Sau kỳ thi THPT Quốc gia: Nhiều trường đại học sẽ kiểm tra lại

Mặc dù các trường ĐH đều bày tỏ sự ủng hộ cho kỳ thi quốc gia 2 mục tiêu nhưng trường nào cũng bộc lộ lo lắng. Ảnh: Như Ý
Mặc dù các trường ĐH đều bày tỏ sự ủng hộ cho kỳ thi quốc gia 2 mục tiêu nhưng trường nào cũng bộc lộ lo lắng. Ảnh: Như Ý
TP - Giảm chi phí, thi cử đơn giản hơn, không phải tốn tới 2 kỳ thi… là những ưu điểm mà các nhà tuyển sinh đang thừa nhận cho kỳ thi quốc gia 2 mục đích. Tuy nhiên, sự tin cậy dành cho kỳ thi này đang ở mức độ…“rất băn khoăn”. Đại diện nhiều trường đại học (ĐH) khẳng định: sẽ thi kiểm tra lại, sau kỳ thi quốc gia.

Ám ảnh... “Đồi Ngô”

Mặc dù các trường ĐH được hỏi đều bày tỏ sự ủng hộ tuyệt đối cho kỳ thi quốc gia 2 mục tiêu nhưng trường nào cũng bộc lộ lo lắng. Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng trường ĐH Y khoa HN nói: lâu nay, thi tuyển sinh, trường nào coi thi, chấm thi thì đều là để tuyển chọn chính thí sinh vào học tại trường mình. 

Vì vậy, trường nào cũng gắng làm nghiêm túc tuyệt đối. Nay, tổ chức thi chung, rất có thể thí sinh của mình, vào học trường mình lại do trường khác đảm nhiệm với sự coi thi, chấm thi lỏng chặt khác nhau nên không khỏi có cảm giác lo lắng. “Được đánh giá trực tiếp người vào trường mình thì bao giờ cũng yên tâm hơn”, ông Tú nói.

Một cán bộ quản lý thi ở khu vực phía Nam nói không úp mở: số thí sinh thi ở các cụm thi do các trường ĐH chủ trì tổ chức còn có thể tin tưởng, nhưng số thí sinh thi ở địa phương với kiểu thi tú tài lâu nay thì biết được chất lượng thế nào!?

Vị cán bộ này còn nửa đùa nửa thật phác thảo: cứ thử hình dung, chỉ có khoảng 80% thí sinh thi theo cụm trường ĐH; còn lại, không biết có bao nhiêu thí sinh sẽ thi ở… “Đồi Ngô” (địa danh trường từng xảy ra tiêu cực trong đó thi tốt nghiệp THPT năm 2012 ở Lục Nam, Bắc Giang - PV). “Lo lắng!”, vị cán bộ này kết luận.

Vẫn thi kiểm tra bổ sung! 

“Chắc chắn là ĐH Y khoa HN phải có thêm một kỳ kiểm tra sau kỳ thi quốc gia để đảm bảo sự công bằng cho thí sinh và sự an toàn cho việc chọn người học”. 

Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng 

ĐH Y khoa Hà Nội

Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng trường ĐH Y khoa HN khẳng định: ĐH Y là trường có sự cạnh tranh cao trong nhiều năm với điểm thi bao giờ cũng là cao nhất nên cần một sự tuyển chọn đặc biệt, một sự sàng lọc chính xác và khách quan.

Chính vì vậy, ông Tú nói, chắc chắn là ĐH Y khoa HN phải có thêm một kỳ kiểm tra sau kỳ thi quốc gia để đảm bảo sự công bằng cho thí sinh và sự an toàn cho việc chọn người học. Ông Tú cũng cho biết, ĐH Y đang cân nhắc để trình phương án.   

Không chỉ trường ĐH Y khoa Hà Nội, ông Tú bật mí, đầu tháng 10/2014, Hội đồng hiệu trưởng tất cả các trường y trên toàn quốc (khoảng 12-15 trường) sẽ họp và bàn phương sách chung của các trường y, và chắc chắn tuyển sinh sẽ là điểm nóng của chương trình nghị sự. 

Các trường y đều muốn thống nhất chung một số điểm trong đào tạo, trong tuyển sinh và cũng muốn nhận được sự hỗ trợ chung của Bộ GD&ĐT, theo ông Tú, ví dụ: sử dụng đề thi từ ngân hàng đề thi của Bộ GD&ĐT. 

“Sẽ kiểm tra thêm” cũng là lời khẳng định của ông Lê Văn Thành, hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng HN. Có điều, ông Thành giải thích thêm, chỉ kiểm tra nhẹ nhàng - tùy theo chuyên ngành thí sinh đã thi 3-4-5 môn thì trường ĐH Xây dựng chỉ kiểm tra bổ sung 2 môn. 

Ông Thành dẫn ví dụ: khối công trình sẽ kiểm tra thêm Toán, Lý; khối công nghệ-Toán, Hóa; khối năng khiếu- Toán, Vẽ và trường sẽ dành một số chỉ tiêu để kiểm tra Toán, ngoại ngữ. Theo ông Thành, nhà trường sẽ ra đề và kiểm tra, sau này nếu kết quả của kỳ thi quốc gia đáng tin cậy thì kỳ kiểm tra bổ sung sẽ dần dần được bỏ. Ông Thành cũng nhấn mạnh: bài kiểm tra chỉ bám vào kiến thức cơ bản và thí sinh không phải mất công ôn luyện; vì thế, sẽ không phát sinh tiêu cực.

Năm 2014, ĐHQG HN là một trong số các trường đi tiên phong trong việc kiểm tra bổ sung ngoài kỳ thi ba chung của quốc gia đối với một số ngành đặc thù. Những thí sinh đã vượt qua kỳ thi ba chung, muốn theo học các ngành đặc thù của ĐH này, phải trải qua một bài thi đánh giá năng lực tổng hợp. 

Thí sinh nào không vượt qua bài thi này đã theo học chương trình đào tạo cử nhân bình thường. Nay, sau kỳ thi quốc gia 2 mục đích, theo ông Nguyễn Kim Sơn - Phó GĐ ĐHQG HN, bài thi tổng hợp kiểu này sẽ được kế thừa, phát huy và mở rộng hơn, ngoài các chương trình đào tạo tài năng, chương trình tiên tiến và chương trình chất lượng quốc tế… 

Ông Kim Sơn cũng cho biết, ĐHQG HN sẽ sớm hoàn tất phương án bài thi đánh giá năng lực tổng hợp đối với các chương trình đào tạo để sớm công bố cho thí sinh được biết.

Có thể không theo khối A, B, C

Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó HT trường ĐH Y khoa HN cho biết, trường ĐH Y đã từng có ý tưởng là trường y không chỉ tuyển khối B với ba môn Toán, Hóa, Sinh vì, thực tế cho thấy, thí sinh thi khối D cũng có khả năng học rất tốt. 

Tuy nhiên, ông Tú nói, nếu nay, do thí sinh sắp dự thi một kỳ thi linh hoạt hơn về các môn thi mà trường chuyển sang tuyển cả khối D là cũng chưa công bằng với thí sinh ở các khu vực xa, khu nông thôn, miền núi… không có điều kiện để học môn này. 

Nếu vội làm ngay, những học sinh có khả năng, học tốt nhưng việc dạy và học ngoại ngữ không tốt thì chưa chắc đã đỗ. Ông Tú bật mí: trong tương lai ĐH Y cũng có thể sẽ đổi khối thi và không nhất thiết phải thi 3 môn truyền thống của khối B.

Tuy nhiên, ông Tú nói, nếu đổi môn tuyển thì cần thời gian và các trường cần thông báo để thí sinh biết trước 3 năm vì theo ông Tú những thí sinh thi vào ngành y năm nay đã bắt đầu tập trung học khối B từ cách đây ba năm.

MỚI - NÓNG