Quy hoạch... 'xây xen'

Quy hoạch... 'xây xen'
TPO - Những nhà "hoạch định kế hoạch xây xen" ở Hà Nội đã và đang không xét đến hạ tầng cơ sở, liệu việc việc xây xen thêm một cao ốc, sẽ "thải" ra môi xung quanh biết bao nhiêu loại "hàng hóa" mà môi trường xung không được cải tạo để "hấp thụ" cho hợp lý.

>> Hà Nội : Nên thay cao ốc bằng một con đường ! 

Trên thực tế, Hà Nội đã và đang khốn đốn vì sáng kiến "quy hoạch xây xen" này. 

Xin các cấp có thẩm quyền, đừng vì tận dụng"quỹ đất" hợp lý mà quên đi cả lịch sử; đừng vì mấy đồng lợi nhuận trước mắt mà quên đi cả " nền văn minh của Thủ đô. Mở rộng Hà Nội gấp 3,6 lần làm gì mà cứ phải "xây xen" như vậy?

Quy hoạch... 'xây xen' ảnh 1
Nơi đây sẽ lại mọc lên thêm cao ốc ngay cạnh 2 cao ốc cũ (Tháp Hà Nội và Khách sạn Melia)? Ảnh: flickr.com

Bùi Nguyễn, Email: buinguyen455@yahoo.com

Tôi không hiểu các nhà lãnh đạo thành phố quan tâm đến quy hoạch và bộ mặt của Thủ đô hay chạy theo các nhà đầu tư mà để họ xâm phạm khoảng không vốn đã ít ỏi vì những đường phố chật hẹp nay lại cõng thêm những tòa nhà cao ngất.

Nhìn ra Thủ đô các nước ai cũng thèm muốn những khu phố thoáng đãng và đẹp đẽ. Hà Nội trước kia cũng từng là một thành phố đẹp. Còn bây giờ những ngôi nhà cao to giữa trung tâm đang phá hoại cảnh quan và bộ mặt của Hà Nội.

Ông Chủ tịch Hà Nội cũng là nhà kiến trúc sao có thể cho mọc lên ở trung tâm Hà Nội những toà nhà cao tầng như vậy. Cứ đà này Hồ Gươm sẽ chỉ là cái ao. Đền chùa sẽ chỉ còn là là những mô hình bé nhỏ. Bây giờ Hà Nội đã mở rộng rồi, đâu có thiếu đất mà cứ chăm chăm xây cao ốc trên những miếng đất "vàng" như vậy ? 

Đã có chợ Hôm, chợ Mơ, chợ Hàng Da và bây giờ lại chợ 19/12 thành cao ốc. E rằng sẽ có lúc con cháu lại phải tìm chỗ để làm lại mấy cái chợ như một vài nhà hàng khách sạn giữa Thủ đô đã tạo dựng trong khuôn viên của họ để mang lại cảm giác cho họ về một nét văn hoá Hà Nội.

Tại sao không nghĩ đến việc cải tạo cho sạch sẽ vừa thuận tiện cho người lao động, vừa giữ được nét văn hoá riêng của Hà Nội ngàn năm văn vật. Mong rằng lãnh đạo Hà Nội hãy nghĩ đến tương lai của Thủ đô. Đừng để Thủ đô Hà Nội thành bãi đất để các nhà đầu tư khai thác.

Cái cần cho người dân bây giờ là đường đi, là chợ, là điện, là thực phẩm sạch chứ không phải là mấy cái siêu thị đè lên chợ.

Vũ Trọng Thắng, Email: vutrongthangdhkt@yahoo.com Đừng để hậu sinh không biết gì

Việc xây trung tâm thương mại tại chợ 19/12 (thực ra là phố 19/12) chẳng phải để đến nhà sử học Dương Trung Quốc phải băn khoan tiếc nuối vì sẽ mất đi một hàm lượng văn hóa và lịch sử cách mạng của Thủ đô, mà những người dân bình thường cũng thấy được cái bất hợp lý của nó vì cái được thì hữu hạn còn cái mất thì vô hạn...

Tôi thực sự cảm kích trước việc bà con ở khu vực này đã làm đơn đề nghị nên giữ lại con đường và thay cái chợ tạm 19/12 kéo dài từ 1980 đến nay, bằng một tượng đài liệt sĩ vô danh có tầm cỡ quốc gia, bởi vì nó đúng ở nhiều phương diện: Về các mặt kiến trúc cũng như lịch sử, văn hóa, giáo dục...

Cái giá trị vô hạn này nếu bị đánh mất sẽ là sự trả giá cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Về phía Sở QHKT Hà Nội, với vai trò "Kiến trúc sư trưởng" và là cơ quan tư vấn cho UBND thành phố, trước những đòi hỏi nhạy cảm của phát triển bền vững hiện nay, mà không tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các nhà khoa học và đông đảo nhân dân Thủ Đô, không tổ chức đánh giá tác động của dự án đến môi trường xã hội, môi trường lịch sử, môi trường văn hóa , môi trường giáo dục... mà đã ra quyết định thì liệu có tránh được sai sót?

Phạm Xuân Nhượng, Email: nhuong-phamxuan@web.de  Kiến trúc Hà Nội ngày ấy, bây giờ...

Tôi đã xa Hà Nội 21 năm, kỷ niệm về một Thủ đô, một Hà Nội cổ kính cùng Hồ Gươm, Tổng hợp Tràng Tiền, Cửa Nam, công viên Lê-nin, Vườn Bách Thảo, Đền Quan Thánh, Hồ Tây, chợ Đồng Xuân... vẫn còn mãi in đậm trong trái tim tôi. Hà Nội ngày ấy phủ rợp màu xanh.

Năm 2001 quay trở về quê hương qua các địa điểm tôi nói trên giật mình thấy Hà nội đã đổi thay với rất nhiều cái mới. Thay đổi là điều đáng mừng vì đất nước ta đang sánh vai với khắp năm châu, nhưng có một số công trình ngật ngưỡng trông không hài hoà cao chót vót (cái mới đè bẹp cái cũ) thế là ta vui chẳng biết nơi ấy có bề dầy lịch sử hay không, đôi lúc ra Hồ Tây mà thấy buồn. Dạo công viên mà chẳng có cảnh công viên, thương mại nọ thương mại kia mọc lên, trong đó có những gì, chất lượng ra sao?

Đời sống dân sinh là cần thiết nhưng phải có chất lượng, Hà Nội xưa đã và đang mất dần trong mắt tôi. Tôi nghĩ nhà sử học Dương trung Quốc nói rất đúng. Theo tôi đừng vì quá trọng kinh tế mà quên đi lịch sử dân tộc, hãy để con đường 19-12 mang đúng tầm lịch sử của nó. Hà Nội xưa vẫn còn nằm trong trái tim tôi!

NTB, Email: ntb@yahoo.com

Tôi tán thành ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc. Việc UBND TP Hà Nội đưa ra nhận định "... phù hợp với đại đa số ý kiến người dân" là không hề có cơ sở (thế nào là đại đa số người dân, lấy ý kiến bao giờ, được bao nhiêu % trong số mấy triệu người dân Thủ đô?).

Lòng tin của tôi vào những "phát biểu" mang tính suy diễn đó bị tổn hại. Xin nói thêm tôi là người có trình độ, có ý thức chính trị, yêu con người, mảnh đất, nền văn hoá và các giá trị phi vật thể khác của Thủ đô... nhưng quả thật, các vị lãnh đạo đôi khi hay có ý tưởng "lạ" khiến người dân rất khó hiểu.

Bùi Văn Lợi, Email: bacloibuivan@yahoo.com

Tôi đồng ý với ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc và ý kiến của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc. Rất nên giữ lại con đường đó hoặc làm thành một vườn hoa có khu tưởng niệm riêng. Một con đường, một khu tưởng niệm linh thiêng như thế, nay đã giải phóng được mặt bằng, đó là cơ hội tốt để triển khai những ý tưởng rất xác đáng hợp với lòng dân của các nhà khoa học nói trên.

Với các hộ kinh doanh trong chợ tạm 19-12, TP có trách nhiệm bố trí cho họ kinh doanh ở nơi khác thuận tiện hơn. Tôi muốn lưu ý chữ "tạm" có nghĩa là không vĩnh cửu, TP hoàn toàn có quyền chuyển nó đi nơi khác.

Cái vĩnh hằng là đó là nơi hàng ngàn người thủ đô đã nằm xuống tại nơi đây, mà thế hệ chúng ta phải trân trọng bảo tồn.

Tôi đề nghị quý báo và các cơ quan ngôn luận, truyền thông khác mở ngay các cuộc thăm dò rộng rãi, lấy ý kiến của đông đảo nhân dân thủ đô và nhân dân cả nước trước khi triển khai xây dựng một công trình gì đó trên mảnh đất nhạy cảm này.

>> Tiếp tục cập nhật...

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG