Rút nước càng nhanh càng tốt

Rút nước càng nhanh càng tốt
TP - TS Phạm Kim Sơn, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Queensland (Úc), đề nghị khẩn trương rút mực nước nhanh hơn ở thượng lưu và sửa chữa đập Sông Tranh 2 công phu.

> Quân khu V yêu cầu lên phương án đảm bảo an toàn
> Nguy cơ động đất tiếp diễn

TS Phạm Kim Sơn, Trường Đại học bách khoa Đà Nẵng, Đại học Queensland (Úc)
TS Phạm Kim Sơn, Trường Đại học bách khoa Đà Nẵng, Đại học Queensland (Úc).

Ngay cả trong tình huống khả quan nhất là rò nước ở mái hạ lưu do khe nhiệt như nhận định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), TS Phạm Kim Sơn, Trường Đại học bách khoa Đà Nẵng, Đại học Queensland (Úc), đề nghị phải khẩn trương cho rút mực nước nhanh hơn nữa ở thượng lưu và sẽ phải sửa chữa cực kỳ công phu chứ không đơn giản như kế hoạch của EVN. 

Nhân tố động đất, sao EVN không đề cập?

Căn cứ vào đâu ông lại bảo lưu khả năng do động đất này?

Xem ảnh một số báo tôi thấy có vết nứt rõ ràng trên thân đập dù không dài, chỉ 1-2 m. Theo quan sát, vết nứt trên đập bê tông trọng lực Sông Tranh 2 là theo chiều thẳng đứng mà không phải là chiều ngang. Thêm vào đó, nhiều nhà dân bị nứt, đường bị lún sụt đến 2m.

Ngoài ra, tháng 12-2011, đoàn công tác của Viện Khoa học&Công nghệ Việt Nam có nhận định nguyên nhân tiếng nổ trong lòng đất ở vùng thủy điện Sông Tranh 2 là do động đất kích thích.

Từ đó, tôi có thể suy luận khả năng lún sụt của đập bê tông trọng lực không đều do động đất cục bộ gây nên vết nứt. Tôi cảm thấy khó hiểu là tại sao trong kết luận của EVN không hề thấy đả động gì đến nhân tố động đất.

Nhưng nước chảy ra ở mái hạ lưu đập khá mạnh. Vậy chả nhẽ vết nứt có thể đi từ mái thượng lưu đập, qua thân đập bê tông đến mái hạ lưu đập?

Hoàn toàn có thể và, vì thế, rất nguy hiểm. Theo thời gian, vết nứt có khả năng phát triển, dẫn đến gây mất an toàn đập.

Nhưng ban quản lý dự án thủy điện Sông Tranh 2 và EVN suốt hơn tuần qua đều giải thích nước rò rỉ 3 vị trí phía hạ lưu đập là tại vị trí khe nhiệt, chứ không phải khe nứt, và điều đó là bình thường?

Chưa thuyết phục.

Thứ nhất, nếu rò rỉ do khe nhiệt tại sao nó không rò ngay sau khi tích nước hồi tháng 11-2011. Thay vào đó, chỉ sau động đất với những tiếng nổ lớn dưới lòng đất, mới thấy xuất hiện. Cho nên có thể suy luận động đất có thể phá hủy khe nhiệt.

Thứ hai, cần phải hiểu các khe nhiệt đều có tấm đồng và vật liệu đàn hồi cho phép đập bê tông co giãn nhiệt trong phạm vi thiết kế, không cho phép nước chảy, thấm qua.

Về nguyên tắc, với đập bê tông trọng lực như ở Sông Tranh 2, không cho phép nước chảy ra ở mái hạ lưu đập bê tông.

Thông thường, nếu thiết kế không gian rỗng trong thân đập bê tông trọng lực thì nước có thể thấm qua đập bê tông ở phía mái thượng lưu và nước thấm đó có thể được tập trung trong không gian rỗng của đập theo đường ống thoát về hạ lưu.

Mái hạ lưu, như vậy, luôn khô ráo. Vì lẽ đó, nước sùi ra từ mái hạ lưu như hiện nay là bất bình thường và có thể là dấu hiệu cảnh báo rất nguy hiểm.

Giảm được 80% lượng nước thấm, hoài nghi

Nếu ông thiên về hoài nghi nước rò có thể do nứt đập chứ không phải duy nhất qua khe nhiệt, tại sao EVN có thể giảm được 80% lượng nước thoát qua mái hạ lưu?

Tôi rất hoài nghi số liệu này. EVN không chỉ ra cách thức họ đo đạc thế nào, xác định lượng nước rò và lượng nước chặn được ra sao. Vì thế, số liệu họ đưa ra thiếu thuyết phục về khoa học.

Ngay cả khi giảm được 80% lượng nước thoát thì cũng không thể nói đấy là chặn nước thấm dù là qua khe nhiệt được. Nếu có, chỉ là giảm được lượng nước chảy ra trên bề mặt đập hạ lưu mà thôi thông qua việc sửa chữa ống thu nước trong hầm thu nước.

Nói như vậy có nghĩa là nước vẫn thấm mạnh từ mái thượng lưu đập vào trong thân đập rồi dẫn về hạ lưu theo đường ống. Điều đó chứng tỏ lượng nước thấm vào đập vẫn rất nhiều và chưa thể sửa chữa triệt để khi mực nước còn cao ở thượng lưu.

Tại sao ông khẳng định dù nước thấm qua khe nhiệt như nhận định của EVN, thì EVN cũng không thể giảm được 80% lượng nước thấm qua đập?

Xử lý ở hạ lưu đập thì chỉ ngăn được nước ở hạ lưu mà thôi. Cái gốc của vấn đề là phải từ thượng lưu. Muốn xử lý từ thượng lưu, phải hạ cốt nước, rồi phải để khô đập.

Tiếp đó, phải dùng các thiết bị và hóa chất chuyên dụng với các kỹ thuật xử lý phức tạp, chứ không thể làm thủ công được. Chỉ đến khi xong công đoạn đó mới có quyền nói giảm hoặc chặn được dòng nước thấm qua thân đập theo khe nhiệt. Đến thời điểm này, tất cả các công đoạn trên đã được thực hiện đâu?

Ba việc cần làm ngay

Vậy, theo ông, cần phải làm gì bây giờ?

Một, huy động máy móc hiện đại để siêu âm thân đập xem đập có nứt hay không. Nếu có vết nứt, cần đánh giá hiện trạng và nguy hiểm tiềm tàng của vết nứt bằng cách xác định chính xác đường đi của các vết nứt, số lượng vết nứt, ảnh hưởng như thế nào.

Để xác định các vết nứt tiềm tàng, cần mua hoặc thuê thiết bị, chuyên gia trong và nước ngoài để đánh giá, sau đó dùng công cụ, phần mềm máy tính mô phỏng sự phát triển vết nứt để có biện pháp sửa chữa, gia cố...

Hai, dù đập nứt hay không nứt, vẫn bắt buộc phải thực hiện hạ cốt nước ở thượng lưu và xử lý theo đúng quy chuẩn, chứ không thể xử lý thu nước đơn thuần như cách mà EVN đang làm vừa qua.

Ba, trường hợp xác định đập nứt, phải bằng mọi cách đẩy nhanh tốc độ hạ mức nước phía thượng lưu nhằm tránh nguy cơ thảm họa sinh mạng. Trong lúc chờ hạ mực nước, cần lên ngay phương án di dời dân khẩn cấp ở bán kính 8-10 km và phương án di dời bán kính 20-30 km tính từ thân đập.

Cám ơn ông.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.