Nhịn ăn chữa ung thư
Hình ảnh người phụ nữ chỉ còn da bọc xương, nằm lọt thỏm trên giường bệnh, đôi mắt thất thần, giọng nói phều phào khiến ai trông thấy cũng phải ái ngại thương xót. Khoảng 1 năm trước, sau khi cai sữa cho con nhỏ, chị P.T.H. (35 tuổi, giáo viên Toán trường THPT Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) thấy ngực nổi hạch nên đi khám.
Bác sĩ Bệnh viện K (Hà Nội) kết luận chị bị ung thư vú và khuyên nên phẫu thuật cắt bỏ khối u để kéo dài cuộc sống thêm khoảng 15 năm nữa. Nhưng sau đó nghe lời bạn bè nói có nhiều người bị ung thư đã vào 1 cơ sở trong TPHCM chữa khỏi nên chị H. quyết định không phẫu thuật, không điều trị gì theo bác sĩ chỉ định. Lúc ấy cơ thể vẫn khỏe mạnh, một mình chị khăn gói vào TPHCM tìm đến địa chỉ mà người quen nói là chữa được bệnh ung thư với niềm tin bệnh sẽ hết.
Tại đây hằng ngày chị được người của công ty cho uống thuốc, ăn gạo lứt và đặc biệt phải ăn thật ít để cơ thể không có dinh dưỡng nuôi khối u. Tin vào lời quảng cáo sẽ chữa khỏi bệnh bằng phương pháp thực dưỡng đó, chị H. cần mẫn thực hiện chỉ dẫn của nhân viên công ty. Mỗi tháng số tiền bỏ ra chừng 20 triệu. Được vài tháng bám trụ tại TPHCM, H. trở lại quê nhà vì con còn nhỏ.
Những ngày sau đó, công ty gửi thuốc ra cho chị uống và dặn dò không được ăn, thậm chí nhịn ăn để khối u không lớn thêm. Anh và em trai chị H. khuyên nhủ thế nào chị cũng dứt khoát nhất nhất tuân thủ chế độ ăn uống kham khổ đó mà không chịu đi bệnh viện điều trị. Cơ thể chị H. mỗi ngày một suy kiệt, cân nặng sụt giảm nhanh chóng, còn chưa đến 30 cân. Thấy tình trạng quá nặng nên người nhà đưa chị H. ra Bệnh viện K điều trị.
Bác sĩ Lê Văn Hiệp, Khoa Hồi sức Cấp cứu (Bệnh viện K), người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân H. cho biết, do không tuân thủ điều trị theo chỉ lệnh của bác sĩ mà tự ý uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc nên khối u đã phát triển nhanh chóng. Hiện bệnh nhân đã bị ung thư vú giai đoạn cuối, di căn đa ổ xương, gan, ổ bụng, hạch nách, hạch trung thất. Người nhà đang xin bác sĩ cho bệnh nhân về quê điều trị những ngày cuối đời cho gần gia đình và tiện chăm sóc.
Cũng tại Khoa Nhi (Bệnh viện K), mới đây một bệnh nhân 4 tuổi cũng vì gia đình không tin lời bác sĩ nên cho trẻ đi điều trị bằng thuốc nam tại quê. Kết quả khối u 8cm đã phát triển nhanh chóng chiếm toàn bộ ổ bụng của cậu bé này.
TS. Phạm Thị Việt Hương, Khoa Nhi cho biết, bệnh nhi mắc u nguyên bào thần kinh đã được bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư chẩn đoán cụ thể và chỉ định điều trị thì bà nội cháu bé lại quyết định cho cháu về, chữa theo các bài thuốc nam ở quê với lý do truyền hóa chất sẽ đau đớn.
Hai tháng uống thuốc nam, hậu quả là khối u quá to, vượt quá đầu dò siêu âm, không đo được kích thước. Cậu bé 4 tuổi chỉ còn da bọc xương vì suy kiệt thể trạng, nguy cơ tử vong cao. Người nhà đưa bệnh nhi đến Bệnh viện K khi bệnh đã trầm trọng, các bác sĩ phải dốc sức để điều trị cho bé với hy vọng còn nước còn tát.
Ngày 17/10, bác sĩ Hương cho biết, bệnh nhi đáp ứng điều trị tốt, hết phù, tim phổi ổn định, giảm vàng da, men gan vẫn tăng nhưng có giảm, điện giải ổn định, bụng xẹp xuống, u nhỏ lại rõ rệt, hạch thượng đòn trái di căn đã tan hết. Bé đã hoàn thành hoá trị đợt I và đã qua cơn nguy kịch.
Ngộ nhận về chữa ung thư: hết sức nguy hiểm
Theo thống kê, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao trên thế giới. Hiện có rất ít bệnh nhân ung thư được chẩn đoán sớm và điều trị sớm, hầu hết ở giai đoạn muộn, di căn và biến chứng. Do đó việc điều trị gặp nhiều khó khăn, chi phí điều trị tăng cao.
Bác sĩ Lê Văn Hiệp cho biết, ở Bệnh viện K năm nào cũng có rất nhiều bệnh nhân như chị H và cậu bé 4 tuổi kia, tin thầy lang hơn bác sĩ để rồi nhận hậu quả đáng tiếc. Nhiều bệnh nhân đang tuân thủ liệu trình bác sĩ chỉ định, bỗng dưng bỏ ngang để theo các bài thuốc truyền miệng. Sau một thời gian bệnh quá nặng mới quay lại bệnh viện thì tình trạng đã “ngàn cân treo sợi tóc”.
Nhịn ăn để chữa ung thư cũng là một sai lầm nghiêm trọng, nó khiến bệnh nhân nhanh chóng suy kiệt bởi khối u vẫn phát triển và lấy dưỡng chất của cơ thể dù người bệnh có ăn hay không. Bác sĩ Hương cho hay, không chỉ những người nông dân vùng sâu, vùng xa, thiếu hiểu biết, mù quáng tin vào thầy lang, mà nhiều bệnh nhân ở ngay trung tâm thành phố, có kinh tế, có trình độ, nhưng họ cũng theo lang vườn để rồi tiền mất, tật mang.
PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc bệnh viện K cho biết, các biện pháp điều trị bệnh ung thư bao gồm các phương pháp chính là phẫu thuật, hóa chất, xạ trị và các liệu pháp miễn dịch. Các biện pháp điều trị khác chỉ mang tính hỗ trợ nên bệnh nhân không nên bỏ qua phương pháp điều trị chính thống. Sau điều trị, bệnh nhân nên tái khám định kỳ để phòng ngừa tái phát, di căn, để có chiến lược điều trị hiệu quả nhất.