Huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) đang thực hiện giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16 với nhiều điểm phong tỏa do liên quan đến các ca mắc COVID-19. Đây cũng là thời điểm thu hoạch sầu riêng nên việc tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn.
Nhà ông Nguyễn Văn Nam (thôn 8, xã Ea Tiêu) có vườn sầu riêng đã tới mùa thu hoạch nhưng không thấy thương lái đến mua. “Giờ này năm trước, thương lái đã tới tận vườn tranh nhau mua, giá dao động từ 40-50 nghìn đồng/kg. Còn bây giờ, tôi đợi mãi không thấy ai đến, gọi điện thoại thì họ bảo chưa biết tiêu thụ ở đâu. Tôi hỏi mấy nhà kế bên bán lẻ cho các điểm thu mua, giá chỉ 15 nghìn đồng/kg. Hơn 10 năm trồng sầu riêng, đây là lần đầu tôi thấy giá rớt thảm như vậy”, ông Nam nói.
Người dân cấp đông sầu riêng vì bán không được, ăn không hết |
Chị H’Li Ka (buôn Ea Mta, xã Ea Bhôk) cho biết, mấy ngày nay gia đình chị và nhiều hộ trong buôn không bán được trái sầu riêng nào vì không thể ra ngoài do lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Sầu riêng ăn không hết, chị cấp đông, tuy nhiên nhiều nhà không có tủ lạnh, phải bỏ bằng cách để rụng ngoài vườn hoặc cho heo ăn.
Một vựa thu mua sầu riêng đóng cửa |
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Ea Tiêu cho biết, hiện giá sầu riêng rất thấp. Sầu riêng truyền thống giá 7-8 nghìn đồng/kg, sầu riêng ghép dao động 12-18 nghìn đồng/kg. Để tạo điều kiện cho nông dân tiêu thụ sản phẩm, ông Dũng cho các hộ dân tập kết sản phẩm lại một chỗ, sau đó dùng xe cày chở ra các đầu chốt kiểm soát dịch bán cho thương lái.
Người dân đưa sầu riêng ra khu cách ly |
Ông Phạm Văn Khoa, Chủ tịch UBND xã Ea Ktur – nơi có nhiều điểm bị phong tỏa do liên quan đến các ca mắc COVID-19 cho hay, trong thời gian phong tỏa, người dân không được ra khỏi nhà, đi rẫy nên không thể thu hoạch sầu riêng. Về việc này, UBND xã báo cáo và UBND huyện đã cho chủ trương sau khi dịch được kiểm soát, sẽ rà soát, thống kê thiệt hại để hỗ trợ.
Không riêng khu vực bị phong tỏa gặp khó trong tiêu thụ sầu riêng mà nông dân huyện Cư M'gar cũng "than trời" vì hẹp đầu ra. Anh Đặng Huy - chủ một vựa sầu riêng ở Cư M'gar cho biết, người mua được giá là các thương lái miền Tây. Đợt rồi, họ đã chốt giá sầu riêng 50 nghìn đồng/kg, nhưng do dịch dã, giá giảm một nữa vẫn không thể lên cắt. Trong khi đó, sầu riêng Ri 6, Dona khi già hạt phải thu hoạch.
Sầu riêng nhà anh Huy đã tới ngày thu nhưng không có người mua |
Vườn sầu riêng nhà anh Huy dự kiến 30 tấn, nhưng giờ phải bán nhỏ giọt vài tạ. Bán không hết, sầu rụng đầy gốc, chim, sóc rừng, gà cắn phá, đã bỏ đi vài tấn. “Tôi cũng tìm cách bán cho các mối ngoại tỉnh nhưng dịch dã, xe khách, xe tải không chạy, đành bó giò; tôi cũng không thể chở hàng lên TP.Buôn Ma Thuột vì trên đó đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Vụ này tôi thiệt hại hơn 1 tỷ, kế hoạch trả nợ ngân hàng coi như không thành”, anh Huy nói.
Sầu riêng tính bằng đầu tấn nhưng bây giờ anh Huy chỉ bán nhỏ giọt |
Không chỉ Đắk Lắk, nông dân Gia Lai cũng gặp khó vì giá trái cây giảm mạnh, việc tiêu thụ gặp khó khăn vì dịch COVID-19. Anh Lê Công Hùng (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) thông tin, từ đầu vụ đến nay, 30 cây bơ của gia đình chỉ bán được vài chục cân (kg), còn 20 cây mít thái và 200 cây đu đủ chín rụng khắp vườn nhưng không có người mua.
Bơ rụng đầy gốc nhưng không có người mua |
“Năm trước các loại trái cây cho gia đình tôi thu hoạch khá ổn. Tuy vậy năm nay đu đủ, mít thái chín cả vườn nhưng không có thương lái tới mua, giá bơ còn khoảng 4 nghìn đồng một ký cũng chẳng mua”, anh Hùng chia sẻ.
Tại huyện Chư Sê, ông Nguyễn Văn Hợp- Trưởng phòng NN&PTNT huyện này cho biết, đang thống kê tình trạng dư thừa trái cây của các nhà vườn để có giải pháp hỗ trợ, tìm đầu mối tiêu thụ. Bước đầu, huyện sẽ hướng dẫn người dân sử dụng mạng xã hội để quảng bá các loại trái cây đặc sản của địa phương nhằm tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Sầu riêng nhà anh Hùng sắp đến ngày thu hoạch |
Theo ông Đoàn Ngọc Có - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, tỉnh hiện có khoảng 20.000 héc-ta cây ăn quả, chủ yếu bơ, sầu riêng, cam... Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc tiêu thụ nông sản nói chung và trái cây nói riêng gặp khó khăn. Ông Có cho biết hiện Sở đang phối hợp Sở Công Thương, Hiệp hội Doanh nghiệp, các địa phương…triển khai các giải pháp tìm kiếm, kết nối thị trường tiêu thụ.