Quanh những bức tượng bị 'ném đá'

0:00 / 0:00
0:00
Tượng “Nữ thần Tự Do”
Tượng “Nữ thần Tự Do”
TP - Tượng 12 con giáp, tượng “Nữ thần Tự Do”, tượng “Nữ hoàng băng giá”… bất ngờ mọc lên ở những địa danh được thiên nhiên ưu đãi, là những địa chỉ thu hút khách du lịch. Đáng tiếc, chúng lại bị dư luận “ném đá” tơi bời.

Người ta cho rằng, đám tượng ấy kém thẩm mỹ, là những “phiên bản lỗi” đáng xấu hổ… Tại sao xu hướng làm tượng lạ, gây tranh cãi có đà phát triển trong những năm gần đây?

“Đột biến” liên tục

Cách đây hơn 3 năm, tượng 12 con giáp ở Khu du lịch Hòn Dấu (Hải Phòng) bỗng “nổi như cồn”. Dù tác giả của những bức tượng trên lên tiếng đòi hỏi phải “coi vườn tượng 12 con giáp là những tác phẩm nghệ thuật để nhìn nó với con mắt nghệ thuật” cũng không thể làm nguôi làn sóng dư luận chê bai, chế giễu.

Ngay đến nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng cũng phải nói: Đừng đánh đồng các kiểu khỏa thân với nhau. Khỏa thân như tượng David hay tượng thần Vệ nữ, tôn vinh vẻ đẹp hình thể của con người. Vườn tượng 12 con giáp không mang lại những xúc cảm đẹp như thế.

Chủ tịch HĐQT khu du lịch Hòn Dấu khi đó cũng thắc mắc: Nước ngoài cũng có những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng phô bày những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể. Tại Việt Nam cũng có nhiều lễ hội phồn thực, rước bộ phận sinh dục kia mà?...

Đáng lẽ những người tạo ra vườn tượng kỳ quặc ấy phải tự hiểu: “Cởi” là chuyện dễ dàng, song không phải sự “cởi” nào cũng mang lại hiệu ứng tích cực. Trước áp lực quá lớn từ dư luận, cuối cùng vườn tượng 12 con giáp được lên đồ, đóng “khố” đàng hoàng.

Dư luận lại kêu: Càng đóng “khố” càng phản cảm. Đóng “khố” phản cảm thì che bộ phận nhạy cảm bằng lá cây, chùm nho… Lại càng bị “ném đá” dữ hơn. Nhưng ném mãi cũng mỏi tay, kêu riết cũng mệt. Dần dần, vườn tượng chìm vào quên lãng. Những bức tượng lạ lùng khác lại “lên ngôi”.

Từ Hải Phòng ngược lên “nơi gặp gỡ đất trời” vào tháng 4 năm nay tượng “Nữ thần Tự Do”, ở điểm check-in An Sa Pa (Lào Cai) bất ngờ “chiếm sóng”. Dư luận đặt cho “Nữ thần Tự Do nhái” cái tên: “Nữ thần Tự Do” phiên bản lỗi; “Nữ thần Tự Do” “đột biến”…

Bị “ném đá” quyết liệt, chủ nhân điểm du lịch có bức tượng “đột biến” liền được hiến ý tưởng biến nữ thần cầm đuốc thành… người đàn ông dân tộc Mông cầm khèn: Vương miện biến thành mũ bê-rê, chiếc đuốc sửa thành chiếc khèn… Ông tự khen ý tưởng của mình: Gần gũi, phù hợp với văn hóa bản địa (!). Thế rồi, “Nữ thần tự do” phiên bản lỗi tạm lắng chưa bao lâu, điểm du lịch An Sa Pa lại “sốt xình xịch” với tượng “nữ hoàng băng giá Elsa” bị dư luận đánh giá, “xấu như mụ phù thủy”.

Sau đó, đại diện cho nhóm nghệ nhân sinh ra Elsa “phù thủy” đã viết tâm thư trên mạng xã hội hứa hẹn , sẽ dùng hiệu ứng ánh sáng để tay “nữ hoàng băng giá” bớt cảm giác to, sẽ vẽ lại, sẽ căn chỉnh để mắt “nữ hoàng” bớt “lác”… Nhưng số phận của “nữ hoàng băng giá” đột biến không may như đám tượng 12 con giáp. Không chỉnh sửa, không được thay quần áo, Elsa “phù thủy” đã buộc phải tháo dỡ.

Quanh những bức tượng bị 'ném đá' ảnh 1

Tượng 12 con giáp (Nguồn ảnh: Internet)

Vấn đề là: Đặt sai chỗ?

Có ý kiến đặt ra: Dựng tượng Elsa, tượng “Nữ thần Tự Do” đã xin phép… người ta chưa? Nhưng theo nhà điêu khắc Đinh Công Đạt thì nên bỏ qua chuyện bản quyền bởi “chuyện bản quyền ở ta là thứ xa vời”.

Bình luận quanh những tượng gây ồn ào, ông Đinh Công Đạt nói: “Trong âm nhạc, trong thi ca hay trong cuộc sống luôn tồn tại một thứ tạm gọi là rác. Sự phản cảm, xấu xí là rác, sinh ra trong quá trình sinh hoạt, quá trình sống, vận động, làm việc. Cuộc sống vốn phong phú, có những thứ tốt đẹp, đáng yêu. Và ngược lại, có những thứ uế tạp, xấu xí. Uế tạp thường có “đất sống” là nhà vệ sinh song đôi khi vào một sự bất ngờ nào đó, không may cho một địa phương, một khu du lịch nào đó, “rác” lại bị đặt nhầm chỗ”.

Nhà điêu khắc chỉ ra nơi mà tượng Elsa hay Nữ thần Tự Do nên “ngự”, là bãi rác: “Tượng “Nữ thần Tự Do” phiên bản lỗi nếu để ở bãi rác Sóc Sơn (Hà Nội) chẳng hạn thì lại được nhiều người hoan nghênh ngay. Người ta sẽ ồ lên: Bãi rác có cái tượng vui phết! Còn nữ thần băng giá, thần tượng của các bé gái lại nằm ở bãi rác Đa Phước (Sài Gòn) có khi cũng hay.

Tượng mọc sai chỗ tác động xấu thế nào? Theo nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo những bức tượng ở điểm du lịch Sa Pa chẳng có ý nghĩa gì: “Làm cái gì phải có hồn Việt cơ, chứ không thể nhái hình thức được. Đây chẳng qua là mấy thứ để “làm ăn”, không mang yếu tố nghệ thuật. “Nữ thần Tự Do” sao chép quá vụng về. Tượng “Nữ Thần Tự Do” của người ta là tượng toàn thân, đẹp biết bao nhiêu, cái này bán thân, thô kệch”.

Nhà điêu khắc lừng danh cho rằng, nếu các công viên hay điểm du lịch ở nước ta cứ làm ra loại tượng như thế thì… thực sự nguy hiểm. Chúng không góp phần nâng cao văn hóa, thẩm mỹ của người dân mà còn làm què quặt văn hóa: “Sự sao chép ngớ ngẩn ấy làm người xem bực mình. Một thứ thẩm mỹ thấp kém”, ông nói.

Lỗi tại du lịch check-in?

Ai chịu lỗi về những bức tượng gây tranh cãi? Thường người ta nhắm đến chủ đầu tư và những nghệ nhân làm tượng. Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt lại nghĩ khác: “Nghệ thuật về nguyên tắc, được sinh ra bởi những người làm nghệ thuật, tức các họa sỹ, nhạc sỹ, nhà điêu khắc... Nhưng đôi khi không cần thế. Có những người trước đó vốn không phải họa sỹ, nhạc sỹ… nhưng tức cảnh sinh tình họ làm ra những thứ rất tuyệt vời. Còn tượng Elsa thì người làm ra nó bị bắt thành nghệ sỹ, khổ người ta ra.

Chưa ra khỏi Lào Cai mà bắt người ta làm “Nữ thần Tự Do” cũng lại là một sự khổ. Tác giả không sai, vật không sai. Vấn đề là công tác quản lý, không mạnh tay sẽ có những lần sau. Chúng ta đã không làm đến nơi, đến chốn.

Hòn Dấu có thể làm tượng 12 con giáp thì sao Sa Pa không thể làm gì đó tương tự? Sau vụ tượng 12 con giáp có khi khách kéo đến khu du lịch này còn đông hơn. Có PR nào bằng việc người ta xúm vào chửi, sau đó kéo nhau đến “check- in”? Về mặt truyền thông, họ đang thắng. Sa Pa có cái tượng xấu, cả nước nhảy vào chê, chê xong lại tìm đến tận nơi check- in một cái.

Theo ông Đinh Công Đạt nếu cứ tiếp tục xử lý nhẹ thì những tượng phi thẩm mỹ sẽ còn tiếp tục mọc lên: “Thậm chí sau đó người ta còn làm những thứ thô tục hơn. Nhà tớ, tớ làm. Lấy vợ xấu cũng là việc của tớ”, ông cảnh báo.

Nhắc đến Sa Pa không thể không nhắc đến “Vua phong cảnh” trong làng nhiếp ảnh Việt, nhiếp ảnh gia Hoàng Thế Nhiệm. Ông quá rành Sa Pa trong quá khứ. Hỏi Hoàng Thế Nhiệm, có thấy Sa Pa hiện nay thay đổi nhiều không?

“Vua phong cảnh” đáp: “Quá nhiều luôn. Thị trấn Sa Pa không còn là thị trấn yên ả như xưa, xây dựng quá nhiều. Không thể cấm xây dựng nhưng phải có con mắt quy hoạch, mới giữ được sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Xây dựng tràn lan, không coi trọng thiên nhiên, mà chính thiên nhiên mới mang lại thế mạnh của Sa Pa. Một thị trấn đẹp phải hài hòa với thiên nhiên, riêng mảng này Sa Pa thua. Dọc theo những cung đường du lịch của Sa Pa thấy dịch vụ thân thiện giữa con người và thiên nhiên Sa Pa chưa làm tới. Hoàn toàn chỉ để kiếm tiền thôi”.

Trở lại với hai bức tượng gây tranh cãi thời gian qua ở Sa Pa, nhiếp ảnh gia bình luận: “Mấy tượng đó thể hiện thị hiếu thấp kém. Mấy thị trấn nhỏ nhỏ của Trung Quốc tôi có dịp ghé qua thấy hay làm kiểu đó. Cứ thích xanh xanh, đỏ đỏ, lòe loẹt, người ta có gì thì mình cũng phải có cái đó, không xem trọng giá trị nghệ thuật, chủ yếu chỉ để “câu view”, để “check-in”.

Từ nghề nghiệp của mình, ông Hoàng Thế Nhiệm có những quan sát và tổng kết đáng suy nghĩ: “Tôi đi chụp ảnh sợ nhất mấy ông check-in. Cứ check- in xong là đi về. Tại vì phong trào check-in ở trên mạng phát triển quá! Lượng người đi du lịch để check-in nhiều hơn lượng người đi du lịch để tìm hiểu và hưởng thụ. Người kinh doanh đã nắm bắt sở thích đó nên họ phải “nghĩ kế” phục vụ xu hướng check-in. Người ta phải đưa ra những biểu tượng độc, lạ để kéo du khách tới, mới thu được tiền”.

Theo nhiếp ảnh gia Hoàng Thế Nhiệm: Du lịch check-in là xu thế tất yếu, không chỉ ở Việt Nam. Vấn đề nằm ở chỗ: “Những người cầm trịch nếu biết cách làm thì điểm check-in có đẳng cấp. Còn anh không biết làm thì điểm check-in tào lao, để ăn tiền, vậy thôi”.

Xấu thế nào?

Khi tượng “Nữ thần Tự Do” ở Sa Pa bị đánh giá: Không đảm bảo các tiêu chí về mỹ thuật. Một bộ phận dư luận ngay lập tức đặt câu hỏi: “Tiêu chí mỹ thuật là như thế nào?”; “Sao lại nói chung chung thế?”; “Căn cứ vào đâu để nói tượng xấu”? “Không có văn bản pháp qui nào qui định chỉ được dựng tượng đẹp, không được dựng tượng xấu” v.v. Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo cho rằng: Công tác quản lý văn hóa nói chung rất cần những người hiểu biết về nghệ thuật.

MỚI - NÓNG
Địa ốc 24H: Gần 1,3 tỷ USD vốn ngoại đổ vào bất động sản; kế hoạch đấu giá ‘đất vàng’ Thủ Thiêm
Địa ốc 24H: Gần 1,3 tỷ USD vốn ngoại đổ vào bất động sản; kế hoạch đấu giá ‘đất vàng’ Thủ Thiêm
TPO - Gần 1,3 tỷ USD vốn ngoại đổ vào bất động sản; Kế hoạch đấu giá đất Thủ Thiêm của TP HCM; ‘Choáng’ với giá nhà chung cư ngang ngửa giá biệt thự, liền kề; Giá bất động sản tăng cao, đánh thuế để ngăn tăng giá, đầu cơ?;… là những thông tin nổi bật của Bản tin Địa ốc 24H ngày 9/9.
 5 trẻ nhập viện cấp cứu sau khi ăn quả lạ
5 trẻ nhập viện cấp cứu sau khi ăn quả lạ
TPO - Loại quả mà các em nhỏ ăn phải nhìn rất bắt mắt của loài cây mọc hoang, thường được người dân trồng làm hàng rào. Dẫu khá quen thuộc song người dân đều không biết loại quả của cây này có thể gây ra tình trạng ngộ độc nặng, tê liệt thần kinh, gây hôn mê... nếu ăn phải chúng.