Sau những lặng thầm

0:00 / 0:00
0:00
Các bác sĩ đỡ đẻ thành công cho sản phụ mắc COVID-19 tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư
Các bác sĩ đỡ đẻ thành công cho sản phụ mắc COVID-19 tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư
TP - Chiến sĩ ngành y nơi tuyến đầu chống dịch không còn xa lạ với mọi người. Họ nhận được sự yêu thương, đồng cảm và biết ơn từ cộng đồng. Phía sau, không nhiều người biết đến, những nhân vật cũng lặng thầm góp sức vào cuộc chiến chưa thấy ngày kết thúc này…

Chiến trường không tiếng súng

“Chị ơi, chị đi đâu “hay ho” cho em theo với”, cứ mỗi lần mảng y tế có gì “nóng”, đặc biệt trong những đợt dịch COVID-19 bùng phát, tôi lại nhận được lời nhắn đó. Không phải cậu ấy không biết mức độ nguy hiểm của những chốn “hay ho” đó, nhưng lời nhắn như năn nỉ, như chia sẻ của cậu khiến tôi xao lòng. Ừ thì đi, có thêm đồng đội cũng đỡ cô đơn trong những ngày dịch bệnh hoành hành. Mỗi lần thấy ở đâu có sự kiện liên quan đến đại dịch tôi lại “phím” cho anh chàng luôn vác theo cả đống những túi đồ nghề máy ảnh, máy quay nặng chịch ấy. Sau này có lần tôi hỏi “làm sao cứ lọ mọ khắp nơi thế hả”, cậu ta lại cười hề hề buông câu: “Nghề mà chị, thấy chị đi em cũng không ở yên được”.

Tôi nhớ mãi hình ảnh anh chàng cao to, mồ hôi nhễ nhại, kiên nhẫn chọn từng góc chụp trong phòng bệnh. Cái dáng cúi rạp người xuống sát đất để hất ống kính lên lấy trọn vẹn hình ảnh mà theo cậu là quá ấn tượng hoặc lọ mọ vào nhà dân xin trèo lên ban công để chụp hình ảnh đoàn xe chở các công nhân từ Guine Xích đạo về nước mà nhiều người trong đó mắc COVID-19, hay những cú đảo người điệu nghệ trên xe phun thuốc khử trùng của bộ đội binh chủng hóa học để bắt kịp những hình ảnh “đắt” cho tôi hiểu, phía sau sự nhẫn nại đó là đam mê chảy trong huyết quản của chàng trai này.

Sau những lặng thầm ảnh 1

Phóng viên ảnh Hoàng Mạnh Thắng tác nghiệp tại vùng dịch

Cậu là phóng viên ảnh của báo Tiền Phong, người từng chia sẻ: “Đã xác định là một phóng viên, đặc biệt là phóng viên ảnh, phóng viên đa phương tiện, phải thâm nhập hiện trường để ghi hình, đưa tin. Dù em biết chuyến đi nào cũng chứa đựng những nguy cơ lây nhiễm”. Và tôi đã thấy một phóng viên năng động, mạnh mẽ như chính cái tên của cậu: Hoàng Mạnh Thắng.

Ở đợt bùng phát dịch thứ nhất, Thắng hầu như theo chân Binh chủng Hóa học tới phun khử khuẩn tại mỗi điểm cách ly, phong tỏa. Khi Hạ Lôi trở thành điểm nóng trong đợt dịch thứ 2, bạn đọc thấy những chùm ảnh, video nơi tâm dịch của Thắng đăng trên các ấn phẩm của báo Tiền Phong. Trong sự kiện này Thắng có 1 chùm ảnh đạt hơn 1 triệu lượt xem sau 24 giờ xuất bản, bởi nó là những hình ảnh độc quyền về cuộc sống trong vùng phong tỏa. Ngày hôm sau lại thấy Thắng có mặt tại khu cách ly đặc biệt của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, nơi điều trị cho bệnh nhân COVID-19 hay ghi hình ngay khu phố Trúc Bạch có ca bệnh được gọi là siêu lây nhiễm…

“Khi đó em lo lắng nhiều nhất là nguy cơ lây nhiễm cho gia đình và đồng nghiệp, nhưng cũng lại thấy cảm động về tinh thần của đội ngũ y bác sĩ nơi tuyến đầu, nên rất muốn ghi lại những hình ảnh của họ”, Thắng bộc bạch. Sau mỗi lần tác nghiệp về cậu thường “khoe” với tôi những sản phẩm của mình bởi Thắng hiểu những người cùng chọn cho mình một lối đi không giống nhiều người ở thời điểm đó dễ đồng cảm với nhau hơn.

Cuối tháng 1 vừa rồi, cận Tết, đợt dịch thứ ba bùng phát ở Hải Dương, số ca mắc trong khu công nghiệp với hàng ngàn công nhân tăng lên từng ngày. Những ca bệnh trong cộng đồng xuất hiện liên tiếp. Vẫn cá tính đó, vẫn nhiệt huyết ấy, Thắng không nề hà xung phong vào tâm dịch. Chuyến đi có thêm đồng đội Xuân Ân, phóng viên trẻ ban Pháp luật (báo Tiền Phong). Ngày 2 cậu lên đường đến với tâm dịch Hải Dương đang nóng bỏng, người ở lại như chúng tôi thầm hiểu với nhau rằng, những chàng trai ấy đã trưởng thành hơn, đã đi con đường dẫu hiểm nguy nhưng cũng đầy ý nghĩa.

Thời điểm ấy, nhà nhà đang chuẩn bị sắm sửa đón Tết Tân Sửu thì hai chàng phóng viên trẻ lại tay nải lên đường vào tâm dịch, dẫu biết phía trước là thăm thẳm hiểm nguy và vô vàn khó khăn. Họ chọn đi vào vùng dịch và biết chắc trở về sẽ phải cách ly 14 ngày, đồng nghĩa với không được đón Tết cùng vợ con, cha mẹ. Lúc bấy giờ không phải không có chút tiếc nuối, thương vợ con và vô cùng áy náy vì ngày Tết không về thăm được bố mẹ hai bên… nhưng những “chàng lính ngự lâm” nhủ lòng sẽ bình an trở về, như món quà năm mới mừng cha mẹ, vợ con.

Đôi lần xem ảnh hậu trường do đồng nghiệp chụp, thấy Thắng ngồi bệt xuống đường vì mệt, vì chỉnh sửa ảnh còn kịp gửi về tòa soạn hoặc cậu đang hò reo hết cỡ cùng các bác sĩ, người dân ở những điểm được gỡ phong tỏa cách ly thực sự khiến chúng tôi xúc động. Sự lăn xả đó đã cống hiến cho bạn đọc những hình ảnh chân thực nơi chiến trường đầy hiểm nguy, nơi các bác sĩ, điều dưỡng và biết bao người đang chiến đấu với kẻ thù vô hình mang tên SARS-CoV-2. Với Thắng và Ân đó sẽ là những ngày không bao giờ quên. Hai chàng trai tận mắt chứng kiến bao nỗi lo, những giọt nước mắt, những cuộc họp khẩn trong đêm...

Ngồi trên xe từ tâm dịch Hải Dương về Hà Nội, họ điện thoại hỏi khắp nơi để thuê phòng trọ tự cách ly nhưng không nơi nào nhận vì chủ nhà lo ngại nhỡ “có thế nào”. Thắng báo cáo về tòa soạn gấp tình hình của 2 người. “Sau khi Ban biên tập hội ý đã quyết định “nhường” cho 2 anh em hội trường rộng trên tầng cao nhất của báo để tự cách ly. Cuốc bộ lên đến tầng 9 của cơ quan đã thấy nào đệm, chăn màn sẵn sàng 2 bộ cùng rất nhiều đồ dùng thiết yếu được anh chị em cơ quan chuẩn bị sẵn”, Thắng nhớ lại.

Mùng 5 tết, 2 cậu nhận được tờ quyết định hoàn thành thời gian cách ly với dấu đóng đỏ chót được nhân viên y tế phường mang đến “mừng tuổi”.

Tâm thế sẵn sàng

Trở về nhà sau mỗi trận chiến kéo dài, nhìn con thơ chỉ muốn ấp ôm mà lại rụt rè không dám. Thấy ánh mắt mẹ cha đầy âu lo, thấy bời bời lo lắng từ người vợ trẻ, trong tâm trí các chàng trai tưởng như mạnh mẽ ấy lại cồn lên những đợt sóng của yêu thương. Lại tự hứa sẽ không để người thân thêm âu lo. Nhưng rồi, khi đợt dịch mới bùng lên, để lại gia đình phía sau, họ lại chuẩn bị tâm thế và hành trang cho những ngày bước vào tâm dịch mới và thăm thẳm những giờ phút cách ly sau cuộc chiến.

Sau những lặng thầm ảnh 2

Phóng viên Xuân Ân trong những ngày tác nghiệp tại tâm dịch Bắc Giang

Ngày 27/4, ca bệnh đầu tiên xuất hiện tại Bắc Giang, rồi Bắc Ninh. Số ca tăng từng ngày. Ân xung phong lên đường vào tâm dịch. Biến chủng virus từ ấn Độ có tốc độ lây lan quá mạnh, nhiều bệnh nhân dương tính không có triệu chứng không khiến cậu nao lòng. Ân chuẩn bị đầy đủ trang phục bảo hộ và cùng đoàn nhân viên y tế đi lấy mẫu trong tâm dịch Việt Yên (Bắc Giang). Mặc đồ bảo hộ cả ngày dưới nóng gần 40 độ C, cậu càng thấu hiểu hơn những vất vả mà những chiến sĩ ngành Y đang gánh vác. Có mặt liên tục tại những điểm nóng nơi tâm dịch để chuyển tải những thông tin chân thực đến bạn đọc, không phải không có những lo lắng, nhưng hơn tất cả Ân mong muốn mình có thể chia sẻ với nhân viên y tế và góp phần nhỏ bé vào đẩy lùi đại dịch.

“Có hôm, buổi sáng ngủ dậy thấy bên ngoài cửa kính có dán tờ giấy lớn in ảnh mấy anh em vừa ở tâm dịch cùng dòng chữ “Our heroes Tiền Phong - love you all” khiến bọn em vô cùng xúc động”, Thắng cười khẽ, quay sang vỗ vai người anh em đã kề vai sát cánh với mình những ngày đáng nhớ.

“So với sự cống hiến, hy sinh của các lực lượng tuyến đầu chống dịch, những việc mình đã làm được chưa thấm vào đâu. Đó hoàn toàn chỉ là trách nhiệm của một nhà báo, muốn đưa những thông tin chân thực nhất, kịp thời nhất tới bạn đọc. Những người làm báo như cầu nối để tiếp thêm niềm tin cho lực lượng tuyến đầu, đồng thời thắp lên trong cộng đồng ý thức chung tay chiến thắng dịch bệnh”, Ân chia sẻ.

Những phóng viên nghiệp dư từ tâm dịch

Những ngày hai bệnh viện lớn nhất nước bị phong tỏa do có ca mắc COVID-19, người người lo lắng, bởi dịch bệnh đã đánh vào cứ điểm trọng yếu nhất của hệ thống y tế. Khi ấy, mọi người đều muốn biết cuộc chiến bên trong những thành trì tưởng như vững chắc nhất của đại dịch thế nào. Vậy nhưng cánh phóng viên y tế như chúng tôi dù tìm mọi cách cũng không thể tiếp cận phòng bệnh nhân nặng, không thể tận mắt thấy những giờ phút cam go của đội ngũ nhân viên y tế đằng sau những vòng dây phong tỏa, những biển báo cấm vào chặn ngay từ cổng bệnh viện.

Sau những lặng thầm ảnh 3

Nhân viên y tế BV Bệnh Nhiệt đới tranh thủ nghỉ sau nhiều giờ làm việc căng thẳng

Tôi gọi cho Trần Thái Hà, cô gái nhỏ nhắn, nhân viên phòng Công tác xã hội (Bệnh viện K) mới hay, cô cùng đồng nghiệp đã ở trạng thái sẵn sàng cho việc bị cách ly, bởi mọi người xác định được mức độ lây lan nguy hiểm của đại dịch sẽ không dễ dàng tha cho nơi đang điều trị toàn bệnh nhân ung thư. Sáng đó, không dám ôm con gái nhỏ mới hơn 2 tuổi, Hà lặng lẽ rời nhà, mang theo vali đồ cá nhân, xác định ít nhất 14 ngày trong viện. Nhưng rồi thời gian kéo dài gấp đôi. Trong 28 ngày đó, cô trở thành trợ thủ đắc lực cho các tòa soạn.

Vài ngày sau khi Bệnh viện K bị phong tỏa, tôi gọi cho bác sĩ Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng phòng Công tác xã hội để “đặt hàng đề tài” nhờ anh chụp giúp hình ảnh tại các phòng bệnh. Không từ chối dù công việc lo cho hơn 3.000 con người đang cách ly còn bộn bề. Hà và bác sĩ Tĩnh mặc đồ bảo hộ đến các phòng bệnh, khu vực chế biến đồ ăn cho hàng nghìn con người. Mấy tiếng sau anh gửi cho tôi rất nhiều clip quay lại hình ảnh sinh hoạt của mọi người tại nơi cách ly vô cùng đặc biệt. Những câu hỏi phỏng vấn bệnh nhân, bác sĩ, hình ảnh lúc cận, lúc xa vô cùng sinh động và chuyên nghiệp của hai anh em đã giúp tòa soạn báo Tiền Phong có được những hình ảnh độc quyền đầu tiên từ tâm dịch bị phong tỏa.

Sau những lặng thầm ảnh 4

Hàng ngày bác sĩ Tĩnh soạn và đọc bản tin cho bệnh nhân nghe trong đợt phong tỏa

Nhiều ngày sau đó, các phóng viên y tế liên tục nhận được thông tin và hình ảnh từ bệnh viện bị phong tỏa chuyển ra. Cảm giác Hà trở thành phóng viên chiến trường chuyên nghiệp khi cô viết những bản tin sắc nét không khác gì các phóng viên y tế. Cô bảo, dù giữa tâm dịch nhưng mọi người đều không nao núng, rất mệt và rất bận nhưng guồng quay không dừng lại. Có những ngày bận quá vì mải lo công tác tiếp nhận đồ từ thiện cho bệnh viện Hà không có thời gian gọi điện cho con, không cả nghe điện thoại của bố mẹ.

Trước đó, kịch bản truyền thông đã được bác sĩ Tĩnh và đồng nghiệp xây dựng chi tiết. “Bệnh viện xác định ngoài báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế còn phải thông tin kịp thời cho người dân, nhất là những bệnh nhân ngoại trú và người nhà bệnh nhân đang trong vùng phong tỏa để họ không hoang mang, lo lắng”, bác sĩ Tĩnh chia sẻ. Nói là làm, những cuộc truyền trực tiếp từ Facebook của Bệnh viện K do bác sĩ Tĩnh dẫn chương trình và lãnh đạo bệnh viện trả lời các câu hỏi của người dân đã góp phần trấn an dư luận, đem lại sự yên tâm, tin tưởng cho bệnh nhân và người nhà.

Lần đầu tiên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư bị phong tỏa do có những ca mắc COVID-19 lây trong bệnh viện. Sự cố đó như đòn giáng xuống tuyến đầu điều trị những ca bệnh COVID nặng nhất. Dẫu biết các bác sĩ nơi đây đang vô cùng bận rộn và vất vả nhưng tôi vẫn đánh liều gọi cho thạc sĩ Đặng Thanh (Phòng Công tác xã hội), hy vọng chị có thể giúp bạn đọc có được những thông tin cập nhật từ đây.

Sau những lặng thầm ảnh 5

Thạc sĩ Đặng Thanh (bên phải) phỏng vấn bác sĩ điều trị bệnh nhân COVID-19

Dáng người nhỏ nhắn nhưng những nỗ lực của thạc sĩ Thanh khiến các phóng viên y tế thực sự nể phục và biết ơn. Rất chuyên nghiệp, chỉ sau vài giờ kể từ lúc nhận được “đầu bài” của các phóng viên, chị đã gửi ra những clip cận cảnh đội ngũ bác sĩ tuyến đầu đang chăm sóc hoặc cấp cứu bệnh nhân nặng ra sao. Hình ảnh những bệnh nhân khỏi bệnh được chị truyền lên nhóm thông tin báo chí. Cả những lời tâm sự đầy xúc động của nhân viên y tế. Nhờ đó bạn đọc có thể hình dung phần nào những nỗ lực và sự tận tâm của các chiến sĩ ngành y từng giây, từng phút cứu chữa bệnh nhân…

Vĩ thanh

Với nghề báo, mỗi bức ảnh đúng lúc, có nghề, chân thực và nhân văn mang sức mạnh công phá và cảm xúc không thua một phóng sự dài kỳ. Người ta xem, trầm trồ, đồng cảm, rung động với nhân vật, hình ảnh từ khung hình, nhưng mấy ai tự hỏi, để chụp được thế này, người cầm máy đã làm gì, ra sao? Câu hỏi ấy mãi mãi không lời đáp nếu như tác giả không lên tiếng. Theo nghề đã lâu, tôi thấy phóng viên ảnh thường ít nói về mình, về tác phẩm của mình. Họ lặng lẽ như chính những bức ảnh, nhưng đó là những khoảnh khắc căng thẳng và lay động tâm can nhất. Không có họ, không có những bức ảnh, bài báo với ngồn ngộn chữ nghĩa trở nên nặng nề. Thời 4.0, sự ngắn gọn, trực quan, hình ảnh cụ thể đã… chiếm sóng. Tôi hay tự hỏi: Cơn dịch này, nếu không có họ, những bản tin lạnh lùng về nỗi đau, khổ sở, sự ngoan cường, niềm vui, liệu cảnh báo nhân loại đến đâu? Rồi cũng họ, những bác sĩ tuyến đầu chống dịch, trong buồng điều trị là sống chết gang tấc, không có họ là cánh tay nối dài của các tòa soạn, làm sao ngoài kia hiểu được sự sống và cái chết, tuyệt vọng và niềm tin, buông xuôi và quả cảm, nỗi đau, thiệt thòi và niềm vui lẫn đức hy sinh… Tất cả như một khung hình lắng lại, ít ra cho ai đó đang theo nghề báo, rằng, vẫn còn niềm vui đích thực ở nghề này, rằng, lắm khi sự quên mình để là được có…

Những tấm ảnh, video, tin bài từ tâm dịch nóng hổi đổ về, thư ký tòa soạn ở Hà Nội liên tục cập nhật lên Tiền Phong điện tử. Thi thoảng tôi nhắn tin hoặc gọi cho “mấy đứa em” xem tinh thần thế nào, đáp lại là tiếng cười giòn tan và những câu động viên ngược “chị yên tâm đi, bọn em biết tự lo cho nhau, ở nhà mọi người đừng lo lắng nhé”.

MỚI - NÓNG