Sính ngoại

Sính ngoại
TP - Vẫn biết đang hội nhập toàn cầu thì việc dùng chữ nước ngoài khi “giao lưu” là cần thiết. Nhưng quá đề cao “chữ ngoại” đến mức lạm dụng thì thật khó chấp nhận.

Có chuyện một cơ quan thuộc lĩnh vực thiết kế, xây dựng nhà cửa đã sử dụng từ tiếng Anh 'erection' trong biển tên cơ quan của mình khiến người nước ngoài mỗi lần đi qua cứ bụm miệng cười.

Vì từ erection thiên về nghĩa sự dựng lên, sự cương cứng của cơ quan sinh dục nam. Người nước ngoài không bao giờ dùng từ này để mang nghĩa xây dựng.

Để ý một chút có thể nhận thấy nhiều nơi phần tên cơ quan, Cty, doanh nghiệp… tiếng nước ngoài trên biển tên lại được viết, được in rất to, trang trọng hơn phần tiếng Việt.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng vậy. Chỉ có mỗi từ viết tắt WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới) vậy mà phát thanh viên mỗi người đọc mỗi kiểu: “Vê kép- tê- ô” “Vê đúp -tê- ô” “Đấp liu- thi- âu”.

Vừa rồi trong chương trình Bài hát Việt, người dẫn chương trình nói “nửa nạc nửa mỡ” như: “Đây là chương trình lai-sâu (liveshow) Bài hát Việt … nằm trong sê-ri (series)…”. Chẳng lẽ tiếng Việt hết chữ để diễn tả rồi sao mà phải vay mượn tiếng nước ngoài tùm lum thế!

Phim ảnh cũng vậy. Dư luận đang xôn xao về bộ phim Sài Gòn nhật thực không chỉ về nội dung mà ngay cả việc lồng tiếng và lời thoại lúc bằng tiếng Tây, lúc tiếng Việt… Rồi một thực tế vẫn diễn ra, các cô gái, thường là những người đẹp, thi nhau “kén chồng ngoại”, ít ra cũng Việt kiều.

Nhiều bạn trẻ lúc nào cũng coi những gì của “ngoại” là số một. Săn lùng được “hàng hiệu - hàng ngoại” là phô diễn hết  mức. Mở miệng là nói tiếng Tây ngay cả những lúc không cần thiết. Chúng ta “bơi ra biển lớn” hòa nhập với thế giới để khẳng định mình chứ đâu phải để hòa tan mình trong đại dương xanh thẳm mà ẩn chứa “sóng thần” ấy.

MỚI - NÓNG