Nhân chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của Tổng thống Barack Obama, hai bên ra Tuyên bố chung, nhất trí tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện theo hướng thực chất, sâu sắc, hiệu quả hơn vì lợi ích hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và thế giới.
Bước sang giai đoạn mới
Tại họp báo, Tổng thống Obama phát biểu, chuyến thăm của ông cho thấy một điều rõ ràng là nhân dân hai nước rất mong muốn quan hệ song phương gần gũi hơn, sâu sắc hơn.
“Khi đi trên phố, tôi thấy rất nhiều người đứng dọc hai bên đường để chào đón chúng tôi hôm nay. Tôi mang theo lời chào và tình cảm bạn bè của người dân Mỹ, trong đó có những thành viên nổi bật trong Quốc hội đi cùng tôi trong chuyến thăm này, cũng như của nhiều người Mỹ gốc Việt mà chính gia đình họ đã mang chúng ta lại gần nhau và nhắc nhở chúng ta về những giá trị mà chúng ta cùng chia sẻ”, ông Obama nói.
Tổng thống Mỹ nói rằng, hai quốc gia đã trải qua xung đột, ngăn cách đau đớn và một thời gian dài hòa giải trước khi tiến đến hợp tác. “Giờ đây, hơn 2 thập kỷ bình thường hóa quan hệ giữa hai chính phủ cho phép chúng ta bước sang một giai đoạn mới”.
Trong cuộc hội đàm sáng qua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Obama trao đổi về quan hệ song phương và các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm, bày tỏ hài lòng trước những tiến triển nhanh chóng, thực chất và toàn diện của quan hệ Việt - Mỹ. Tổng thống Obama nhất trí sẽ sớm thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cam kết trợ giúp Việt Nam nâng cao năng lực để triển khai thỏa thuận này.
Hai bên nhất trí coi hợp tác phát triển, bao gồm kinh tế - thương mại, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, ứng phó biến đổi khí hậu là một trong những trọng tâm trong quan hệ hai nước. Hai bên cho rằng, cần tiếp tục tăng cường hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, đặc biệt là việc tẩy độc dioxin, bom mìn và hỗ trợ người tàn tật, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Obama duyệt đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương
Nhân dịp này, Tổng thống Obama tuyên bố, Mỹ chính thức dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Phát biểu tại cuộc họp báo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, Việt Nam hoan nghênh quyết định này. Tại họp báo, Tổng thống Obama cho biết, tại cuộc hội đàm, hai bên nhất trí tiếp tục làm sâu sắc hợp tác quốc phòng, trong đó có việc cung cấp tàu tuần tra và huấn luyện cho Cảnh sát Biển Việt Nam, đồng thời phối hợp chặt chẽ hơn trong việc ứng phó thảm họa nhân đạo.
“Và tôi thông báo rằng, Mỹ sẽ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm mua thiết bị quân sự đối với Việt Nam. Cùng với các đối tác quốc phòng của chúng tôi, việc bán vũ khí vẫn phải đáp ứng những yêu cầu chặt chẽ… Nhưng thay đổi này sẽ bảo đảm rằng Việt Nam có thể tiếp cận các thiết bị cần thiết để tự vệ và xóa bỏ những dấu vết còn lại của Chiến tranh Lạnh. Điều đó nhấn mạnh cam kết của Mỹ về việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ với Việt Nam, bao gồm hợp tác quân sự mạnh mẽ với Việt Nam và khu vực trong dài hạn”, Tổng thống Mỹ nói.
Tổng thống Mỹ khẳng định, Mỹ và Việt Nam có quan điểm thống nhất về việc ủng hộ một trật tự khu vực, bao gồm biển Đông, nơi các quy tắc và chuẩn mực quốc tế được duy trì, nơi thương mại không bị cản trở, và nơi các tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình, thông qua các phương tiện pháp lý, tuân thủ luật pháp quốc tế. “Tôi muốn nhấn mạnh rằng, Mỹ sẽ tiếp tục bay, đi tàu và hoạt động bất kỳ nơi nào luật quốc tế cho phép, và chúng tôi ủng hộ quyền của tất cả các nước làm như vậy”, ông Obama nói.
Kết thúc phần phát biểu, Tổng thống Obama nói rằng, ông mong có cơ hội đi thăm cùng người dân Việt Nam. Có thể ông sẽ thưởng thức món mà ông gọi bằng tên tiếng Việt là “cà phê sữa đá”. “Tôi tin rằng, quan hệ giữa nhân dân Việt Nam và Mỹ có thể là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất ở khu vực quan trọng này của thế giới. Và tôi tin rằng, việc cải thiện quan hệ mà chúng ta đạt được hôm nay sẽ mang lại an ninh, thịnh vượng và phẩm giá lớn hơn cho nhân dân hai nước trong nhiều thập kỷ tới”, Tổng thống Mỹ nói.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Obama cũng nhất trí cần tăng cường phối hợp trong nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm xử lý các vấn đề khu vực và toàn cầu như ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó có vấn đề ngập mặn và hạn hán, an ninh nguồn nước Mekong, chống khủng bố, chống phổ biến vũ khí hạt nhân, chống buôn bán động vật hoang dã, bảo vệ đa dạng sinh học.
Thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại, sớm phê chuẩn TPP
Tiếp Tổng thống Obama cùng ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao ý nghĩa và tầm quan trọng chuyến thăm của Tổng thống Mỹ, coi đây là sự tái khẳng định cam kết của lãnh đạo hai nước đối với quan hệ Đối tác toàn diện Việt - Mỹ. Tổng Bí thư khẳng định, Việt Nam tiếp tục coi Mỹ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu và nhấn mạnh hai bên cần tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện đi vào chiều sâu, thiết thực và có hiệu quả, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và thịnh vượng chung trong khu vực và trên thế giới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận và hoan nghênh chính quyền, Quốc hội và nhiều tổ chức nhân dân của Mỹ đã và đang hợp tác với Việt Nam trong các hoạt động giải quyết hậu quả chiến tranh; bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác thực chất và hiệu quả hơn nữa trong lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng này.
Tổng thống Obama đánh giá cao vai trò và tầm nhìn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc lãnh đạo đất nước giành được những thành tựu to lớn. Ông khẳng định, Mỹ coi Việt Nam là một đối tác quan trọng trong khu vực; nhấn mạnh sẽ làm mọi việc có thể để thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam thực hiện TPP.
Về các vấn đề quốc tế và khu vực, Tổng Bí thư hoan nghênh những tuyên bố và hành động của các nước, trong đó có Mỹ, nhằm góp phần duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực; đồng thời, khẳng định lại lập trường của Việt Nam giải quyết các tranh chấp trên biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, ngoại giao và pháp lý, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế. Tổng thống Obama nêu bật sự cần thiết bảo đảm an toàn, an ninh và tự do hàng hải, hàng không, giải quyết các tranh chấp trên biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Tổng thống Obama. Hai bên trao đổi về các biện pháp tăng cường quan hệ song phương, trong đó ưu tiên thúc đẩy hợp tác phát triển làm trọng tâm và động lực của quan hệ trong thời gian tới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Mỹ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa Việt Nam, tăng cường đầu tư trực tiếp để trở thành nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam; hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và hỗ trợ Việt Nam tổ chức thành công sự kiện APEC 2017, thúc đẩy giao lưu nhân dân…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Mỹ tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ được phát triển và đóng góp nhiều hơn nữa cho quan hệ hai nước. Thủ tướng cũng tái khẳng định Việt Nam sẽ sớm trình Quốc hội xem xét phê chuẩn TPP, đề nghị Tổng thống Obama tiếp tục thúc đẩy việc Quốc hội Mỹ sớm thông qua hiệp định để sớm triển khai TPP. Tổng thống Obama nói rằng, TPP là một hiệp định thương mại chất lượng cao của thế kỷ 21, khẳng định quyết tâm thúc đẩy thông qua hiệp định này trong năm 2016. Tổng thống Obama nhấn mạnh, hợp tác về giáo dục - đào tạo (trong đó có việc thành lập Đại học Fulbright Việt Nam), biến đổi khí hậu, kinh tế - thương mại, khoa học - công nghệ là nền tảng vững chắc của quan hệ trong dài hạn.
Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi về tình hình khu vực, trong đó có vấn đề biển Đông. Hai bên nhất trí rằng, tranh chấp trên biển Đông cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông, tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đón Tổng thống Barack Obama tới thăm Nhà sàn Bác Hồ. Ảnh: TTXVN.
Thăm Nhà sàn Bác Hồ
Trưa 23/5, Tổng thống Obama có cuộc gặp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Nhà sàn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Quốc hội mời Tổng thống Mỹ tham quan Nhà sàn và Ao cá Bác Hồ. Chủ tịch Quốc hội giới thiệu với Tổng thống Obama về cuộc sống giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giai đoạn lịch sử 1945-1946 và các cuộc tiếp xúc giữa Việt Minh và Mỹ.
Tổng thống Obama khẳng định, quan hệ Việt - Mỹ đã trải qua những trang sử khó khăn, nhưng cũng có những trang sử tích cực và giờ đây hai nước cùng chung một mục tiêu vì hợp tác vì hòa bình, phát triển.
Ký kết hợp đồng hàng chục tỷ đô la
Sau hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Barack Obama chứng kiến lễ ký một số thỏa thuận hợp tác kinh tế quan trọng, bao gồm Hợp đồng mua 100 máy bay Boeing 737 Max 200 (trị giá khoảng 11,3 tỷ USD); Hợp đồng cung cấp động cơ máy bay và dịch vụ bảo dưỡng kỹ thuật cho 63 máy bay Airbus thế hệ mới A320/A321 NEO giữa VietJet Air và Công ty Pratt & Whitney, và Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương và Tập đoàn GE về hợp tác thực hiện các giải pháp phát triển năng lượng gió Việt Nam.