Sải bước ở Lai Châu: Chào cờ nơi biên cương Tổ quốc

TPO - Trên hành trình chuẩn bị giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong lần thứ 64 - năm 2023, chúng tôi đã có dịp sải bước "những nẻo biên cương" đến nhiều điểm ý nghĩa, kỳ thú của tỉnh Lai Châu.

Trên hành trình sải bước những nẻo biên cương ấy, đoàn chúng tôi đã đến đồn biên phòng Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ) - địa điểm chính quay bộ phim "Mùa xuân ở lại" và được tham dự lễ chào cờ thiêng liêng; được nghe lời thề danh dự của những chiến sĩ biên phòng đang ngày đêm trấn yên bờ cõi vang dậy cả miền biên viễn như tiếng kiếm đề thơ Vua Lê Lợi khắc vào đá núi răn dạy cai quản nơi biên cương của Tổ quốc thuở trước.

Vì chủ quyền an ninh biên giới

Đoàn chúng tôi xuất phát lên Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ, Lai Châu) khi phố núi Lai Châu le lói những ánh ban mai đầu tiên. Khoảng cách hơn 40km, so trên bản đồ vệ tinh chỉ non hai đốt ngón tay, nhưng mất hơn hai giờ đồng hồ di chuyển bởi nhiều đoạn đường đang nâng cấp sửa chữa.

Sau những khúc cua ngược dốc, Đồn Sin Suối Hồ vững chãi trên đỉnh đồi, bốn bề núi giăng mây phủ điệp trùng. Những cây đào trong khuôn viên đồn khi ấy đang độ khai hoa. Buổi sớm ấy, chúng tôi may mắn tham dự lễ chào cờ thiêng liêng của những người lính nơi biên thùy.

Sải bước ở Lai Châu: Chào cờ nơi biên cương Tổ quốc ảnh 1

Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ. Ảnh: Xuân Tùng

Sải bước ở Lai Châu: Chào cờ nơi biên cương Tổ quốc ảnh 2

Dưới cờ đỏ sao vàng tung bay, những người lính đồng thanh hát vang giai điệu hào hùng Quốc ca hòa cùng mây trời gió núi Tổ quốc; nguyện chung một chí hướng "Tất cả vì chủ quyền an ninh biên giới quốc gia". Trong không khí trang nghiêm của lễ chào cờ, Trung úy Nguyễn Kỳ Anh kiêu hãnh dõng dạc đọc Mười lời thề danh dự của Quân đội Nhân dân Việt Nam:

Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam; dưới dự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội/ Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên; khi nhận bất cứ nhiệm vụ gì đều tận tâm, tận lực thi hành nhanh chóng và chính xác/ Không ngừng nâng cao tinh thần yêu nước Xã hội chủ nghĩa, tinh thần quốc tế vô sản, rèn luyện ý chí chiến đấu kiên quyết và bền bỉ, thắng không kiêu, bại không nản, dù gian lao khổ hạnh cũng không sờn lòng, vào sống ra chết cũng không nản chí, "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”...

Mỗi lời thề vang động như lớp lớp sóng xô, dâng trào niềm tin, lòng yêu nước và sức mạnh, đoàn kết của các cán bộ, chiến sĩ.

Sải bước ở Lai Châu: Chào cờ nơi biên cương Tổ quốc ảnh 3Sải bước ở Lai Châu: Chào cờ nơi biên cương Tổ quốc ảnh 4Sải bước ở Lai Châu: Chào cờ nơi biên cương Tổ quốc ảnh 5

Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ nghiêm trang thực hiện lễ chào cờ. Ảnh: Xuân Tùng

Niềm xúc cảm hào hùng ấy và ý chí "khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng" đưa chúng tôi nhớ đến áng hùng văn của Vua Lê Thái Tổ khắc trên vách đá của bờ bắc sông Đà dưới chân dãy Pú Huổi Chỏ, sau khi dẹp yên phản loạn, cách đây 600 năm trước.

Cuồng tặc cảm bô chu/ Biên manh cửu hễ tô/ Bạn thần tòng cổ hữu/ Hiểm địa tự kim vô/ Thảo mộc kinh phong hạc/ Sơn xuyên nhập bản đồ/ Đề thi khắc nham thạch/ Trấn ngã Việt Tây ngu. (dịch thơ: Bọn giặc cuồng sao dám tránh sự trừng phạt, Dân biên thùy từ lâu mong ta đến cứu sống, Kẻ bầy tôi làm phản từ xưa vẫn có; Đất đai hiểm trở từ nay không còn; Tiếng gió thổi hạc kêu làm cho quân giặc run sợ; Sông núi từ nay nhập vào bản đồ; Đề thơ khắc vào núi đá; Trấn giữ phía Tây nước Việt ta).

Áng văn hùng tráng ấy của Vua Lê đã được di dời khỏi vách núi dưới dạng phiến đá lớnchiều dài 2,62m, chiều cao 1,85m, với trọng lượng hơn 15 tấn; và đặt tại Đền thờ Vua Lê Thái Tổ (xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn).

Sải bước ở Lai Châu: Chào cờ nơi biên cương Tổ quốc ảnh 6Sải bước ở Lai Châu: Chào cờ nơi biên cương Tổ quốc ảnh 7Sải bước ở Lai Châu: Chào cờ nơi biên cương Tổ quốc ảnh 8

Tấm bia khắc bài minh của Vua Lê Thái Tổ đặt tại đền thờ. Ảnh: Xuân Tùng

Ở Đền thờ Vua Lê Thái Tổ, chúng tôi gặp thủ nhang Vũ Phong Oanh, quê ở Hà Nam, người có hơn chục năm phụng sự nhang khói, trông nom đền.

Ông Oanh tuổi ngoài 80 hãy còn mau mắn, hơi thở vẫn nhẹ đều, vừa ngược những bậc thang lên vừa hào sảng: Tháng Chạp năm Tân Hợi 1431, Vua Lê Thái Tổ sau khi bình định vùng Tây Bắc, trên đường trở về qua địa phận xã Lê Lợi huyện Nậm Nhùn (hiện nay) đã cho khắc vào vách đá bài văn ghi nhớ sự kiện này để răn dạy các tù trưởng cai quản vùng phên dậu của đất nước.

Tấm bia khắc bài minh của Vua Lê Thái Tổ còn lại đến ngày nay là một di sản văn hóa quý báu của nhân dân Lai Châu nói riêng và cả nước nói chung. Cuối năm 2016, Bia Lê Lợi được công nhận là bảo vật quốc gia. Đầu năm 2017, Đền thờ Vua Lê Lợi cũng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Sải bước ở Lai Châu: Chào cờ nơi biên cương Tổ quốc ảnh 9

Thủ nhang Vũ Phong Oanh giới thiệu về tấm bia khắc bài minh của Vua Lê Thái Tổ. Ảnh: Xuân Tùng

Mùa xuân ở lại

Phát huy Mười lời thề quân nhân, cán bộ chiến sĩ Đồn Sin Suối Hồ cùng lực lượng Biên phòng ở Lai Châu vẫn ngày đêm trấn yên bờ cõi, là chỗ dựa vững chắc cho đồng bào vùng cao. Màu áo xanh Biên phòng đã "3 bám, 4 cùng" (3 bám: Bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách; 4 cùng: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào) với đồng bào các dân tộc thiểu số hỗ trợ người dân phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới; góp phần củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị địa phương.

Trò chuyện với cán bộ Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ, các chiến sĩ cho biết đều đặn tổ chức hành quân bộ tuần tra, bảo vệ gần 10km đường biên giới với mốc 83 (2), 84 và 85 (2), thuộc địa bàn ba xã Bản Lang, Nậm Xe, Sin Suối Hồ. Đồn cũng nhận đỡ đầu, hỗ trợ các em học sinh nghèo vượt khó ở các bản, hỗ trợ rau xanh cho học sinh Trường THPT Dân tộc bán trú THCS Nậm Xe...

Những hình ảnh, câu chuyện của người lính Biên phòng nơi đây đã trở thành chất liệu thực tế sinh động cho kịch bản phim "Mùa xuân ở lại" của đạo diễn NSƯT Nguyễn Danh Dũng. Bộ phim có các diễn viên Huỳnh Anh, Bảo Anh, Tô Dũng, Lương Thu Trang...

Sải bước ở Lai Châu: Chào cờ nơi biên cương Tổ quốc ảnh 10

Bên bảng tin trong khuôn viên Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ vẫn có hình ảnh và những dòng giới thiệu về bộ phim "Mùa xuân ở lại": Một tổ sản xuất gồm đạo diễn, biên kịch, quay phim, họa sĩ đã tới nhiều điểm trường, đồn biên phòng ở Lai Châu lấy chất liệu thực tế và chắp bút kịch bản phim. Đó cũng là lý do câu chuyện xoay quanh các giáo viên "cắm bản", các em học sinh, bà con dân tộc vùng cao và những người chiến sĩ Biên phòng đang canh giữ sự bình yên vùng biên cương trong phim được thể hiện rất sinh động...

Bên cạnh cốt truyện hay, "Mùa xuân ở lại" còn mang tới những hình ảnh ấn tượng của núi rừng hùng vĩ. Địa điểm quay chính được đoàn làm phim lựa chọn là Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ và điểm trường Dào San, huyện Phong Thổ, Lai Châu".

Bộ phim lên sóng lần đầu dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 và chiếu lại trên VTV1 tháng 3/2020, khi dịch COVID-19 bùng phát, đã giới thiệu đến khán giả cả nước nhiều khung cảnh đẹp của Lai Châu. Đó cũng là thời điểm những người lính áo xanh của Sin Suối Hồ nói riêng, Lai Châu nói chung vượt sương đêm, mưa rừng giá rét bám chốt, bám biên phòng chống dịch COVID-19; xuống cơ sở tuyên truyền cho người dân cách phòng chống dịch bệnh.

Sải bước ở Lai Châu: Chào cờ nơi biên cương Tổ quốc ảnh 11
Sải bước ở Lai Châu: Chào cờ nơi biên cương Tổ quốc ảnh 12Sải bước ở Lai Châu: Chào cờ nơi biên cương Tổ quốc ảnh 13Sải bước ở Lai Châu: Chào cờ nơi biên cương Tổ quốc ảnh 14Sải bước ở Lai Châu: Chào cờ nơi biên cương Tổ quốc ảnh 15

Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ tuần tra. Ảnh: Xuân Tùng

Theo bước chân của những người lính vượt qua những dốc cao, địa hình hiểm trở để bảo vệ đường biên, cột mốc trong những ngày bình yên vui Xuân đón Tết này mới hiểu được sự hy sinh, vượt gian khó những ngày dịch COVID-19. Đồng thời, hiểu được rằng, trong làn không khí mát lành của núi rừng mà chúng tôi đang hít căng lồng ngực có bóng hình gian lao của những người lính Biên phòng.

Tin liên quan