do người dân vùng cao trồng ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán, nhưng việc phải truy xuất nguồn gốc cây đào đã khiến nhiều người buôn đào bỏ cuộc. Trong khi đó, người dân không bán được hàng, lo mất Tết... 

Bà Nguyễn Thị Lư, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La), “thủ phủ” đào rừng Tây Bắc, cho biết, UBND huyện Vân Hồ đã xây dựng mẫu tem xác định nguồn gốc đào trồng của người dân trên địa bàn huyện. Có hai mẫu tem được thiết kế trên nền in dòng chữ “Hoa đào Vân Hồ” và có chữ ký của Trưởng phòng NN&PTNT huyện. Căn cứ nhu cầu của người dân trồng đào trên địa bàn, các xã đăng ký số lượng đặt in tem để cung cấp cho nhân dân. Sau khi được cấp tem, UBND các xã thành lập tổ cấp phát, kiểm soát, bao gồm Chủ tịch UBND, Trưởng Công an xã, Trưởng bản và công an viên. Tổ này kiểm soát chặt chẽ số lượng tem phát ra, đảm bảo cấp đúng cho các hộ trồng đào theo số lượng đào hiện có tại nương, vườn; nghiêm cấm cấp phát tem tràn lan, sai đối tượng.

“Tính đến thời điểm này, chúng tôi đã phát ra khoảng 10.000 tem xác định nguồn gốc đào trồng đến tay người dân. Mọi hoạt động đều minh bạch, dễ dàng để người trồng cũng như người buôn đào có cơ sở vận chuyển đào về xuôi. Dù mọi việc diễn ra nhanh, nhưng đến nay số lượng đào bán ra vẫn còn khá ít. Có nhiều nguyên nhân, nhưng trong số đó phải kể đến việc dân buôn đào đang nghe ngóng thông tin về việc cấm đào rừng”, bà Lư nói.

Có mặt tại xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La để khảo sát, mua đào rừng từ khá sớm, nhưng anh Nguyễn Văn Hiếu (có thâm niên gần 10 năm buôn đào rừng) có nguy cơ mất trắng một lô hàng khoảng 60 cành đào vì quy trình truy xuất nguồn gốc. “Mất 1 ngày khảo sát lựa chọn, tôi mua được 60 cành đào khá đẹp do bà con trồng. Chuẩn bị vận chuyển về Hà Nội thì lô hàng bị cơ quan chức năng giữ lại. Họ cho biết, cần có thời gian để cán bộ tới tận nhà dân xác minh xem có đúng đào rừng nhà trồng hay không. Nhiều dân buôn đào có mặt ở xã Tà Xùa, nhưng vì quy định truy xuất đào nên họ không dám mua”, anh Hiếu nói.

Theo anh Hiếu, sau khi bị cấm chuyển đào về Hà Nội, anh đã đến UBND xã Tà Xùa để hỏi thăm thông tin thì được biết, xã sẽ có danh sách số lượng đào rừng dân trồng gửi lên huyện để huyện gửi lên tỉnh. Sau khi tỉnh xác nhận, có công văn trả lời ngược lại thì dân mới được chặt đào nhà trồng đem bán.

Anh Phan Văn Bình  (Tây Hồ, Hà Nội) nói rằng, mấy hôm nay anh phải chạy ngược chạy xuôi hỏi thăm thông tin lô “đào rừng” của anh mua của người dân trên Tà Xùa bị cơ quan chức năng giữ lại. Nguyên nhân là do chính quyền xã Bắc Yên cần thời gian xác minh có đúng đào nhà trồng hay không. “Sau khi ra xã, tôi được UBND yêu cầu ký vào giấy xác nhận cành đào: Tôi mua hộ dân nào, số lượng ra sao, rồi chờ cán bộ đi kiểm chứng, với sự xác nhận của UBND xã, cán bộ địa chính nông nghiệp, kiểm lâm địa bàn. Vì lý do này, lô đào hơn 50 triệu của tôi bị giữ lại mất 3 ngày…”, anh Bình nói.

Theo anh Bình, thời điểm Tết đã cận kề, bắt đầu vào vụ mua bán “đào rừng”, nếu cứ chờ truy xuất nguồn gốc, dán tem chứng nhận... nhiều thủ tục như vậy, dân buôn không dám đánh hàng tiếp, người dân cũng không thể chặt đào rừng mà mình trồng để bán. Hơn nửa tháng nay, việc buôn bán “đào rừng” trồng ở một số tỉnh như Điện Biên, Sơn La, Lai Châu… dường như bị tê liệt.

Người trồng chịu thiệt

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Tếnh A Chìa, Chủ tịch UBND xã Lóng Luông (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La), cho biết, đến thời điểm hiện tại, hơn 300 ha đào của người dân xã này vẫn chưa được khai thác. Theo ông Tếnh A Chìa, tại xã Lóng Luông, đào là một cây trồng mang lại thu nhập cao cho bà con mỗi khi Tết đến. Thông thường, bắt đầu vào từ tháng 11 âm lịch, việc buôn bán đào ở các bản trong xã diễn ra rất nhộn nhịp.

'Đào rừng' khó về xuôi: Dân buôn bỏ cuộc, người trồng lo ảnh 1  Nông dân ở Bắc Yên, Sơn La đưa đào ra chợ bán

“Người dân trong xã có vườn đào cả chục năm tuổi không dám rao bán. Các thương lái năm nay chưa có ai lên hỏi mua. Hiện, chúng tôi đã có văn bản kiến nghị UBND cấp huyện, tỉnh xác nhận nguồn gốc cây đào trồng, để người dân yên tâm sản xuất, trồng theo quy mô lớn. Nhưng đến nay, xã chưa nhận được văn bản hướng dẫn của huyện, tỉnh. Nếu không sớm xử lý nhanh, đào lỡ thời gian khai thác sẽ rất lãng phí và gây thiệt hại lớn cho bà con”, ông Chìa nói.

Đại diện Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, huyện Vân Hồ nói rằng, trước yêu cầu truy xuất nguồn gốc, huyện đã ra mẫu tem nhận dạng nguồn gốc để dán lên cây đào trước khi khai thác, vận chuyển. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện 100% là đào người dân trồng trong vườn, nên sau đó UBND huyện đã bỏ tem này. “Nhưng bất cập, nhiều thương lái đang ép bà con để giá giảm. Chẳng hạn, cành đào giá 250-400 nghìn đồng, thì bị giảm đến 80-120 nghìn đồng, còn gốc đào đẹp, lâu năm 1-1,3 triệu đồng, bị giảm 300-400 nghìn đồng. Số lượng mua, bán cũng chậm hơn so với mọi năm”, vị này nói. 

Anh Nguyễn Tiến Thượng, đầu mối chuyên bán "đào rừng" khu vực Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội), nói rằng, mọi năm tầm thời điểm giữa tháng Chạp, đào rừng đã được bày bán rất nhiều dọc hai bên đường Lạc Long Quân. “Dân buôn chúng tôi phải tiếp tục chờ thông tin hướng dẫn, chứ đi lên rồi không mua được sẽ mất thời gian, tốn tiền bạc” anh nói.

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn mới đây ký văn bản gửi các địa phương liên quan việc tăng cường công tác bảo vệ rừng và quản lý, truy xuất nguồn gốc cây đào do người dân trồng khai thác bán dịp Tết Nguyên đán 2021. Bộ đề nghị UBND các tỉnh tăng cường chỉ đạo, quản lý tại cơ sở; tuyên truyền, vận động không để lợi dụng chặt, phá cây rừng; tùy theo điều kiện cụ thể địa phương có thể áp dụng biện pháp xác nhận nguồn gốc, xuất xứ phù hợp.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.