Quay cuồng trong cơn khát cát - Bài 4: Lãnh đạo nhiều tỉnh đau đầu

0:00 / 0:00
0:00
TP - Để có cát đáp ứng tiến độ các dự án phải tăng khai thác, nhưng nếu khai thác quá mức sẽ gia tăng nguy cơ sạt lở bờ sông, khi sạt lở ngân sách lại phải chi rất nhiều để chống sạt lở. Giải bài toán giữa các lựa chọn khó cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khiến lãnh đạo nhiều tỉnh đau đầu.
Quay cuồng trong cơn khát cát - Bài 4: Lãnh đạo nhiều tỉnh đau đầu ảnh 1
Tuyến đê biển Đông đoạn qua xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu liên tục sạt lở những ngày qua Ảnh: Tân Lộc

Không đánh đổi sạt lở lấy cát

UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tổng trữ lượng cát sông địa phương đã cấp phép khai thác cho Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau khoảng 7 triệu m3, mục tiêu cung ứng đủ từ nay tới quý 1/2025. Đối với Dự án thành phần 1 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (qua Đồng Tháp) cần khoảng 2,3 triệu m3 cát, tỉnh Đồng Tháp dự kiến cấp phép 5 mỏ, hoàn thành thủ tục trong tháng 7/2024.

Ông Nguyễn Công Minh, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong số 7 mỏ cát cung ứng cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, do tình trạng sạt lở, sụt lún và khai thác quá độ sâu được phép nên tỉnh tạm ngưng khai thác 2 mỏ để đánh giá lại. Cụ thể, mỏ cát tại xã Tân Khánh Trung (huyện Lấp Vò), sau khi nhà thầu khai thác, một số đoạn đường giao thông bờ sông xuất hiện lún, nứt, nên địa phương yêu cầu dừng khai thác từ ngày 22/5, sau khi nhà thầu khắc phục, địa phương cho khai thác lại từ ngày 24/7. Còn mỏ cát tại xã An Nhơn (huyện Châu Thành) tới nay vẫn chưa được khai thác lại.

Cũng theo ông Minh, trước nhu cầu cát rất lớn phục vụ các dự án, UBND tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ liên ngành kiểm tra, giám sát, để tỉnh đưa ra các giải pháp khắc phục khó khăn, đảm bảo đủ cát cho các dự án. Cũng vì lo ngại sạt lở, một số mỏ cát khác, cả địa phương và đơn vị liên quan cùng tiếp tục đánh giá về khả năng tăng công suất khai thác.

Báo cáo của Bộ GTVT, TN&MT và một số địa phương, nhu cầu cát san lấp, đắp nền đường cho 5 dự án đường cao tốc ở khu vực ĐBSCL và đường Vành đai 3 TPHCM khoảng 63 triệu m3. Nguồn cung số lượng cát này dự kiến dùng các mỏ cát sông và cát thu hồi từ các dự án nạo vét khơi thông luồng sông sẽ cơ bản đáp ứng đủ. Tuy nhiên, số nhu cầu cát trên chưa bao gồm các dự án giao thông, dự án hạ tầng kinh tế khác trên địa bàn ĐBSCL.

Quay cuồng trong cơn khát cát - Bài 4: Lãnh đạo nhiều tỉnh đau đầu ảnh 2
Sạt lở bờ sông tại phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ tháng 6/2024, dù chính quyền và người dân đã dùng nhiều biện pháp bảo vệ bờ bao. Ảnh: Cảnh Kỳ

Tốn kém đầu tư chống sạt lở

Thống kê của Bộ NN&PTNT tới giữa năm 2023 cho thấy, tính từ năm 2016 tới thời điểm báo cáo, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã xuất hiện 779 điểm sạt lở, tổng chiều dài khoảng 1.134km. Trong đó có 281 điểm dài 528km sạt lở đặc biệt nguy hiểm, cần phải xây dựng công trình bảo vệ. Để đầu tư xây dựng công trình khắc phục, phòng chống tại các điểm sạt lở nói trên cần khoảng 13.400 tỷ đồng, vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương. Để khắc phục các điểm sạt lở cấp bách, các tỉnh vùng ĐBSCL cơ bản đã sử dụng hết nguồn vốn dự phòng.

Để hỗ trợ vốn cho các địa phương vùng ĐBSCL chống sạt lở khẩn cấp bờ sông, bờ biển, tháng 10/2023, Chính phủ quyết định bổ sung 4.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương cho các địa phương trong vùng. Cùng đó, Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT xây dựng Đề án tổng thể về sụt lún, sạt lở, ngập mặn, hạn hán để giải quyết tình trạng này. Dự thảo Đề án dự kiến trình Chính phủ trong năm nay.

Ông Nguyễn Quang Thương, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bến Tre cho biết, để chống sạt lở, tỉnh đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ khoảng 5.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2026 - 2030. Trong đó, bố trí khoảng 866 tỷ đồng làm 91km đê sông, hơn 4.155 tỷ đồng làm 29 cống. Trước mắt, Bến Tre đề xuất Trung ương hỗ trợ thêm khoảng 1.160 tỷ đồng đầu tư 6 dự án cấp bách chống sạt lở, xâm nhập mặn.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi Cà Mau cho biết, để ứng phó với sạt lở bờ biển, trước mắt địa phương đề xuất Trung ương hỗ trợ hơn 2.181 tỷ đồng cho các hạng mục cấp bách. Trong đó, chi 1.300 tỷ đồng làm 21km bờ kè biển Đông; khoảng 684 tỷ đồng làm 5,7km kè bờ sông sạt lở nguy hiểm; khoảng 197 tỷ đồng cho các công trình trữ nước ngọt nhằm khắc phục sụt lún đất ở vùng ngọt hóa của tỉnh vào mùa khô.

Để hỗ trợ nguồn vốn cho các địa phương vùng ĐBSCL chống sạt lở khẩn cấp, tháng 10/2023, Chính phủ quyết định bổ sung 4.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương cho các địa phương trong vùng thực hiện các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Trong đó, phân bổ các địa phương gồm: Long An 250 tỷ đồng, Tiền Giang 200 tỷ đồng, Bến Tre 300 tỷ đồng, Trà Vinh 200 tỷ đồng, Vĩnh Long 500 tỷ đồng, Cần Thơ 250 tỷ đồng, Hậu Giang 200 tỷ đồng, Sóc Trăng 300 tỷ đồng, An Giang 250 tỷ đồng, Đồng Tháp 250 tỷ đồng, Kiên Giang 500 tỷ đồng, Bạc Liêu 300 tỷ đồng, Cà Mau 500 tỷ đồng.

Tại Cần Thơ, thời gian qua địa phương cũng triển khai nhiều dự án kè sông chống sạt lở, ứng phó biến đổi khí hậu, như kè sông Cần Thơ, Cái Sơn, Mương Khai, âu thuyền, các cống ngăn triều, trạm bơm… Các dự án này có tổng vốn đầu tư 254 triệu USD (từ vốn ODA), hoàn thành cuối năm nay. Dù vậy, Cần Thơ còn nhiều điểm sạt lở, nên Thành phố đang kiến nghị Trung ương bố trí hơn 4.515 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư kè chống sạt lở (khoảng 9km bờ kè), chống ngập, triển khai giai đoạn 2024 - 2030.

Quay cuồng trong cơn khát cát - Bài 4: Lãnh đạo nhiều tỉnh đau đầu ảnh 3
Sạt lở bờ sông tại phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ tháng 6/2024, dù chính quyền và người dân đã dùng nhiều biện pháp bảo vệ bờ bao. Ảnh: Cảnh Kỳ

Tuy nhiên, không phải đầu tư kè chống sạt lở sẽ ngăn được sạt lở, vì thực tế có những công trình đầu tư chỉ một thời gian sau lại tiếp tục lở. Điển hình như tuyến đê biển Đông đoạn qua xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu (giáp ranh tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng) những ngày đầu tháng 8 liên tiếp sạt lở. Toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có đến 4/7 huyện, thị, thành phố xảy ra tình trạng sạt lở, sụt lún bờ sông, kênh, rạch... với 36 điểm, làm thiệt hại 60 căn nhà của người dân.

Trước tình hình sạt lở cả bờ sông và bờ biển trong tỉnh, cuối tháng 7 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng cùng lãnh đạo UBND tỉnh, các sở ngành liên quan đã đi kiểm tra, khảo sát thực tế để có hướng chỉ đạo, giải pháp khắc phục. Trước mắt, địa phương sẽ rà soát từng vị trí sạt lở, nguy cơ sạt lở, từng nhà dân, nếu cần thiết sẽ di dời dân tới nơi an toàn, kiên quyết không để người dân ở tại các điểm sạt lở này. Nếu đủ điều kiện, tỉnh Bạc Liêu sẽ cân nhắc công bố tình trạng khẩn cấp sạt lở tại vùng bị ảnh hưởng, để áp dụng biện pháp khẩn cấp phòng, chống sạt lở.

Tương tự, tại bờ kè biển Trà Vinh đoạn qua xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải được đầu tư xây dựng năm 2008 để chống sạt lở. Tháng 11/2023, bờ kè này bị sóng biển đánh sập một số vị trí, UBND tỉnh Trà Vinh phải công bố tình huống khẩn cấp và duyệt chi 140 tỷ đồng để khắc phục…

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG