Quỳnh Lương bị phán xét chuyện làm mẹ đơn thân và định kiến độc hại

TPO - Dù có cuộc sống ổn định, đủ điều kiện lo cho con cái, mẹ đơn thân vẫn chịu cái nhìn khắt khe từ xã hội, nhất là khi họ muốn tiến tới mối quan hệ khác.

Sau khi Quỳnh Lương tham gia chương trình hẹn hò và quyết định tìm hiểu bạn trai ngoài đời thật, một số bộ phận dân mạng khó hiểu khi lên chiến dịch giải cứu Quỳnh Lương.

Điều này xảy ra sau khi đời tư của thiếu gia Trà Vinh bị đào lại, một số người cho rằng cô nên cẩn thận hơn vì một lần đổ vỡ trong chuyện tình cảm.

Sau khi được cộng đồng mạng khuyên, Quỳnh Lương nói không quan tâm đến quá khứ của bạn trai, đồng thời nhắn nhủ đừng chen vào chuyện đời tư của cô: "Yêu đương hạnh phúc hay không là việc của mình. Mẹ mình còn chưa nói gì mà".

Điều đáng nói, sau phát ngôn của Quỳnh Lương, từ chiến dịch giải cứu chuyển sang bạo lực mạng bằng những từ khó nghe như: "Tới lúc đó đừng ôm con lên livestream khóc lóc", "Làm mẹ đơn thân mà còn không tỉnh ra", "Đừng có ôm con lên livestream là được"...

Khi yêu, người may mắn được hạnh phúc. Kẻ không tìm được tiếng nói chung, chia tay cũng là điều bình thường trong xã hội. Nhưng một điều khó chịu hơn là những người phụ nữ đã kết hôn, một mình nuôi con lại chịu nhiều cái nhìn tiêu cực hơn cả, trong khi nam - nữ chưa kết hôn, thậm chí đàn ông ly hôn lại "có đặc quyền" tìm kiếm cơ hội thông qua những mối quan hệ.

Quỳnh Lương bị phán xét chuyện làm mẹ đơn thân và định kiến độc hại ảnh 1

Quỳnh Lương nhận nhiều ý kiến trái chiều khi kết đôi thiếu gia Trà Vinh.

Phụ nữ làm chủ

Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, có 17% trẻ em độ tuổi 0-14 sống trong gia đình có cha mẹ đơn thân trên toàn cầu, trong đó mẹ đơn thân chiếm 88%.

Angie Emurwon, một nhà làm phim nổi tiếng, cho biết chuyện làm mẹ đơn thân là hành trình đa sắc thái với nhiều yếu tố tích cực lẫn tiêu cực. Điểm tốt là phụ nữ tiếp cận được với giáo dục, cơ hội việc làm, quyền tự quyết. Họ không cần dựa dẫm hôn nhân để ổn định và sinh kế. Hiện nay, nhiều phụ nữ không chấp nhận chuyện cưới đàn ông chỉ vì sự an toàn, ổn định.

"An toàn, ổn định" có thể đúng trong quá khứ, nhưng ngày nay phụ nữ muốn nhiều hơn trong các mối quan hệ, bao gồm sự hợp tác của bạn đời, sự hỗ trợ về cảm xúc... Do đó, họ không sẵn sàng kết hôn chỉ để có thai.

"Phụ nữ làm mẹ đơn thân đôi khi chỉ muốn mang thai, tự nuôi con và không bị ràng buộc với chuyện tìm bạn đời", Angie Emurwon nói.

Xã hội phát triển từng ngày, nhưng định kiến mẹ đơn thân hay phụ nữ nhận quyền nuôi con chưa thể giải quyết. Dù chuyện tình dục, có con trước khi kết hôn ngày càng cởi mở hơn, nhưng một nghịch lý đang tồn tại: Nam giới ít khi bị kỳ thị hoặc nhận chỉ trích vì có nhiều bạn tình, không bị áp lực vì có con. Trong khi đó, phụ nữ đơn thân hoặc phụ nữ nuôi con sau ly hôn dễ trở thành đối tượng bị bắt nạt trên mạng xã hội dù chưa biết hôn nhân đổ vỡ do ai, làm mẹ đơn thân là lựa chọn hay do hoàn cảnh.

Theo chuyên gia Karen Namperwa, tình trạng làm mẹ đơn thân hay phụ nữ nuôi con sau ly hôn ngày càng tăng một phần chỉ vì áp lực "giống người ta", mong muốn thoát khỏi cô đơn.

Quỳnh Lương bị phán xét chuyện làm mẹ đơn thân và định kiến độc hại ảnh 2Quỳnh Lương bị phán xét chuyện làm mẹ đơn thân và định kiến độc hại ảnh 3

Mẹ đơn thân luôn chịu cái nhìn khắt khe từ xã hội.

"Một số phụ nữ ngày nay có suy nghĩ rằng bạn bè xung quanh ai cũng kết hôn, làm mẹ và bản thân họ cũng vậy. Nhưng đến khi bước vào hôn nhân, họ nhận ra bản thân chưa sẵn sàng làm vợ, có nhiều bất đồng không mong muốn khi sống cùng người lạ, dẫn đến chuyện hôn nhân tan vỡ và làm mẹ đơn thân:", Karen Namperwa nói.

Chuyên gia cũng nhấn mạnh mạng xã hội là nhân tố góp phần lớn vào suy nghĩ làm mẹ đơn thân của nhiều phụ nữ. Ngày nay, nhiều KOL, người nổi tiếng cởi mở, thoải mái hơn về hành trình một mình nuôi con.

Dù phụ nữ làm mẹ đơn thân theo cách chủ quan hay khách quan, họ không đáng phải nhận những cái nhìn tiêu cực. Họ vẫn thành công, làm chủ cuộc sống của chính mình và hoàn toàn không đáng nhận những phán xét chỉ vì muốn tiếp tục hẹn hò.

Cần thay đổi

Trong nghiên cứu của Tiến sĩ Nicola Carroll, bà đặt vấn đề cứ bốn trẻ em có một trẻ lớn lên trong gia đình chỉ có cha hoặc mẹ, 42% cuộc hôn nhân kết thúc bằng ly hôn. Nhìn vào số liệu trên, nhiều người nghĩ chuyện làm mẹ đơn thân sẽ bất bình thường, nhưng trong một cuộc thăm dò, có đến 75% bố, mẹ đơn thân bị kỳ thị.

Chuyên gia cho rằng để chấm dứt kỳ thị, phương tiện truyền thông cần nhìn vào sự thật. Nghiên cứu chỉ ra 70% cha mẹ đơn thân hoặc nuôi con sau hôn nhân đổ vỡ đều có việc làm ổn định, con số cao hơn mặt bằng chung. Khảo sát cũng cho thấy việc người mẹ một mình nuôi con ảnh hưởng không đáng kể đến sự phát triển của con nhỏ.

Nhưng điều trớ trêu là phim ảnh, tiểu thuyết thường phản ánh những đứa trẻ do mẹ đơn thân nuôi dưỡng thường có tâm lý phức tạp, khác biệt so với bạn đồng trang lứa.

Chương trình Jeremy Kyle Show từng gây tranh cãi khi miêu tả mẹ đơn thân "không biết cha của con mình là ai", "mang thai để bòn rút tiền trợ cấp"... Nhưng thực chất họ không đề cập những bà mẹ đơn thân thành công trong xã hội.

Trong một cuộc khảo sát, những bà mẹ đơn thân phẫn nộ khi truyền thông chỉ muốn duy trì hình ảnh tiêu cực về họ vì thu hút lượng lớn người xem, trong khi mẹ đơn thân cũng như bao gia đình bình thường khác là cân bằng giữa công việc và nuôi con.

"Cha mẹ đơn thân có khả năng nuôi dạy đứa trẻ khỏe mạnh, hạnh phúc như bất kỳ gia đình nào khác. Sự khác biệt duy nhất giữa họ và cha mẹ đã kết hôn là họ vừa làm cha, vừa làm mẹ", chuyên gia Shannon Mclaughlin nói.

Cô nhận định thêm rằng những quan điểm sai lầm như làm mẹ đơn thân là dấu hiệu của nhân cách kém, thiếu đạo đức, gắn với kinh tế kém... là sai lầm và cần được bỏ lập tức.

"Những định kiến khủng khiếp này ăn sâu vào xã hội. Chỉ cần biết rằng bất cứ bà mẹ đơn thân nào cũng làm việc chăm chỉ để lo cho gia đình", chuyên gia khẳng định.

Tin liên quan