Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang vừa có ý kiến chất vấn gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) liên quan tới dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Đại biểu Quốc hội địa phương này cho rằng, nhiều nước trong khu vực có trình độ phát triển tương đương, hoặc thấp hơn Việt Nam đã có đường sắt tốc độ cao, như Lào, Indonesia.
Với Việt Nam, Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam từng được trình Quốc hội khoá 12 nhưng chưa được thông qua. Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang cho rằng đây là thời điểm thích hợp để xem xét, quyết định đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. |
Bộ GTVT cho biết, theo quy hoạch, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã xác định lộ trình đầu tư trước năm 2030. Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 49-KL/TW ngày 28/2/2023 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu phê duyệt chủ trương đầu tư trong giai đoạn tới năm 2025.
Triển khai nhiệm vụ trên, Thủ tướng đã lập Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án quan trọng quốc gia. Ban Chỉ đạo đã họp cho ý kiến chỉ đạo về nội dung đề án. Bộ GTVT đã lấy ý kiến các Ban đảng Trung ương, các Ủy ban của Quốc hội và các bộ ngành để hoàn thiện đề án và trình thường trực Chính phủ.
Theo Bộ GTVT, sau khi đề án được cấp có thẩm quyền thông qua, bộ sẽ hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, và trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư trong nhiệm kỳ này, phấn đấu khởi công xây dựng 2 đoạn ưu tiên trước năm 2030 (đoạn Hà Nội – Vinh và Nha Trang - TPHCM).
Trước đó, Chính phủ đã họp cho ý kiến về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, một trong những nội dung được định hướng là hoàn thiện phương án đầu tư tuyến đường sắt mới, tốc độ thiết kế 350 km/h; định hướng tiếp cận nội đô Hà Nội và TPHCM.
Thời gian qua, định hướng thực hiện Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam thu hút nhiều quan tâm của người dân.
Cuối năm 2019, Bộ GTVT đã trình Chính phủ dự thảo báo cáo tiền khả thi dự án, với 2 phương án là đầu tư đường sắt mới tốc độ 250 km/h kết hợp khai thác khách và hàng, hoặc đường sắt mới tốc độ 350 km/h chỉ chạy tàu khách. Trong đó, Bộ GTVT có hướng chọn phương án đường sắt mới chỉ chở khách tốc độ 350 km/h, còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại nghiêng về chọn phương án đầu tư đường sắt tốc độ 250 km/h kết hợp chạy tàu khách và hàng.