Theo đó, mục tiêu lập quy hoạch là định hướng phát triển TP. Phú Quốc với tầm nhìn dài hạn, nhưng đáp ứng một cách tối ưu những vấn đề ngắn và trung hạn; phát triển toàn diện, cân bằng và bền vững; kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; đảm bảo khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển trong trường hợp hình thành Khu hành chính- kinh tế đặc biệt Phú Quốc và tách xã đảo Thổ Châu (Thổ Chu) thành huyện đảo riêng.
Một góc của thành phố Phú Quốc. Ảnh: P. Vũ. |
Phát triển Phú Quốc trở thành đô thị biển đảo đặc sắc; là trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng và dịch vụ có bản sắc, chất lượng cao, có sức hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước; là trung tâm thương mại, dịch vụ và trung tâm chăm sóc sức khoẻ, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao tầm cỡ khu vực và quốc tế… quản lý phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng, thu hút đầu tư, tạo nguồn lực và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tính chất khu vực lập quy hoạch là đô thị biển – đảo độc đáo, đặc sắc, đạt tiêu chuẩn đô thị loại I. Là khu kinh tế có vị thế đặc biệt; là trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực và quốc tế…
Phú Quốc sẽ là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng, cảng biển và cảng hàng không quốc tế; là trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ chuyên ngành; trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học rừng và biển của quốc gia và khu vực; có vị trí đặc biệt về an ninh và quốc phòng.
Về dự báo phát triển, đến năm 2030, Phú Quốc có quy mô dân số khoảng 400.000 người, đến năm 2040 là khoảng 680.000 người. Trong khi đó, quy mô đất xây dựng đô thị đến 2030 là khoảng 10.000-12.000ha (chỉ tiêu trung bình khoảng 250-300 m2/người) và đến năm 2040 là khoảng 15.000-18.000ha (chỉ tiêu trung bình là khoảng 220-265 m2/người).
Phạm vi lập quy hoạch chung TP. Phú Quốc đến năm 2040 là toàn bộ diện tích đất tự nhiên 589,27km2 và các không gian biển của TP Phú Quốc, bao gồm 2 phường (Dương Đông, An Thới) và 7 xã: Cửa Cạn, Gành Dầu, Bãi Thơm, Hàm Ninh, Cửa Dương, Dương Tơ, Thổ Châu.