Quy hoạch sân bay quân sự Biên Hòa khai thác thương mại

TPO - Sân bay Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai sẽ được nâng cấp thành cảng hàng không lưỡng dụng cấp 4E, công suất dự kiến 5 triệu hành khách mỗi năm.

Bộ Giao thông vận tải đã có quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch Cảng hàng không Biên Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, việc lập quy hoạch nhằm tận dụng, phát huy tối đa hiệu quả kết cấu hạ tầng hiện hữu của sân bay Biên Hòa để khai thác lưỡng dụng, đáp ứng nhu cầu vận tải và kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh, an toàn khai thác, phù hợp với nhu cầu vận tải hàng không và định hướng theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, đề xuất lộ trình đầu tư phù hợp.

Quy hoạch sân bay quân sự Biên Hòa khai thác thương mại ảnh 1

Sân bay Biên Hòa hiện hữu.

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu, việc lập quy hoạch phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc gia về hàng không dân dụng, tiêu chuẩn sân bay quân sự và các tiêu chuẩn, khuyến cáo của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế, bảo đảm tính khả thi của quy hoạch. Xác định tính chất, vai trò, quy mô cảng cùng các chỉ tiêu cơ bản về đất đai cho thời kỳ quy hoạch và hạ tầng kỹ thuật; xác định các yêu cầu về bảo vệ môi trường và các yêu cầu khác phù hợp với mục tiêu phát triển cảng; xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch.

Bộ Giao thông vận tải là cơ quan tổ chức lập quy hoạch, Cục Hàng không Việt Nam là đơn vị lập quy hoạch. UBND tỉnh Đồng Nai là đơn vị tài trợ sản phẩm quy hoạch.

Cũng theo quyết định, phạm vi nghiên cứu quy hoạch sẽ bao gồm khu vực trong ranh giới sân bay Biên Hòa hiện hữu và các khu vực lân cận. Bộ Giao thông vận tải cũng giao Cục Hàng không Việt Nam chịu trách nhiệm chính trong việc tiếp thu, hoàn thiện quy hoạch dựa trên kết quả thẩm định từ Vụ Kế hoạch - đầu tư.

Trước đó, tháng 11/2022, Chính phủ đã có Nghị quyết số 154/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị đã giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ trì thực hiện nâng cấp sân bay Biên Hòa thành cảng hàng không lưỡng dụng cấp 4E.

Theo đề nghị của tỉnh Đồng Nai, Bộ Giao thông vận tải và ý kiến của các bộ, ngành, Chính phủ đồng ý giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền triển khai đầu tư Dự án Cảng hàng không Biên Hòa theo phương thức đối tác công - tư.

UBND tỉnh Đồng Nai đã giao các đơn vị chức năng liên quan xác định diện tích được bàn giao để nghiên cứu nâng cấp sân bay Biên Hòa thành sân bay lưỡng dụng, công suất dự kiến 5 triệu hành khách mỗi năm. Diện tích đất sân bay Biên Hòa khoảng 967 ha, có khả năng bố trí khoảng 50 ha để quy hoạch khu hàng không dân dụng.

Sân bay quân sự Biên Hòa được xây dựng từ năm 1955, cách sân bay Tân Sơn Nhất khoảng gần 30km và cách sân bay Long Thành khoảng hơn 32km. Đây đang là sân bay quân sự cấp 1 với 2 đường cất hạ cánh. Hiện do Trung đoàn Không quân 935, Sư đoàn 370, Bộ Quốc phòng quản lý sử dụng phục vụ cho mục đích quân sự, huấn luyện bay bảo vệ vùng trời phía Nam.

Ngoài ra, để tăng cường kết nối giao thông khi sân bay Biên Hòa được quy hoạch để khai thác lưỡng dụng, tỉnh Đồng Nai đã thống nhất bổ sung thêm vị trí xây dựng cầu kết nối giữa thành phố Biên Hòa và thành phố Dĩ An tại khu vực bến đò Xóm Lá, phường Bửu Long. Việc xây dựng thêm cầu đường bộ tại vị trí này sẽ tạo thêm tuyến kết nối mới giữa thành phố Biên Hòa và tỉnh Bình Dương. Tỉnh Bình Dương cũng đề xuất bổ sung quy hoạch thêm tuyến đường sắt kết nối với sân bay Biên Hòa.

MỚI - NÓNG