Sáng mãi ngọn lửa khai trí

Sáng mãi ngọn lửa khai trí
TP - Thăng Long Học hiệu xưa, Tiểu học Thăng Long nay là một trong số không nhiều trường phổ thông của Hà Nội được khắc tên vào lịch sử dân tộc. Xưa, Trường tư thục Thăng Long nổi tiếng bởi là nơi quy tụ đông đảo trí thức yêu nước. Nay, Trường Tiểu học Thăng Long vẫn giữ được tiếng thơm bậc nhất Hà thành…

> Tới ngôi trường 'thầy Đại tướng' mãi in bóng
> Hai ngôi trường nổi tiếng gắn liền cuộc đời Đại tướng

Nơi khởi nghiệp giáo dục của thầy giáo Võ Nguyên Giáp

Gần đây, sau sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hình ảnh của ông được khắc hoạ trên các phương tiện truyền thông không chỉ là một danh tướng mà còn là một trí thức với câu nói nổi tiếng: “Nếu không có chiến tranh, tôi là một thầy giáo”. Đúng thế, ông đã từng là một nhà giáo. Nơi khởi nghiệp nghề giáo của Đại tướng là Trường tư thục Thăng Long (Thăng Long Học hiệu). Ngôi trường đó giờ vẫn còn, và vẫn nổi tiếng – Trường Tiểu học Thăng Long ở 20 Ngõ Trạm, Hà Nội. Sinh thời, khi còn khoẻ mạnh, ông vẫn thường đến dự các cuộc gặp mặt truyền thống các thế hệ giáo viên của trường. Ngoài ra, các dịp khai giảng hoặc mừng Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 ông vẫn thỉnh thoảng thu xếp thời gian về dự. Gặp ông, các giáo viên của trường lại trìu mến gọi là “thầy Đại tướng”.

 Tôi và em trai Võ Hồng Nam đều cho các con mình học trường Thăng Long với một tâm niệm, đó là nơi khởi nghiệp giáo dục tinh thần yêu nước, yêu dân tộc cho giới trẻ của ba mình. Hiện tại tôi có một cháu học lớp 4A của trường, sang năm cháu út vào lớp 1 và chắc chắn cũng học trường này. Tôi nghĩ, ở đời thịnh suy cũng là lẽ thường, nhưng trường Thăng Long nay giữ được tiếng tăm của trường Thăng Long xưa thì đó là một điều may mắn và đúng ý nguyện của ba tôi cũng như các bậc trí thức tiền bối.

Ông Võ Điện Biên, con trai trưởng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Trường tư thục Thăng Long được thành lập từ năm 1929, thoạt tiên đóng ở phố Hàng Cót, hiệu trưởng đầu tiên là thầy Phạm Hữu Ninh. Hồi đó thầy Ninh đã mời được nhiều trí thức có khát vọng khai sáng dân trí, chấn hưng dân tộc về giảng dạy trong trường như Hoàng Minh Giám, Phan Thanh, Đặng Thai Mai... Để thuận lợi cho việc truyền bá tư tưởng, năm 1935 các thầy tiếp tục mở rộng trường Thăng Long, góp tiền xây thêm địa điểm mới ở 20 Ngõ Trạm và đặt tên Thăng Long Học hiệu. Sau khi mở rộng, trường tiếp tục thu hút được nhiều vị là tinh hoa trong giới trí thức bấy giờ tham gia giảng dạy. Trong số đó có nhiều người về sau đảm nhiệm các trọng trách của chính phủ cách mạng như Võ Nguyên Giáp, Nghiêm Xuân Yêm, Nguyễn Xiển, Nguyễn Cao Luyện, Phan Anh, Nguyễn Lân, Vũ Đình Hoè, Xuân Diệu, Lê Thị Xuyến... Và, thầy Võ Nguyên Giáp là người thường xuyên lui về thăm trường hơn cả.

Sau cách mạng Tháng Tám, trường Thăng Long vẫn là một trường tư. Giải phóng Thủ đô, chính quyền Hà Nội tiếp quản trường, xây dựng thành trường công lập, tạo điều kiện tốt nhất để trường phát triển. Đến nay, đây là trường tiểu học duy nhất của cả nước đạt danh hiệu Anh hùng lao động.

“Góp một cuốn sách nhỏ đọc ngàn cuốn sách hay”

Một trong những hoạt động nổi bật của trường Thăng Long nay là tổ chức hoạt động đọc sách và khơi gợi niềm đam mê khám phá tri thức thông qua việc đọc sách của trẻ nhỏ. Hồi còn sử dụng cơ sở vật chất cũ với những phòng học nhỏ bé trong khuôn viên chật hẹp, trường vẫn cố gắng dành riêng một phòng rộng nhất làm “thư viện mở”, giờ ra chơi nào cũng nườm nượp học sinh đến đọc sách.

Để xây dựng được tủ sách phong phú, hàng năm nhà trường mở những đợt quyên góp sách trong học sinh với khẩu hiệu quen thuộc: “Góp một cuốn sách nhỏ, đọc nghìn cuốn sách hay”. Hai năm qua, địa điểm ở 20 Ngõ Trạm phải dỡ ra xây lại (UBND quận Hoàn Kiếm đầu tư kinh phí trên 90 tỷ đồng) nên học sinh của trường phải đi học nhờ tản mát trong quận. Tuy nhiên, nhà trường vẫn duy trì được nếp đọc sách ngay tại các lớp học. Mỗi lớp xây dựng một tủ sách dùng chung, đầu tháng mỗi học sinh mang đến một cuốn sách, cuối tháng lại mang về.

Học sinh trường Thăng Long trong ngày khai giảng năm học mới
Học sinh trường Thăng Long trong ngày khai giảng năm học mới.

Năm học này, khi trường mới được đưa vào sử dụng, nhà trường dành hẳn một không gian rộng chừng 130m2 làm phòng đọc sách. Để tạo không gian mở và thân thiện, nhà trường dẹp hết những dãy bàn ghế cứng nhắc, trải thảm trên sàn và bố trí các góc đọc sách. Học sinh có thể tự do lăn lê bò toài trên thảm để đọc, tự chọn góc thuận tiện để lựa sách.

“Sắp tới, trường sẽ sắp xếp thời khoá biểu để lớp nào cũng có một tiết đọc sách trong tuần. Giờ ra chơi, bất kể em nào muốn cũng được vào đọc sách. Sẽ không có thủ tục mượn trả sách rườm rà mà các em sẽ tự lấy rồi trả sách về chỗ cũ. Cũng có thể sẽ có thất thoát nhưng nhà trường chủ trương giáo dục ý thức tự giác, đọc sách một cách văn minh cho các em”, cô Phan Thị Thắng, Hiệu trưởng nhà trường nói.

Cũng theo cô Thắng, một trong những động lực giúp các thế hệ lãnh đạo trường Thăng Long duy trì được ngọn lửa đam mê khai sáng dân trí là nhờ sự cổ vũ rất lớn từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và gia đình.

Mỗi lần về thăm hoặc làm việc với nhà trường, Đại tướng đều dặn dò các thầy cô không chỉ chăm lo trau dồi sư phạm mà còn phải rèn cho học sinh có thói quen đọc sách. Mỗi lần có sách của mình mới xuất bản, Đại tướng luôn gửi tặng nhà trường. Còn phu nhân Đại tướng cũng thường xuyên mua từng thùng sách lớn đến tặng.

“Cô Đặng Bích Hà (phu nhân Đại tướng và là trưởng nữ của học giả Đặng Thai Mai - PV) quả là một bà mẹ trí thức. Cô nhắc chúng tôi nhớ để ý học sinh đọc những sách gì. Theo cô, không cứ thấy học sinh đọc sách là mừng mà phải định hướng để các con biết tìm sách hay, sách bổ ích để đọc”, cô Thắng nhận xét.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.