Sản xuất nước mắm của Hậu Giang tăng hơn 700%

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Quý I năm nay, kinh tế của Hậu Giang lần đầu tiên tăng trưởng cao nhất cả nước. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh trong quý tăng so với cùng kỳ như: nước mắm có sản lượng sản xuất tăng hơn 709%; mì, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng hơn 22%; thức ăn cho gia súc, gia cầm và thủy sản tăng hơn 12%...

Theo ông Trần Văn Huyến - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang, trong quý I, tăng trưởng kinh tế của Hậu Giang là 12,67%, đây là lần đầu tiên tăng trưởng quý đạt mức cao nhất cả nước. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 26,38% dự toán trung ương và đạt 24,96% dự toán HĐND tỉnh giao.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng tăng trên 10% so cùng kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp tăng hơn 26% so với cùng kỳ; sản xuất nông nghiệp duy trì tăng trưởng ổn định; tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh tăng 7,31% so cùng kỳ.

Trong 3 tháng đầu năm 2023, Hậu Giang đẩy nhanh công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ thi công các công trình, dự án trọng điểm, đặc biệt là các tuyến cao tốc đi qua địa bàn tỉnh. Đồng thời, đã khởi công thi công những km đầu tiên của cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau trên địa bàn tỉnh…

Sản xuất nước mắm của Hậu Giang tăng hơn 700% ảnh 1

Chế biến tôm tại Công ty CP Thủy sản Minh Phú Hậu Giang (Ảnh: T.Thúy).

Phân tích cụ thể, ông Thiều Vĩnh An - Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Hậu Giang - cho biết, các khu vực kinh tế của tỉnh đều có tăng trưởng như: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,11%; công nghiệp, xây dựng tăng 37,7%; dịch vụ tăng 8,42%.

Trong đó, sản xuất công nghiệp có mức tăng cao, chủ yếu do hoạt động ổn định của dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh trong quý tăng so với cùng kỳ như: nước mắm có sản lượng sản xuất tăng hơn 709%; mì, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng hơn 22%; thức ăn cho gia súc, gia cầm và thủy sản tăng hơn 12%...

Trong khi đó, hoạt động thương mại - dịch vụ vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định, phát triển khá so với cùng kỳ. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng và dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước thực hiện gần 13.839 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu vận tải, dịch vụ kho bãi thực hiện đạt gần 431 tỷ đồng, tăng 33,93% so với cùng kỳ...

Sản xuất nước mắm của Hậu Giang tăng hơn 700% ảnh 2

Sản lượng sản xuất nước nắm của Hậu Giang tăng hơn 700% (ảnh minh họa).

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành cho biết, ngay từ đầu năm 2023, Tỉnh ủy đã ban hành chương trình công tác năm 2023, với 6 nhiệm vụ trọng tâm; 18 chỉ tiêu và hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện đồng bộ, trọng tâm với phương châm “hình thức tập trung, nội dung thiết thực, hành động quyết liệt, hiệu quả thực chất”…

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả ấn tượng, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cũng nhìn nhận địa phương vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế. Kinh tế mặc dù tăng trưởng ấn tượng nhưng vẫn còn nhiều yếu tố chưa bền vững. Cụ thể là tiến độ và hiệu quả triển khai một số nghị quyết về phát triển kinh tế còn khiêm tốn. Tình hình giá cả nông sản bấp bênh, thiên tai, dịch bệnh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Sản xuất nước mắm của Hậu Giang tăng hơn 700% ảnh 3

Lần đầu tiên Hậu Giang tăng trưởng kinh tế quý I cao nhất cả nước (Ảnh: H.Thanh).

Thu ngân sách trên địa bàn quý I tuy đạt cao nhất từ trước đến nay, nhưng so với định hướng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thì mới đạt 23% chỉ tiêu trong năm nay. Trong khi đó, công tác giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch phát triển công nghiệp, đô thị, nhất là các dự án cao tốc còn gặp nhiều khó khăn. Tình hình tội phạm về trật tự xã hội, tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp, tăng so với cùng kỳ.

Cho rằng nếu muốn tiếp tục duy trì tốc độ phát triển như trong quý I thì đòi hỏi cả hệ thống chính trị của tỉnh phải quyết tâm hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ quý II, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành đề nghị từng cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh bám sát các nghị quyết, đề án, chương trình của tỉnh. Tập trung giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, sớm hiện thực hóa tối đa các dự án cam kết đầu tư.

Tập trung nguồn lực (vốn, nhân lực, cơ chế) cho đầu tư phát triển, nhất là hạ tầng khu công nghiệp, đất sạch, hạ tầng giao thông. Chuẩn bị mặt bằng đất sạch và các điều kiện cần thiết để khởi công tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua Hậu Giang trong tháng 6/2023. Tập trung giải ngân vốn đầu tư công…

Năm 2022, tỉnh Hậu Giang hoàn thành toàn diện 18/18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, có 13/18 chỉ tiêu vượt kế hoạch, trong đó một số chỉ tiêu rất trọng yếu. Đặc biệt, phát triển kinh tế tiếp tục là điểm sáng, tăng trưởng 13,94%, cao nhất từ trước đến nay, đứng đầu vùng ĐBSCL và vươn lên thứ 4 cả nước (tăng trên 30 bậc so với năm 2021).

MỚI - NÓNG